1.2.6.1. Chuẩn
Đại từ điển bách khoa toàn thư thế giới Bruitannica - 2002 định nghĩa chuẩn là cái được xác lập bởi quyền lực, tập quán hoặc sự thỏa thuận chung để làm mẫu mực hoặc vật so sánh hoặc là cái được đặt ra và xác lập bởi quyền lực để làm luật lệ (quy tắc) đo lường số lượng, trọng lượng, giá trị hoặc chất lượng.
Từ điển Tiếng Việt giải thích Chuẩn như sau: 1) Cái được chọn làm mốc để dọi vào, để đối chiếu mà làm cho đúng; 2) Vật chọn làm mẫu đơn vị đo lường; 3) Cái được xem là đúng với quy định, với thói quen xã hội [29, Tr52].
Từ các quan niệm khái niệm chuẩn như trên, có thể thấy chuẩn có những đặc trưng cơ bản như sau: Được tạo ra nhằm đáp ứng yêu cầu chuyên môn hoặc hành chính, là bản mô tả cái gì cần đạt tới với một mẫu hình mong muốn; thường bao gồm những yêu cầu (tiêu chuẩn, tiêu chí), quy định kết hợp với nhau theo lôgic xác định để làm thước đo - đánh giá. Chuẩn bao giờ cũng cao hơn mức hiện tại mà sự vật đang đạt được. Chuẩn chứa đựng các yêu cầu, các quy định và các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể nhằm chỉ ra nội dung cần đạt được cũng như mức độ giá trị, chất lượng của nội dung và hiệu quả đạt được. Muốn đánh giá một sản phầm thường có nhiều tiêu chuẩn, trong các tiêu chuẩn gồm nhiều tiêu chí được sắp xếp một cách lôgic sao cho các chuẩn thể hiện yêu cầu của chủ thể quản lý và chủ thể quản lý có thể dùng chuẩn như một công cụ để nhận xét, đánh giá, phân loại sản phẩm.
Như vậy, có thể hiểu: Chuẩn là yêu cầu, tiêu chí có tính nguyên tắc, công khai và mang tính xã hội được đặt ra bởi quyền lực hành chính và cả chuyên môn để làm thước đo đánh giá trình độ đạt được về chất lượng, hoạt động công việc, sản phẩm, dịch vụ... trong lĩnh vực nhất định theo mong muốn của chủ thể quản lý nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
1.2.6.2. Chuẩn nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên THPT
Chuẩn nghề nghiệp là hệ thống các yêu cầu, tiêu chí về năng lực nghề nghiệp của một nghề nào đó được phân loại từ thấp đến cao.
Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học là hệ thống các yêu cầu cơ bản đối với giáo viên trung học về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Chuẩn nghề nghiệp giáo viên THPT mà Bộ giáo dục và đào tạo mới ban hành thì những yếu tố cơ bản trong cấu trúc năng lực nghề nghiệp của GV bao gồm:
- Năng lực tìm hiểu nhu cầu và các đặc điểm đối tượng giáo dục (giáo dục dùng theo nghĩa rộng. bao gồm cả dạy học và dùng theo nghĩa hẹp), môi trường giáo dục.
- Năng lực xây dựng kế hoạch giáo dục, dạy học (gồm năng lực dạy học, năng lực giáo dục)
- Năng lực kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục, dạy học.
- Năng lực hoạt động xã hội.
- Năng lực giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn giáo dục, dạy học
- Năng lực phát triển nghề nghiệp.
1.2.7. Năng lực dạy học theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên THPT
Năng lực dạy học theo chuẩn nghề nghiệp GV THPT ban hành vào tháng 10 năm 2009 được xác định như sau:
Xây dựng kế hoạch dạy học: Các kế hoạch dạy học được xây dựngtheo hướng tích hợp dạy học với giáo dục thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với đặc thù môn học, đặc điểm học sinh và môi trường giáo dục; phối hợp hoạt động học với hoạt động dạy học theo hướng phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh.
Đảm bảo kiến thức môn học: Làm chủ kiến thức môn học, đảm bảo nọi dung dạy học chính xác, có hệ thống, vận dụng hợp lý các kiến thức liên môn theo yêu cầu cơ bản, hiện đại, thực tiễn.
Đảm bảo chương trình: Thực hiện nội dung dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ được quy định trong chương trình môn học.
Vận dụng các phương pháp dạy học: Vận dụng các phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh, phát triển năng lực dạy học và tư duy của học sinh.
Sử dụng các phương tiện dạy học: Sử dụng các phương tiện dạy học làm tăng hiệu quả dạy học.
Xây dựng môi trường học tập: Tạo dựng môi trường học tập: dân chủ, thân thiện, hợp tác, thuận lợi, an toàn và lành mạnh.
Quản lý hồ sơ dạy học: Xây dựng bảo quản, sử dụng hồ sơ dạy học theo quy định.
Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh: Kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh bảo đảm yêu cầu chính xác, toàn diện, công bằng khách quan, công khai và phát triển năng lực tự đánh giá của học sinh; sử dụng kết quả kiểm tra đánh giá để điều chỉnh hoạt động dạy và học.