Như lời khẳng định trước đó, Locke đã xây dựng quan niệm về nhà nước từ chính quan niệm của ông về con người và quyền con người. Chúng ta có thể thấy trong tác phẩm “Khảo luận thứ hai về chính quyền”, vai trò, vị trí của nhân dân luôn được đề cao. Ông coi nhân dân chính là lực lượng quan trọng nhất trong việc giới hạn quyền lực của nhà nước và nhân dân sẽ là người đóng vai trò kiểm tra, giám sát các hoạt động của nhà nước. Và nhân dân cũng luôn nắm trong tay một đặc quyền vốn chỉ thuộc về chủ thể gốc của quyền lực nhà nước, thông qua Khế ước xã hội nhân dân chuyển nhượng quyền lực của họ cho cộng đồng nhưng không phải là chuyển nhượng mọi quyền lực không thể thu hồi được. Mặt khác, dân chúng không chuyển giao hoàn toàn quyền tự nhiên của mình cho quyền lực tuyệt đối của nhà nước, mà bằng lý trí, họ vẫn giữ lại phần cho mình, là cái được đặt ở khối toàn thể cộng đồng, đó là quyền tự bảo toàn. Locke đã viết: “Ở đó vẫn còn lại trong nhân dân một quyền lực tối cao để xóa bỏ hay thay đổi cơ
quan lập pháp khi họ nhận thấy cơ quan lập pháp hành động trái ngược với sự ủy thác được đặt vào” [30, tr. 203]. Tuy nhiên, quyền lực mà nhân dân đã trao cho nhà nước cũng sẽ không có sự chuyển hồi một khi chính quyền vẫn còn tồn tại. “Quyền lực mà mỗi cá nhân trao cho xã hội, khi anh ta gia nhập vào đó, không bao giờ quay ngược về lại cá nhân chừng nào xã hội đó vẫn tồn tại, mà sẽ luôn được lưu giữ tại cộng đồng” [30, tr. 313]. Do vậy, Locke cho rằng, “Ở khía cạnh này, có thể nói cộng đồng luôn là quyền lực tối cao, nhưng không được xét đến khi còn đặt dưới bất kỳ hình thức chính quyền nào, vì quyền lực này của nhân dân không bao giờ được thực thi cho đến khi mà chính quyền đó bị tan rã” [30, tr. 209].
Với tư tưởng cách mạng sẵn sàng xóa bỏ cái cũ để xây dựng cái mới một khi cái cũ đã trở nên lỗi thời, cản trở sự phát triển, Locke khẳng định nhà nước không phải là bất biến và không thể bị lật đổ mà nhà nước có thể bị lật đổ bởi chính nhân dân – những người trước đó đã tạo dựng nên nhà nước thông qua Khế ước xã hội. Quyền lực của nhà nước sẽ quay trở về với xã hội một khi chính quyền gây ra những sai lầm không thể chấp nhận được đối với người dân, phản bội những giao ước đã từng cam kết với người dân hay nói cách khác, đi ngược lại những thẩm quyền mà xã hội đã giao phó. Lúc này, người dân không còn bị ràng buộc bởi Khế ước xã hội nữa và có quyền hành động với tư cách quyền lực tối cao và tự mình tiếp tục công việc lập pháp, hoặc dựng lên một hình thức chính quyền mới, hoặc vẫn theo một hình thức cũ đó nhưng được đặt vào tay những con người mới, theo những gì họ cho là tốt đẹp.
