b. Những điểm khác nhau
3.3.2 xuất ở cấp độ doanh nghiệp
Vì các doanh nghiệp chính là người tham gia xuất nhập khẩu và sẽ trực tiếp chịu ảnh hưởng của bản Hiệp định nên muốn vượt qua các thách thức để có được những cơ hội đã và sẽ mở ra họ không còn con đường nào khác là phải tự mình chủ động làm những công việc cần thiết để có thể đứng vững trong điều kiện cạnh tranh trong và ngoài nước ngày càng khốc liệt. Một số hoạt động mà các doanh nghiệp cần sớm thực hiện là:
1. Tìm hiểu và nắm vững hệ thống pháp luật Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ là quốc gia có hệ thống pháp luật rất phức tạp và chặt chẽ, mỗi bang lại có sự khác biệt rất đáng kể về luật lệ. Để chủ động tiếp cận, các doanh nghiệp có thể tìm hiểu thông tin về pháp luật Hoa Kỳ qua Internet, qua sách báo hoặc qua sự trợ giúp của các cơ quan Nhà nước như Bộ Thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm Thông tin - Bộ Ngoại giao,…Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên quan tâm sử dụng dịch vụ tư vấn, môi giới của các công ty có uy tín khi ký hợp đồng với thương nhân Hoa Kỳ vì luật pháp Hoa Kỳ vốn rất phức tạp, các doanh nghiệp Việt Nam không thể lường hết mọi khả năng và khó nắm bắt hết được tất cả các ngõ ngách của pháp luật Hoa Kỳ.
2. Xác định khả năng của đối tác
Đây là bước đầu tiên mà luật sư công ty Hoa Kỳ phải làm để tránh cho thân chủ của họ khỏi mất thì giờ và công sức đàm phán thương mại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam chưa quen làm việc này, dẫn đến trường hợp nhiều doanh nghiệp Việt Nam ký được hợp đồng nhưng cuối cùng lại không thực hiện được do đối tác không có khả năng thanh toán.
3. Đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp tại các doanh nghiệp có quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ.
Đội ngũ lao động trong các doanh nghiệp này cần được nâng cao tay nghề, làm quen với những dây chuyền sản xuât hiện đại, đáp ứng được với yêu cầu cao của công việc. Đội ngũ cán bộ quản lý cần nâng cao trình độ trí thức, nhanh nhạy, sáng suốt, bắt kịp với những thay đổi của thị trường. Các doanh nghiệp cũng cần rèn luyện tác phong, ý thức, kỷ luật của người lao động, khuyến khích các sáng kiến cá nhân, trọng dụng nhân tài. Chất lượng lao động được nâng cao mưói có thể đặt quan hệ kinh tế với các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
4. Lựa chọn hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Thông qua khảo sát thị trường, các doanh nghiệp đã nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, biết được họ cần mặt hàng nào, khả năng tiêu thụ mặt hàng đó, yêu cầu về chất lượng, mẫu mã ra sao… để lựa chọn các mặt hàng xuất khẩu phù hợp với khả năng nguồn lực hết mình, tận dụng tối đa những ưu thế về nguyên liệu, lao động rẻ, trang bị công nghệ tiên tiến để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Từ đó đẩy mạnh hoạt động marketing, tạo ra sự giới thiệu độc đáo về sản phẩm đến người tiêu dùng.
Để có thể làm được việc này cần có sự phối hợp của các bộ ngành, các hiệp hội và các doanh nghiệp. Bộ ngành cần phối hợp để đưa ra những chính sách tài chính tín dụng, đầu tư, thuế… sao cho khoa học, hợp lý, phù hợp với yêu cầu hội nhập, tạo điều kiện nâng cao sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.
5. Nâng cao tính tự chủ của doanh nghiệp có quan hệ kinh tế với Hoa kỳ.
Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, nhiều doanh nghiệp còn bỡ ngỡ khi mở cửa ra bên ngoài, làm quen với những thông lệ
mang tính quốc tế. Vì vậy khi đã quan hệ kinh tế với các nước công nghiệp phát triển các doanh nghiệp cần tạo cho mình thói quen làm việc tự chủ độc lập, không chờ đợi vào những chính sách bảo hộ của nhà nước.
Một số biện pháp cụ thế để giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng tiếp cận thị trường Hoa Kỳ: phát triển thương mại thông qua Internet, thắt chặt mối liên hệ với Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ, tận dụng triệt để các ưu đãi mà các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển, mua bảo hiểm rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ…
Như vậy, để khai thác triệt để những thuận lợi và hạn chế những thách thức mà Hiệp định Thương mại mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhanh chóng chủ động và trực tiếp mở rộng mối quan hệ kinh tế của mình với thị trường Hoa Kỳ.
