CHƯƠNG III KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Các tác dụng sinh học trong YHHĐ 1 Giảm đau, kháng khuẩn, chống viêm
3.1.1. Giảm đau, kháng khuẩn, chống viêm
Saponin trong dịch chiết của Ngưu tất và các sản phẩm chế biến của ngưu tất có tác dụng giảm đau, chống viêm tai giữa trên chuột được gây viêm bởi tinh dầu Croton, tác dụng chống viêm này tăng lên khi Ngưu tất được chế biến với rượu vang[8], tác dụng giảm đau chống viêm cũng được chứng minh trong thử nghiệm của GAO Chang Kun và cộng sự.[13]
Tác dụng chống viêm cũng được Yinfeng Tan và cộng sự nghiên cứu như sau: Hai hợp chất isoflavonoid glucosid mới, achyranthosid A và B, đã được phân lập từ rễ ngưu tất. Cấu trúc của chúng đã được xác định thông qua phân tích các dữ liệu phổ 1H, 13C NMR, HSQC, HMBC, NOESY và HREISMS. Cấu trúc của các hợp chất mới được đặc trưng bởi nhóm thế methoxyl trên khung phenyl. Cả hai hợp chất đã được đánh giá tác dụng chống viêm do lipopolysaccharid (LPS) kích thích sản xuất nitric oxid (NO) ở tế bào đại thực bào chuột RAW264.7. Các hợp chất này cho thấy khả năng ức chế đáng kể LPS kích thích sản xuất NO. [9]
Yang L và cộng sự cũng đã tìm ra một hợp chất nhóm phytoecdysteroid mới có tên là niuxixinsteron D (1) cùng với 2 hợp chất phytoecdysteroid đã biết (2 và 3) đã được phân lập từ rễ ngưu tất. Cấu trúc của hợp chất mới đã được xác định bằng cách phân tích các phổ giãn rộng, bao gồm HR-ESI-MS, phổ NMR 1D và 2D. Các hợp chất 1- 3 đã được đánh giá tác dụng ức chế LPS kích thích sản xuất NO ở tế bào đại thực bào RAW 264.7. Hợp chất 1 và 3 thể hiện tác dụng chống viêm thần kinh với khả năng ức chế sản sinh NO lần lượt là 29,7 và 26,0%.[9]