Những hạn chế lịch sử trong quan niệm về nhà nước của John

Một phần của tài liệu Quan niệm của John Locke về nhà nước trong tác phẩm Khảo luận thứ hai về chính quyền (Trang 100 - 113)

John Locke

Do ảnh hưỏng của lập trường giai cấp và điều kiện lịch sử của thời đại, nên quan niệm của J. Locke nói riêng và những nhà triết học thời cận đại nói chung về nhà nước vẫn còn một số hạn chế nhất định.

Trước hết: Khi luận giải về nguồn gốc ra đời nhà nước, Locke đã chưa có giải thích thật sự đúng đắn về nguồn gốc ra đời nhà nước. Đó là việc Locke cho rằng, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự ra đời của nhà nước chỉ là sản phẩm thuần túy ý muốn, nguyện vọng chủ quan của con người dựa trên sự thỏa thuận giữa các cá nhân với nhau. Do đó, quan niệm về nguồn gốc ra đời của nhà nước ở Locke chưa giải thích được nguyên nhân kinh tế trong sự ra đời của nhà nước. Mặt khác, Locke cũng chưa thấy được vấn đề mâu thuẫn giai cấp và sự phân chia giai cấp trong xã hội là nguồn gốc trực tiếp dẫn đến sự ra đời của nhà nước, bản chất giai cấp là đặc trưng căn bản của nhà nước. Ở điểm này ta có thể thấy, Locke vẫn còn bị hạn chế bởi điều kiện lịch sử và lập trường giai cấp để đi đến quan niệm về tính giai cấp của nhà nước và đây cũng là hạn chế chung của các triết gia cùng thời với ông. Đứng trên lập trường chủ nghĩa nhân văn cao cả, J. Locke đã vạch ra bản chất của nhà nước là mang tính phi giai cấp. Ở đây, nhà nước không còn là công cụ bạo lực của giai cấp thống trị mà lại là công cụ để đảm bảo quyền lợi của con người. Nhờ có nhà nước mà trong xã hội không có tình trạng “người bóc lột người” hay “người với người là chó sói”…, mọi người sống với nhau trên tinh thần tự do, bình đẳng và bác ái. Song, hạn chế của J. Locke ở đây chính là chưa thấy được bản chất giai cấp của nhà nước. Ông chưa thấy được mối quan hệ giữa bản chất kinh tế và bản chất chính trị - xã hội của nhà nước. Giai cấp nào nắm quyền lực kinh tế sẽ nắm trong tay

quyền lực chính trị. Nhà nước về bản chất là công cụ bạo lực của giai cấp thống trị chứ không phải là phi giai cấp.Trên thực tế, nhà nước là công cụ bạo lực thể hiện và thực hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, bảo vệ trước tiên lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội, không thể có một nhà nước phi giai cấp trong hiện thực.

Luận thuyết của John Locke về khế ước xã hội đã đề cập đến một nền dân chủ mà theo đó sự cai trị của chính quyền phải được sự chấp thuận của tất cả mọi người dân, ở đây John Locke đã quá lý tưởng đến mức không tưởng khi yêu cầu một chính thể cần phải có sự đồng thuận của mọi người trong xã hội bất kể thuộc giai cấp nào.

Một hạn chế nữa đó là tư tưởng phân chia quyền lực của Locke mới chỉ dừng ở sự phân chia giữa quyền lập pháp và hành pháp – nếu không kể quyền liên hiệp cũng vốn thuộc công việc của hành pháp và ông cũng chưa giải quyết vấn đề kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan quyền lực nhà nước. Với việc phân chia cơ cấu quyền lực như Locke thì khó có thể thực hiện việc kiểm soát và chế ước lẫn nhau giữa các cơ quan quyền lực một cách có hiệu quả, hoặc chúng sẽ dễ nhập lại làm một, hoặc sẽ có những xung đột không thể giải quyết được. Locke chưa thấy được thẩm quyền tài phán lẽ ra phải thuộc về một cơ quan quyền lưc độc lâp khác (cơ quan tư pháp) trong hệ thống các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, tư tưởng phân quyền của Locke là tiền đề để sau này Montesqieu kế thừa và phát triển thành lý thuyết tam quyền phân lập. Montesquieu đã lần đầu tiên định danh chính thức và đầy đủ nhất các thành phần cơ bản nhất của một bộ máy nhà nước, là cơ quan lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Montesquieu không đề cập đến quyền lực tối cao, mà chỉ ra một quyền lực có thể phân chia, một quyền lực nhà nước

có thể kiểm soát và sự kiểm soát đó được thực hiện bằng một cơ chế mà các thành phần của nó nằm ngay trong chính cơ cấu nhà nước.