Như vậy, theo Locke chính quyền là do nhân dân bầu lên nhưng chính quyền đó cũng có thể bị nhân dân “giải thể”. Nhân dân có quyền lật đổ chính quyền hiện hành và thay thế bằng chính quyền khác tốt hơn. Locke còn cho rằng, thực hiện cách mạng để giành lại quyền lực không chỉ
là quyền, trong một số trường hợp còn là nghĩa vụ mà chủ thể của nó không ai khác chính là nhân dân. Locke nhấn mạnh, ngay cả khi chính quyền được tạo ra, quyền tối thượng sau cùng vẫn thuộc về nhân dân. “Cộng đồng vĩnh viễn lưu giữ một quyền lực tối cao để cứu lấy chính mình trước những cố gắng hay mưu đồ của bất kỳ ai” [30, tr. 204]. Trong tác phẩm, Locke đã đưa ra lý giải cụ thể về những nguyên nhân có thể dẫn đến sự giải thể của chính quyền:
- Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự giải thể của chính quyền là do sự xâm nhập của vũ lực ngoại bang nhằm chinh phạt các cộng đồng quốc gia. Theo Locke đây chính là nguyên nhân giải thể chính quyền từ bên ngoài, ông viết “Cách thường gặp và hầu như là duy nhất để sự liên hiệp này bị tan rã là sự xâm nhập của vũ lực ngoại bang nhằm chinh phạt cộng đồng quốc gia này…xã hội bị tan rã thì chắc chắn chính quyền của xã hội đó không thể tồn tại.Vì thế mà thanh gươm của những kẻ đi chinh phạt thường cắt bỏ chính quyền ngay từ gốc và xé nát xã hội ra thành từng mảnh” [30, tr. 275]. Trong trường hợp này, mỗi cá nhân phải bảo vệ tự do cho bản thân mình vì lúc này, nhà nước không còn đủ khả năng bảo vệ sự an toàn về tính mạng và tài sản của người dân trước vũ lực của kẻ xâm lược.
Locke không đồng tình với việc sử dụng vũ lực bất chính để giành quyền lực từ đó gây ra một cuộc chiến tranh phi nghĩa với nhân dân. Bởi theo Locke, khi đó, bản thân người đi xâm lược đã tự đặt họ vào trạng thái chiến tranh và đã xâm lấn một cách bất chính đối với quyền của người khác nên không bao giờ có được chính quyền đối với người bị chinh phục. Người đi chinh phạt cũng không thể có quyền lực tuyệt đối với quyền tự do, sinh mạng và tài sản của người dân, dù “Bằng việc chinh phạt, ông ta có quyền tiêu diệt một cá nhân con người – nếu muốn, nhưng không vì thế mà có quyền chiếm hữu và hưởng thụ đối với tài sản để lại của người này”
[30, tr. 244]. Ngay trong một cuộc chinh phạt thì người dân vẫn có quyền tự do nhất định mà không một ai có quyền xâm phạm đến nó. Chính vì thế, chinh phạt vừa là nguồn gốc của chính quyền nhưng cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của chính quyền.
- Nguyên nhân thứ hai: Sự giải thể chính quyền bên cạnh sự tác động từ bên ngoài thì còn có nguyên nhân từ bên trong mà theo Locke đây mới là nguyên nhân quan trọng nhất. Ông đã dự trù rất nhiều trường hợp có thể là nguyên nhân nội tại dẫn đến sự sụp đổ của một chính quyền:
Con đường thứ nhất dẫn đến sự giải thể chính quyền từ bên trong là khi cơ quan lập pháp bị hoán đổi. Như đã phân tích ở mục trên, cơ quan lập pháp là sự thống nhất ý chí của một cộng đồng quốc gia. Trong một quốc gia, cơ quan lập pháp có quyền xây dựng các bộ luật và ban hành luật nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng. Có thể thấy vai trò của cơ quan lập pháp là rất quan trọng trong việc đảm bảo sự tồn tại và phát triển của một cộng đồng quốc gia mà một khi cơ quan lập pháp bị hoán đổi và không thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình khi đó chính quyền không thể tồn tại được nữa. Locke cho rằng, điểm mấu chốt dẫn đến sự thay đổi của cơ quan lập pháp đó là sự lạm dụng quyền lực chính trị của những người được người dân ủy quyền. Sự hoán đổi của cơ quan lập pháp diễn ra trong những trường hợp sau:
Thứ nhất, khi cơ quan lập pháp không còn là một cơ quan quyền lực tối cao nữa mà đã bị Quân Vương áp đặt, chi phối, đặt ý chí độc đoán vào luật pháp.
