Quá trình đô thị hóa ở Bình Thuận giai đoạn 1999 – 2013 được biểu hiện qua các tiêu chí về dân số đô thị

Một phần của tài liệu Thực trạng đô thị hóa tỉnh Bình Thuận giai đoạn 1999 - 2013 (Trang 25 - 29)

dân số đô thị

Như đã đề cập, quá trình đô thị hóa ở đây đã diễn ra từ khá sớm, nhưng từ khi hình thành đến cuối thế kỉ XX vẫn mang nặng tính hành chính. Quá trình đô thị hóa ở Bình Thuận thật sự diễn ra theo đúng nghĩa của nó và phát triển nhanh chóng hơn cả chính là từ năm 1999 – năm Phan Thiết được nâng từ thị xã lên thành phố (đô thị loại III) cho đến nay. Điều đó sẽ được chứng minh qua những số liệu về sự phát triển của quy mô dân số đô thị, tỉ lệ thị dân, tốc độ đô thị hóa và nhịp độ đô thị hóa của Bình Thuận trong giai đoạn 1999 – 2013.

Hình 2.5. Sơ đồ hiện trạng hệ thống đô thị tỉnh Bình Thuận

Trong 15 năm qua, từ năm 1999 đến năm 2013, quy mô dân số đô thị của Bình Thuận đã tăng từ 254,7 nghìn người (năm 1999) lên 402,6 nghìn người (năm 2005) và đạt 472,2 nghìn người vào năm 2013. Về đại thể, trong toàn giai đoạn 1999 – 2013, quy mô dân số đô thị tỉnh Bình Thuận đã tăng gần 217,5 nghìn người, tốc độ tăng trưởng bình quân toàn giai đoạn đạt 140,6%. Thời kì 1999 – 2005, quy mô dân số đô thị của tỉnh tăng mạnh nhất, từ 254,7 nghìn người (năm 1999) lên đến 402,6 nghìn người, đạt tốc độ tăng trưởng 7,9% trong thời kì này. Đặc biệt là trong năm 2000, dân số đô thị tăng thêm 72,4 nghìn người so với năm 1999, đạt tốc độ tăng trưởng 28,4%, cao nhất trong toàn giai đoạn 1999 – 2013. Sang thời kì 2005 – 2013, quy mô dân số đô thị của Bình Thuận tuy vẫn tăng, nhưng không tăng nhanh và mạnh như thời kì 1999 – 2005. Trong thời kì này, quy mô thị dân tăng thêm 69,6 nghìn người, đạt 472,2 nghìn người vào năm 2013, đạt tốc độ tăng trưởng 2,3%.

Bảng 2.3. Quy mô dân số đô thị, tỉ lệ thị dân và tốc độ đô thị hóa của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 1999 – 2013.

Năm Quy mô dân số đô thị (người) Tỉ lệ dân số đô thị (%) Tốc độ ĐTH (%) 1999 254.733 24,23 2,6 2000 327.094 30,57 28,4 2001 332.470 30,52 1,7 2003 390.005 34,74 6,9 2005 402.571 35,52 1,8 2007 430.947 37,41 3,5 2009 459.466 39,29 3,0 2011 464.504 39,30 0,6 2013 472.213 39,31 0,7

Chính sự gia tăng nhanh chóng quy mô dân số đô thị trong tỉnh đã khiến tỉ lệ đô thị hóa, tức tỉ lệ thị dân trong tổng dân số toàn tỉnh tăng nhanh. Trong toàn giai đoạn 1999 – 2013, tỉ lệ dân thành thị tăng 15,8%, trung bình tăng thêm 1%/năm, từ 24,23% (năm 1999) lên đến 39,31% (năm 2013). So với tỉ lệ thị dân của cả nước, tỉ lệ thị dân của Bình Thuận luôn cao hơn trong toàn giai đoạn 1999 – 2013 (năm 1999, cả nước: 23,61%, Bình Thuận: 24,23; năm 2013: cả nước: 32,2%, Bình Thuận: 39,31%). Nếu tính riêng năm 2013, tỉ lệ dân thành thị của Bình Thuận cao hơn 1,22 lần so với cả nước, tương đương với mức chênh lệch 7,1 điểm phần trăm.