Trên đây là một số những giá trị và hạn chế cơ bản trong quan niệm về nhà nước của John Locke. Dù còn tồn tại một số những hạn chế nhất định trong quan niệm về nhà nước do lập trường giai cấp và hạn chế lịch sử, song những cống hiến trên của J. Locke cũng mang rất nhiều ý nghĩa to lớn mà chúng ta không thể phủ nhận. Đặc biệt, những tư tưởng của Locke về phân chia quyền lực, đề cao quyền con người… không chỉ có giá trị lịch sử ở thời đại ông mà còn có giá trị phổ quát toàn nhân loại. Đặc biệt, mô hình nhà nước với những đặc trưng của một nhà nước pháp quyền mà J. Locke vạch ra cho đến nay vẫn là mục tiêu hướng đến của nhiều quốc gia trên thế giới. Những tư tưởng của J. Locke không chỉ được phổ biến trong giới hạn các nước châu Âu mà nó còn có sức lan tỏa đến nhiều châu lục khác trên thế giới – nơi người dân vẫn luôn đấu tranh giành quyền lợi chính đáng cho mình và ước vọng về một nhà nước thật sự tốt đẹp đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người. Và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, những tư tưởng của John Locke đã ảnh hưởng ít nhiều đến nhiều nhà tư tưởng cũng như trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân hiện nay.

Kết luận chƣơng 2

Như vậy, trong quan niệm của John Locke, nhà nước là do nhân dân bầu lên, là kết quả của khế ước xã hội nhằm đảm bảo cho cuộc sống của con người an toàn và thanh bình, nhằm bảo vệ các quyền tự do, bình đẳng, sở hữu của con người một cách đầy đủ nhất. Đây là một quan niệm mang bước đột phá lớn của John Locke so với những quan niệm trước đó về nhà nước – nhà nước được hình thành với mục đích cao nhất là để đảm bảo cao nhất lợi ích của nhân dân. Con người thỏa thuận với nhau lập nên nhà nước. Nhà nước đến lượt mình là cơ quan quyền lực chung của xã hội. Để làm được điều đó, pháp luật phải giữ địa vị thống trị trong nhà nước. Quyền lực nhà nước về bản chất là thuộc về nhân dân, do nhân dân ủy nhiệm. Nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ quyền tự do, bình đẳng và quyền sở hữu như là đảm bảo quyền tự nhiên của người dân. Hạnh phúc của con người vừa là mục đích, vừa là giới hạn quyền lực nhà nước.

Nét đặc trưng trong học thuyết nhà nước của John Locke là việc khởi thảo thuyết phân quyền. Theo Locke, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân cũng như đảm bảo quyền lực nhà nước không đi đến chỗ chuyên chế thì quyền lực nhà nước phải được phân chia thành quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền liên hiệp, trong đó quyền lập pháp là quyền lực cao nhất trong nhà nước. Có thể nói, học thuyết về nhà nước của John Locke đã đặt nền móng cho sự ra đời của học thuyết nhà nước pháp quyền sau này.

Mặc dù trong học thuyết về nhà nước của John Locke còn có những hạn chế nhất định, song những quan niệm về quyền con người, giới hạn và sự phân chia quyền lực nhà nước, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…là những cống hiến quan trọng về mặt lý luận đối với lý luận về nhà nước pháp quyền nói riêng và triết học chính trị nhân loại nói chung mà