Thứ hai, khi Quân Vương cản trở việc nhóm họp của cơ quan lập pháp hoặc không được hoạt động tự do theo đúng những mục đích mà vì chúng cơ quan lập pháp được thiết lập. Khi cơ quan lập pháp không được
nhóm họp và tự do hoạt động thì cũng có nghĩa quyền lực của nhân dân không được thực thi và chính quyền cũng không còn mục đích để tồn tại.
Thứ ba, bằng quyền lực độc đoán của Vua khiến cho giới cử tri và cách thức bầu cử bị hoán đổi mà không được sự chấp thuận của nhân dân. Lúc này, việc bầu cử không được tiến hành đúng theo quy định của pháp luật đã ban hành và do vậy, các nhà lập pháp cũng không phải là những đại biểu do nhân dân lựa chọn hay ủy quyền khi đó mục đích hoạt động của cơ quan lập pháp cũng bị thay đổi cho những mục đích riêng tư của người cai trị, không phải hướng đến vì lợi ích chung của cộng đồng.
Thứ tư, khi nhà Vua hoặc cơ quan lập pháp bị phụ thuộc vào nước ngoài, dẫn đến việc chuyển giao nhân dân đưa họ vào vòng khuất phục đối với quyền lực ngoại quốc cũng khiến cơ quan lập pháp bị biến đổi.
Thứ năm, cơ quan lập pháp bị biến đổi đó là “khi người có quyền hành pháp tối cao sao nhãng và bỏ mặc nhiệm vụ này, đến mức các luật đã có không còn có thể được thực thi. Điều này để mở khả năng cho sự biến đổi đến mức hoàn toàn vô chính phủ, và vì thế làm tan rã chính quyền hết sức hiệu quả” [30, tr. 281 – 282]. Nhà hành pháp là người đại diện cho ý chí của nhân dân được cơ quan lập pháp giao cho nhiệm vụ thực thi luật pháp trong xã hội nhưng lại bỏ mặc nhiệm vụ này khiến cho luật được làm ra mà không được thực thi khiến cho xã hội lâm vào trạng thái hỗn loạn, nhân dân chẳng khác gì sống trong trạng thái tự nhiên không có luật pháp cũng không có chính phủ. Khi đó, nhà nước sẽ không còn đủ sức mạnh áp đặt quyền lực đối với nhân dân và sự tồn tại của chính quyền trong xã hội là vô nghĩa. Trong trường hợp đó, nhân dân có quyền giải tán chính quyền đương nhiệm. Chính vì vậy Locke cho rằng “nơi đâu không còn sự điều hành của công lý nhằm đảm bảo các quyền của con người, mà cũng không còn quyền lực bên trong của cộng đồng để định hướng cho vũ lực hay cung
ứng nó cho những điều thiết yếu của công chúng, nơi đó chắc chắn chính quyền không còn tồn tại” [30, tr. 282]. Và khi nhà nước không còn quyền lực thì nhân dân có quyền xây dựng một cơ quan lập pháp mới thông qua việc thay đổi những con người hay hình thức của nó hoặc thay đổi cả hai theo cách mà họ cho là tốt đẹp nhất. Chỉ khi nào cơ quan lập pháp và hành pháp cùng phối hợp hành động nhằm thực thi một cách công bằng luật pháp vào trong cuộc sống, thì quyền lợi của nhân dân mới được đảm bảo, đồng thời cũng loại bỏ được chế độ chuyên chế “nơi nào luật pháp chấm dứt, nơi đó sự chuyên chế bắt đầu” [30, tr. 264]. Locke là người rất đề cao pháp luật và coi việc thực thi luật pháp trong xã hội là điều kiện tiên quyết cho một nhà nước theo đúng nghĩa.
