Cơ chế phân cấp quản lý ngân sách GD - ĐT hiện nay ở tỉnh Hà Tĩnh về cơ bản đã có nhiều ưu điểm nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại nhiều hạn chế làm ảnh hưởng đến quá trình quản lý và chất lượng các khoản chi cho GD - ĐT. Mặt khác phân cấp quản lý ngân sách GD - ĐT là một vấn đề lớn, chi phối trực tiếp đến cơ chế quản lý tài chính giáo dục hiện hành. Luật NSNN năm 1996 và các Luật sửa đổi bổ sung vẫn chưa đề ra được một mô hình thống nhất trong cả nước về phân cấp, phân quyền và uỷ quyền về ngân sách GD - ĐT. Vì vậy, trên cơ sở các quy định chung, việc xây dựng mô hình phân cấp ngân sách GD - ĐT để phù hợp với đặc điểm, điều kiện riêng của mỗi địa phương, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác quản lý tài chính, ngân sách GD - ĐT ở địa phương đó.
Trên khía cạnh lý thuyết cũng như thực tiễn, bản thân phân cấp không phải là mục đích, mà là một công cụ tổ chức quản lý để đáp ứng các nhu cầu đa dạng phát sinh trong thực tế tốt hơn. Mọi cơ chế quản lý kinh tế nói chung, phân cấp quản lý ngân sách nói riêng đều phải tập trung giải quyết ba vấn đề cơ bản là: Quyền lực - trách nhiệm - lợi ích. Nếu không có quan điểm đúng đắn và toàn diện để giải quyết các quan hệ trên thì phân cấp dễ rơi vào cục bộ, như chỉ chú trọng vào quyền lực và lợi ích, mà xem nhẹ hoặc không phân định rõ trách nhiệm giữa từng cấp, từng nghành và địa phương.
Nếu phân cấp hợp lý, bộ máy quản lý sẽ có hiệu quả vừa đảm bảo quyền và lợi ích của các cấp ngân sách, đồng thời gắn trách nhiệm của các cấp ngân sách trong quá trình quản lý và điều hành. Ngược lại, nếu phân cấp không phù
hợp sẽ dễ xảy ra tình trạng chồng chéo, việc của cấp này mà cấp khác thực hiện, dẫn đến bộ máy quản lý rối loạn, quan liêu, tắc trách, hạn chế sự chủ động, sáng tạo của đơn vị cơ sở.
Xuất phát từ vai trò quan trọng của phân cấp ngân sách nói chung, phân cấp ngân sách GD - ĐT nói riêng và xuất phát từ thực tiễn của tỉnh Hà Tĩnh, trong thời gian tới phân cấp ngân sách cho GD - ĐT của Hà Tĩnh cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Xuất phát từ thực trạng phân cấp ngân sách theo các quy định của Luật
NSNN, cũng như về quy mô của từng cấp ngân sách, tỉnh Hà Tỉnh có trách nhiệm chính trong việc đáp ứng và phân bổ nguồn lực từ NSNN cho GD - ĐT. Bảo đảm thực hiện phân phối ngân sách GD - ĐT một cách công bằng giữa cấp tỉnh và cấp huyện, cũng như giữa các huyện với nhau. Trên cơ sở đó cấp huyện chịu trách nhiệm thực hiện việc phân phối, quản lý việc sử dụng ngân sách đúng mục đích, có hiệu quả tại các cơ sở giáo dục trực thuộc theo một hệ thống tiêu thức rõ ràng, thống nhất do tỉnh quy định.
- Phân cấp ngân sách GD - ĐT phải rành mạch đối với từng cấp học và
từng loại việc: Loại việc của cấp tỉnh, loại việc của cấp huyện, loại việc của cấp xã, phường. Quản lý phải kết hợp theo nghành và quản lý theo lãnh thổ, đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ.
- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời phải có cơ chế giám sát, kiểm
tra, thanh tra tương ứng. Đồng thời thực hiện tốt việc công khai dân chủ các chỉ tiêu phân bổ ngân sách hàng năm, việc thực thi các chế độ chính sách và công tác quyết toán ngân sách hàng năm.
- Cần tăng cường bồi dưỡng năng lực quản lý ở các trường học nói chung
được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, ngày 25 tháng 4 năm 2006. Tuy nhiên việc tăng tính chủ động cho các cơ sở GD - ĐT phải đi kèm với việc nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp (Cơ quan tài chính, KBNN và cơ quan quản lý nghành), theo nguyên tắc chung là cứ khoản thu, chi nào đơn vị được tự chủ càng cao thì việc giám sát nhà nước càng chặt chẽ.