không ai có thể phủ nhận. Những tư tưởng đó không chỉ có giá trị lịch sử ở thời đại ông mà còn có giá trị phổ quát toàn nhân loại, bởi lẽ những vấn đề ông đề cập đến đã, đang là mối quan tâm của mỗi cộng đồng quốc gia và toàn thể loài người. Các nhà triết học Khai sáng Pháp sau này đều chịu ảnh hưởng sâu sắc những tư tưởng của J. Locke về quyền con người, về khế ước xã hội, về thuyết phân chia quyền lực đã gợi mở một hướng đi mới và các nhà triết học sau đó đã phát triển và hoàn thiện thêm những tư tưởng của ông, điển hình như Voltaire, Ch. L. Montesquieu, J. J. Rousseau. Những tư tưởng này của Locke đã trở thành tiền đề lý luận trực tiếp cho cuộc cách mạng tư sản ở Anh thế kỷ XVII, và còn ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc đại cách mạng Pháp, Mỹ ...và nhiều nước khác trên thế giới nhằm hướng tới một mô hình nhà nước pháp quyền thực sự dân chủ, thực sự đem lại tự do, bình đẳng và hạnh phúc cho nhân dân. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc “gạn đục, khơi trong” kho tri thức văn hóa nhân loại là điều hết sức cần thiết để góp phần vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân và định hướng đúng đắn con đường phát triển đất nước ở Việt Nam hiện nay.

KẾT LUẬN

Có thể coi “Khảo luận thứ hai về chính quyền” là sản phẩm của nước Anh thế kỷ XVII với sự sụp đổ của nền quân chủ chuyên chế và thiết lập chế độ chính trị quân chủ lập hiến. Vì vậy có thể nói, tác phẩm là một bản tổng kết lịch sử nước Anh đương thời, đọc tác phẩm người đọc có thể hiểu hơn về một nước Anh với những biến động lịch sử mạnh mẽ vào thế kỷ XVII. Đây chính là giá trị lịch sử của tác phẩm nhưng điều làm cho tác phẩm được coi là một “danh tác chính trị thế giới” chính là ở những giá trị vượt thời đại của tác phẩm. Những giá trị đó thể hiện chính trong quan niệm về quyền tự nhiên của con người, về nhà nước.

Bằng việc xây dựng mô hình xã hội công dân dựa trên nền tảng của “Khế ước xã hội”, Locke đã luận chứng cho quá trình chuyển biến xã hội loài người từ trạng thái tự nhiên sang trạng thái có nhà nước. Nhà nước đại diện cho ý chí của toàn thể nhân dân bảo vệ quyền tự do, cuộc sống cho con người. Khi chuyển sang xã hội dân sự không phải các quyền tự nhiên của con người mất đi mà các quyền đó luôn hiện diện bằng sức mạnh của pháp luật, bảo vệ quyền con người là một trong những nhiệm vụ của nhà nước. Nhờ tư tưởng tiến bộ này mà cái cơ sở thần quyền cùng chế độ tập quyền phong kiến không còn chỗ đứng trong xã hội loài người và dần đi đến sự diệt vong tất yếu.

Với nhãn quan chính trị nhạy bén, Locke nhận thấy được khả năng lạm dụng quyền lực của các cơ quan nhà nước nhằm thực hiện cho những mục đích tư lợi và gây phương hại đến lợi ích chung của cộng đồng, từ đó ông đã đưa ra quan niệm về giới hạn và phân chia quyền lực nhà nước, theo đó thì quyền lực nhà nước nói chung cần được giới hạn lại để khắc phục tình trạng quyền lực tập trung vào trong tay một cá nhân một nhóm người hoặc một cơ quan quyền lực, từ đó hạn chế tối đa nguy cơ dẫn đến sự lạm