Để đạt được sự tăng trưởng khá nhanh về tỉ lệ dân thành thị như vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực phát triển kinh tế đô thị cũng như các mặt của đời sống xã hội đô thị, đặc biệt là Phan Thiết – đô thị hạt nhân, trung tâm của tỉnh, tạo ra một lực hút để hình thành các luồng di dân tự do vào đô thị. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Bình Thuận cũng xúc tiến và hoàn thành các dự án mở rộng phạm vi đô thị, điều chỉnh và mở rộng địa giới hành chính đô thị, cũng như kiến nghị Trung ương thành lập các đô thị mới (thị trấn, thị xã) và nâng cấp các đô thị sẵn có. Tất cả những điều đó đã tạo nên một động lực nhằm đẩy mạnh quá trình đô thị hóa tại Bình Thuận, làm tăng nhanh tỉ lệ thị dân tại đây.

Mặc dù cao hơn mức trung bình của cả nước, tuy nhiên, tỉ lệ dân số đô thị ở Bình Thuận nhìn chung vẫn thấp hơn so với một số địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh. Tỉ lệ dân thành thị tại thời điểm 2011 của TP. Hồ Chí Minh là 83%, cao gấp hơn 2 lần so với tỉ lệ này tại Bình Thuận cùng thời điểm 2011; tỉ lệ này ở Bình Dương cùng thời điểm cũng đạt 65%, cao gấp gần 1,7 lần so với tỉ lệ dân thành thị tại Bình Thuận.

Dù tăng mạnh nhưng tỉ lệ dân thành thị của Bình Thuận không tăng đều trong toàn giai đoạn 1999 – 2013: Thời kì đầu, từ 1999 – 2005, tỉ lệ thị dân của tỉnh tăng mạnh nhất, đặc biệt là trong năm 2000. Càng về sau, tức là thời kì 2005 – 2013, tỉ lệ thị dân trong tỉnh tăng chậm, đặc biệt trong những năm cuối giai đoạn, đôi khi tăng không đáng kể. Cụ thể, trong thời kì 1999 – 2005, tỉ lệ thị dân tăng 11,29 điểm phần trăm trong 7 năm, từ 24,23% (năm 1999) lên 35,52% (năm 2005). Đặc biệt, từ 1999 đến năm 2000, tỉ lệ dân thành thị của Bình Thuận tăng một cách đột biến, từ 24,23% (năm 1999) lên 30,57% (năm 2000), tăng

6,34 điểm phần trăm so với năm 1999. Có nhiều nguyên nhân tạo nên sự gia tăng đột biến của tỉ lệ thị dân trong năm 2000, nhưng nguyên nhân chủ yếu và quyết định là việc nâng cấp và mở rộng đô thị hạt nhân Phan Thiết từ thị xã lên thành phố loại III theo nghị định số 81/1999/NĐ-CP được ký vào ngày 25/08/1999. Sang thời kì sau năm 2005 đến nay, tỉ lệ dân thành thị trong tỉnh Bình Thuận tuy có tăng nhưng số điểm phần trăm tăng thêm thường không nhiều. Cụ thể, trong thời kì 2005 – 2013, tỉ lệ dân thành thị tăng thêm 3,79% trong vòng 8 năm, đạt 39,31% vào năm 2013.

Với sự gia tăng nhanh chóng về quy mô dân số đô thị, trong khi diện tích đất xây dựng đô thị lại tăng chậm, làm cho mật độ dân số đô thị của Bình Thuận tăng lên đáng kể. Mật độ dân số đô thị của Bình Thuận năm 2008 đạt 657 người/km2. Trong đó, thị trấn Phan Rí Cửa có mật độ cao nhất (trên 13.000 người/km2), thị trấn Tân Nghĩa có mật độ thấp nhất (219 người/km2). Các đô thị còn lại có mật độ trung bình 500 – 1000 người/km2.

