NAM VỀ LAO ĐỘNG CƯỠNG BỨC
Việt Nam có nguồn lao động dồi dào. Theo thống kê năm 2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của nước ta là 51,39 triệu người. Nhu cầu việc làm của người trong độ tuổi lao động là rất lớn, tuy nhiên, hiện nay thị trường lao động nước ta chưa đáp ứng được điều này. Vì vậy, số người thất nghiệp tại Việt Nam còn rất cao, năm 2009 là 5,993 triệu người, năm 2010 là 7,206 triệu người và năm 2011 là 7,931 triệu người, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông, có trình độ thấp, điều kiện kinh tế khó khăn [16]. Trong những hoàn cảnh như vậy, có nhiều người lao động sẵn sàng đánh đổi, chấp nhận mức lương thấp, điều kiện làm việc tồi tệ, đặc biệt là chấp nhận bị cưỡng bức lao động để có được việc làm và có thêm chút thu nhập cho gia đình.
Tuy nhiên, các quy định của pháp luật Việt Nam về lao động cưỡng bức chưa tập trung và hệ thống hóa trong một văn bản quy phạm pháp luật mà nằm rải rác trong các quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam, từ Luật, Bộ luật cho đến Nghị định và các văn bản dưới luật. Trong phạm vi luận văn này, xin phép được đề cập đến một số vấn đề nổi bật trong hệ thống pháp luật Việt Nam về lao động cưỡng bức và tập trung đánh giá thực trạng pháp luật Việt Nam trên 05 lĩnh vực được coi là nhạy cảm và có khả năng nảy sinh lao động cưỡng bức, đó là:
Lao động di trú;
Lao động là nạn nhân của tệ nạn buôn bán người;
Lao động là người bán dâm, người nghiện ma túy trong các trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội và lao động trong các trường giáo dưỡng;
Lao động là phạm nhân tại các trại giam; Lao động trong các doanh nghiệp.