Con đường thứ hai dẫn đến sự giải thể của chính quyềntừ bên trong
đó là khi cơ quan lập pháp hay Quân Vương, hoặc cả hai, hành động trái với sự ủy thác của nhân dân, xâm phạm các quyền tự nhiên của công dân. Như việc “họ cố gắng xâm đoạt sở hữu của thần dân và làm thành của mình, hoặc một bộ phận nào đó của cộng đồng trở thành ông chủ hay những người quyết định một cách độc đoán lên cuộc sống, quyền tự do hay vận mệnh của nhân dân” [30, tr. 284]. Với Locke, một nguyên nhân quan trọng để người dân rời bỏ trạng thái tự nhiên để đi đến trạng thái xã hội công dân và chịu sự quản lý của nhà nước là nhằm bảo toàn được quyền sở hữu của mình vì vậy, trong bất kỳ trường hợp nào nhà nước cũng không được phép xâm phạm đến phần sở hữu của người dân mà không được sự cho phép của họ. “Lý do mà con người gia nhập vào xã hội là sự bảo toàn đối với sở hữu của họ, và mục đích tại sao họ chọn và trao thẩm quyền cho một cơ quan lập pháp, là để nơi này làm ra luật, định lên các quy tắc, với tư cách những cái bảo vệ và phòng vệ cho sở hữu của mọi thành viên trong xã hội” [30, tr. 284]. Nhà nước phải đảm bảo bảo toàn sở hữu của người
dân thì họ mới tuân theo sự quản lý của pháp luật và nếu các nhà lập pháp cố gắng lấy đi hoặc triệt phá sở hữu của họ thì họ đã đặt chính họ vào trạng thái chiến tranh với nhân dân. Sau này, Rousseau cũng tiếp tục tư tưởng này khi cho rằng khi nhà nước có những hành động chuyên quyền xâm phạm đến lợi ích của nhân dân thì sự thống nhất của xã hội có nguy cơ bị tan rã, nhà nước có nguy cơ bị giải thể. Theo Rousseau “Nếu chính phủ muốn tùy tiện xì ra một hành động chuyên quyền thì mối quan hệ toàn cục sẽ bắt đầu nơi lỏng. Cuối cùng, nếu chính phủ có ý chí riêng mạnh hơn cả ý chí của cơ quan quyền lực tối cao, một cơ quan tối cao trong luật, và một cơ quan tối cao trong thực tế. Lúc đó sự thống nhất xã hội sẽ tan rã, cơ thể chính trị sẽ lụi tàn” [52, tr. 127]. Cả Locke và Rousseau đều nhìn nhận thấy nguy cơ lạm dụng quyền của các cơ quan quyền lực nhà nước, và với tinh thần nhân văn cao cả luôn coi lợi ích của nhân dân là mục đích tối thượng, cả hai ông đều thống nhất ở điểm nhân dân có thể lật đổ chính quyền và thiết lập một chính quyền mới có thể đảm bảo cuộc sống tốt đẹp cho người dân sống trong đó. Tuy nhiên, các ông cũng cảnh báo rằng, mỗi lần thay đổi chính quyền cũng mang tính rủi ro, nguy hiểm và chỉ nên thay đổi chính phủ khi nó không thể dung hòa với quyền lợi chung của nhân dân.
Trong đa số các nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của chính quyền, Locke cho rằng, nhà Vua đều phải chịu trách nhiệm bởi nhà vua nắm trong tay mọi tiềm lực quốc gia: vũ lực, ngân khố và bộ máy quan chức. Do vậy, nếu nhà Vua sử dụng quyền lực của mình không đúng mục đích sẽ dẫn đến sự lạm quyền mà nhân dân đã trao về tay chính phủ, làm tổn hại đến lợi ích của người dân. Từ đó, Locke đã trăn trở rất nhiều với việc hạn chế quyền lực của Vua với tư cách là nhà hành pháp tối cao, và ông cũng xem đó là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến sự giải thể của chính quyền.
Với những quan niệm trên của J.Locke về nhà nước trong tác phẩm
“Khảo luận thứ hai về chính quyền”, chúng ta cần có sự nhìn nhận, đánh giá đúng những giá trị của tác phẩm, những đóng góp của ông vào tiến trình chung của sự phát triển tư tưởng chính trị nhân loại về nhà nước pháp quyền.