Tốc độ độ thị hóa cũng là một trong những tiêu chí đánh giá mức biến động dân số đô thị qua các năm. Bảng 2.3. cho ta thấy quá trình đô thị hóa của Bình Thuận trong giai đoạn 1999 – 2013 tăng trưởng với tốc độ không đều, thậm chí biên độ chênh lệch tốc độ đô thị hóa giữa năm thấp nhất và cao nhất rất cao. Về đại thể, trong toàn giai đoạn 1999 – 2013, tốc độ đô thị hóa của Bình Thuận giảm từ 2,6% (năm 1999) xuống còn 0,7% (năm 2013). Vào năm 2000, tốc độ đô thị hóa của Bình Thuận cao nhất trong giai đoạn này, đạt 28,4%, gấp gần 11 lần so với tốc độ đô thị hóa năm 1999. Nguyên nhân tạo nên sự đột biến ấy không nằm ngoài lí do Phan Thiết được mở rộng và nâng cấp lên thành phố loại III, làm tăng quy mô và tỉ lệ thị dân, dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của tỉ lệ dân thành thị so với năm 1999.

Càng về thời kì sau này, tức là những năm 2009 – 2013, tốc độ đô thị hóa của Bình Thuận giảm và thấp đáng kể, từ 3% (năm 2009) xuống còn 0,7% (năm 2013). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, song nguyên nhân chính là do sự “lực đẩy” ở các vùng nông thôn và “lực hút” ở đô thị trong tỉnh, đặc biệt là Phan Thiết bị suy yếu, dẫn đến dòng di dân từ nông thôn về thành thị ít đi. Cụ thể hơn, sự phát triển của nông nghiệp, đặc biệt là cây thanh long ở Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, cây cao su ở Tánh Linh, Đức Linh, đã làm nâng cao mức sống của nhân dân nông thôn. Với mô hình phát triển nông thôn

mới, kết cấu hạ tầng nông thôn và dịch vụ y tế, giáo dục ở nông thôn được cải thiện đáng kể, vấn đề việc làm không còn gay gắt như trước, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Chính điều đó đã làm cho “lực đẩy” di dân vào đô thị bị suy yếu. Đặc biệt, vào những năm 2012 – 2013, thậm chí trên thực tế, còn có một luồng di dân ngược, tuy không nhiều, từ Phan Thiết về các vùng nông thôn của Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam để làm nông nghiệp (trồng thanh long). Song song với đó, kinh tế ở các đô thị tại Bình Thuận tuy có những bước phát triển nhất định, song cũng tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là chịu ảnh hưởng chung của đợt suy thoái kinh tế từ cuối năm 2008, số lượng vị trí việc làm ngày càng được tinh giảm ở các doanh nghiệp. Điều đó làm cho “lực hút” ở các đô thị tại Bình Thuận trong thời gian này bị suy yếu đi. Bên cạnh đó, các dự án mở rộng địa giới hành chính đô thị vẫn chưa được thực hiện (theo quy hoạch đến 2015 – 2020, Phan Thiết mới được mở rộng địa giới hành chính).

Những lí do trên cũng tác động đến nhịp độ đô thị hóa của Bình Thuận trong giai đoạn 1999 – 2013. Bảng 2.4 chứng tỏ nhịp độ đô thị hóa toàn giai đoạn 1999 – 2013 đạt 1%/năm. Tuy nhiên, vào thời kì 1999 – 2005, quá trình đô thị hóa ở Bình Thuận diễn ra nhanh và mạnh với nhịp độ đạt 1,6%/năm. Từ sau 2005 trở đi, quá trình đô thị hóa ở đây dường như bị chững lại với nhịp độ đô thị hóa thời kì 2005 – 2009 chỉ đạt 0,75%/năm. Thậm chí vào những năm cuối giai đoạn (2009 – 2013), nhịp độ đô thị hóa ở Bình Thuận diễn ra cực kì chậm, với nhịp độ đạt 0,004%/năm.

Bảng 2.4. Nhịp độ đô thị hóa tỉnh Bình Thuận giai đoạn 1999 – 2013.

Giai đoạn Nhịp độ đô thị hóa (%/năm) 1999 - 2005 1,6

2005 - 2009 0,752009 - 2013 0,004 2009 - 2013 0,004 Toàn giai đoạn 1999 - 2013 1,0

(Nguồn: Tác giả tổng hợp và xử lí số liệu)

Một phần của tài liệu Thực trạng đô thị hóa tỉnh Bình Thuận giai đoạn 1999 - 2013 (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(43 trang)
w