KẾT LUẬN
1. Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (HĐTM) được ký vào tháng 12/2001 là một “bước đệm” quan trọng để Việt Nam có những bước đi ban đầu vững chắc trong tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong giai đoạn 2001-2006, sau 5 năm thực hiện HĐTM, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào Hoa Kỳ đã tăng lên 8 lần từ 1,05 tỷ USD năm 2001 lên 8,5 tỷ USD năm 2006; Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam cũng tăng hơn hai lần trong vòng 5 năm từ 460 triệu USD năm 2001 lên 1,1 tỷ USD năm 2006.
2. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ hiện đang chứa đựng nhiều bất hợp lý: chủng loại hàng hoá còn đơn điệu, ít có những mặt hàng mới có đóng góp kim ngạch đáng kể; các mặt hàng có giá trị gia tăng còn thấp, phần lớn vẫn phụ thuộc vào các mặt hàng như khoáng sản (dầu thô, than đá), nông lâm thuỷ hải sản; các mặt hàng công nghiệp như dệt may, da giày, điện tử và linh kiện máy tính… chủ yếu vẫn mang tính chất gia công, dựa nhiều vào khai thác lợi thế so sánh sẵn có mà chưa khai thác được lợi thế cạnh tranh thông qua việc xây dựng các ngành công nghiệp có mối liên kết chặt chẽ với nhau để hình thành chuỗi giá trị gia tăng lớn. Hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ cũng có những thay đổi về cơ cấu với tỷ trọng máy móc thiết bị, nhất là thiết bị công nghệ cao ngày càng tăng lên.
3. HĐTM được ký kết trên cơ sở các nguyên tắc của WTO nên đã góp phần tích cực tạo thuận lợi bước đầu cho quá trình đàm phán gia nhập WTO, hoàn thiện hệ thống pháp luật giúp việc đàm phán gia nhập WTO trở nên dễ dàng hơn. Quá trình đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định tạo điều kiện cho các cơ quan hoạch định chính sách của ta hiểu sâu hơn về bản chất của toàn cầu hoá và hội nhập, các nguyên tắc của WTO. Nhiều nghĩa vụ của Việt Nam trong HĐTM cũng chính là những nghĩa vụ mà Việt Nam phải thực hiện khi gia nhập WTO, do đó việc thực thi HĐTM là sự chuẩn bị của Việt Nam sẵn sàng cho việc gia nhập WTO.
4. Sau khi gia nhập WTO và có quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Hoa Kỳ, Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ lần đầu tiên vượt ngưỡng 10 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng khá là 24%; Kim ngạch hàng nhập khẩu từ Mỹ tăng 73% đạt gần 2 triệu USD. Tuy nhiên không có sự nhẩy vọt về giá trị tổng kim ngạch như sau HĐTM. Năm 2010, dự báo xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ đạt
khoảng 18 tỷ USD, giá trị nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 2,7 tỷ USD và tổng kim ngạch XNK của hai nước sẽ đạt khoảng 21 tỷ; còn đến 2015 giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước dự báo sẽ tăng 2,3 lần, ước đạt 48 tỷ USD.
5. Với những thuận lợi mà cơ chế thương mại tự do của WTO mang lại và nhất là xu hướng tăng ồ ạt đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam, chúng ta cần chú trọng hướng sự phát triển vào các mặt hàng có tiềm năng lớn, nhưng Việt Nam chưa khai thác được nhiều như: sản phẩm hoá dầu, linh kiện, thiết bị điện tử công nghiệp và gia dụng, sản phẩm gỗ, thực phẩm chế biến, sản phẩm cao su kỹ thuật, đồ chơi, chế tạo thiết bị và gia công cơ khí, sản xuất phụ tùng ô tô, phụ tùng và thiết bị điện, linh kiện phần cứng và phần mềm vi tính, vật liệu xây dựng.... Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong giai đoạn trước năm 2006 vẫn có thể duy trì được mức tăng về khối lượng và giá trị so với trước, nhưng tỷ trọng của chúng trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ giảm dần.
6. Một số đề xuất cho quản lý vĩ mô ở cấp nhà nước v à cấp doanh nghiệp như sau:
+ Về phía Nhà nước, mặc dù sẽ phải bãi bỏ các trợ cấp xuất khẩu, nhưng Nhà nước có thể tập trung vào xây dựng các cơ sở hạ tầng trong nước phục vụ xuất khẩu được nhanh hơn, khối lượng lớn hơn và với chi phí rẻ hơn. Đồng thời, Nhà nước cũng cần tăng cường mạng lưới xúc tiến thương mại tại Hoa Kỳ tương xứng với tầm vóc của thị trường này.
+ Về phía doanh nghiệp, cần nhanh chóng mở rộng quy mô, tăng năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh, đầu tư nhiều cho nghiên cứu khoa học, kỹ thuật để tạo ra sản phẩm tốt hơn, giá thành rẻ hơn.