quyền và chuyên quyền độc đoán, xâm hại đến quyền lợi chính đáng của người dân như trong chế độ chuyên chế. Theo Locke, quyền lực nhà nước được giới hạn bằng cách phân chia quyền lực thành quyền lập pháp, hành pháp và liên hiệp nhằm kiểm soát hoạt động lẫn nhau. Sự phân chia quyền lực này được cụ thể hóa bằng việc giao cho các cơ quan nhà nước tương ứng: quyền lập pháp thuộc về Nghị viện, quyền hành pháp; quyền liên hợp thuộc về cơ quan hành pháp và nhà Vua là nhà hành pháp tối cao. Locke cho rằng, việc phân chia quyền lực như vậy là yếu tố cơ bản để đảm bảo quyền lực nhà nước - quyền lực của nhân dân, do nhân dân ủy nhiệm sẽ không bị lạm dụng. Trong thực tế, lý thuyết phân quyền đã được thể hiện và áp dụng trong việc tổ chức bộ máy nhà nước của nhiều quốc gia trên thế giới, và được ghi trang trọng trong các bản Tuyên ngôn và Hiến pháp của một số nước. Ở những nước phương tây hiện nay, phân chia quyền lực trở thành một trong những đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền, nhằm mục đích kiểm soát và cân bằng quyền lực tránh sự tiếm quyền của các cơ quan quyền lực nhà nước.Với cơ chế phân chia quyền lực hợp lý, nhà nước là nhà nước toàn dân, do nhân dân dựng nên và có quyền thay thế nhà nước đó, và sự công minh của luật pháp là những tiêu chí cơ bản của nhà nước pháp quyền. Thậm chí có nước đã coi, phân quyền là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức bộ máy nhà nước của mình, là tiêu chuẩn và điều kiện của nền dân chủ. Đó chính là sự thừa nhận và khẳng định giá trị của tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước mà Locke là người có công khởi xướng trong thực tế.

Học thuyết của J. Locke về nhà nước qua tác phẩm “Khảo luận thứ hai về chính quyền” đã đóng góp rất lớn vào di sản tư tưởng chung của nhân loại nói chung và lý luận về nhà nước pháp quyền nói riêng. Có thể nói: “Tầm ảnh hưởng của John Locke trong lịch sử tư tưởng nhân loại là

không nhỏ, vì ông “đã làm được nhiều hơn bất cứ triết gia đơn lẻ nào trong việc cung cấp những cơ sở lý luận cho chế độ dân chủ tự do. Những thành viên soạn thảo hiến pháp Mỹ (năm 1787) luôn có ông trong ý thức, ông cũng gieo một ảnh hưởng tương tự như thế đối với tư tưởng Pháp suốt thế kỷ XVIII” [61, tr. 54]. Mặc dù, Locke sống cách chúng ta hơn 3 thế kỷ nhưng quan niệm của ông về nhà nước pháp quyền vẫn còn giữ nguyên giá trị và đang trở thành mục tiêu phấn đấu của nhiều chính quyền nhà nước trên thế giới. Vì vậy, trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của chúng ta hiện nay, chúng ta cần phải nghiên cứu một cách sâu sắc hơn nữa tư tưởng của J. Locke trong “Khảo luận thứ hai về chính quyền” để có những định hướng đúng đắn trong việc hoàn thiện lý luận và thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam để nhà nước ta thật sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Forrest E. Baird (2006), Tuyển tập danh tác triết học từ Platon đế Derrida, Nxb Văn hóa thông tin.

2. C. Brinton (2007), Con người và tư tưởng phương tây, Nguyễn Kiên Tường dịch, Nxb Từ điển Bách khoa.

3. Nguyễn Thị Dịu (2009), Quan niệm chính trị xã hội của John Locke, Luận văn Thạc sỹ, Hà Nội.

4. Folscheid Dominique (2003), Các triết thuyết lớn, dịch giả Huyền Giang, Nxb Thế giới.

5. Doãn Chính, Đinh Ngọc Thạch (1999), Triết học trung cổ Tây Âu, Nxb Chính trị quốc gia.

6. Nguyễn Thanh Dũng (1998), Tư tưởng về nhà nước, quyền lực nhà nước trong lịch sử triết học và quan điểm của Đảng ta về xây dựng nhà nước Việt Nam, Luận văn thạc sỹ triết học, Viện triết học.

7. Nguyễn Tiến Dũng (2006), Lịch sử triết học phương Tây, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

9. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

10. Trần Thái Đỉnh (2005), Triết học Decartes, Nxb Văn học. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

11. Nguyễn Minh Đoan (2007), “Nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 2.

12. Nguyễn Văn Đức (chủ biên) (1971), Lịch sử thế giới cận đại, quyển I (1640-1870), Tủ sách Đại học sư phạm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

13. Phạm Văn Đức (2008), “John Locke – Nhà tư tưởng lớn của phong trào

Một phần của tài liệu Quan niệm của John Locke về nhà nước trong tác phẩm Khảo luận thứ hai về chính quyền (Trang 100 - 113)