Con người là một yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của toàn ngân hàng nói chung và hoạt động cho vay tiêu dùng nói riêng. Do đó, Techcombank cần quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực:
Tạo một môi trường làm việc tốt hơn, tạo điều kiện cho các nhân viên mới được học hỏi nhiều hơn: Ngân hàng cần thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo cán bộ thông qua các Hội nghị chuyên đề, các lớp tập huấn, các khóa học ngắn hạn và dài hạn. Đối với các nhân viên trẻ, ngân hàng cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tiếp thị, bán hàng, các kiến thức liên quan đến sản phẩm dịch vụ hiện có và các sản phẩm dịch vụ mới. Song song với đó, để tạo một môi trường thoải mái, nghỉ ngơi cho các nhân viên sau một thời gian dài làm việc, mệt mỏi, ngân hàng cũng có thể tổ chức các buổi tiệc nhân những ngày lễ, kỷ niệm. Hoặc ngân hàng có thể tổ chức một số cuộc thi như thi trang phục công sở, thi nhân viên thanh lịch… các cuộc thi này vừa giúp các cán bộ ngân hàng học hỏi từ chính những đồng nghiệp của mình vừa giúp tạo sự giao lưu và thư giãn cho nhân viên ngân hàng.
Áp doanh số một cách vừa phải và có chế độ thưởng phạt hợp lý: Trên thực tế, áp lực doanh số luôn luôn là một gánh nặng lớn khiến cho các nhân viên ngân hàng cảm thấy mệt mỏi. trong đó có cả các cán bộ tín dụng. Áp lực doanh số sẽ gây sức ép, khiến cho chất lượng khoản vay không thể đạt được như mong đợi. Thêm vào đó, chế độ thưởng của Techcombank hiện nay chỉ tập trung vào doanh số cho vay ra. Trong khi đó, một số cán bộ tín dụng có chất lượng cho vay cao song tổng doanh số không cao thường lại ít nhận được sự quan tâm, đánh giá tốt. Ngân hàng cần có sự thống kê, tổng kết không chỉ về dư nợ cho vay thành công mà còn cả chất lượng khoản vay đối với từng nhân viên, cuối năm cần đặc biệt khen thưởng những nhân viên có chất lượng khoản vay tốt để làm gương cho các nhân viên khác.
• Nâng cao chất lượng dịch vụ
Hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ và quy trình cung cấp dịch vụ hiện có thông qua tăng cường ứng dụng và khai thác công nghệ thông tin nhằm đơn giản hóa thủ tục xử lý công việc, từ đó đáp ứng nhanh nhất yêu cầu của khách hàng
Chuẩn hóa phong cách giao tiếp của các cán bộ tín dụng. Hệ thống này có thể xây dựng dựa trên kinh nghiệm của các nhân viên hoặc tham khảo chương trình đào tạo, chuẩn mực lớn trên toàn thế giới. Bộ quy tắc này sẽ giúp hoàn thiện hơn phong cách nhân viên tín dụng và làm hài lòng khách hàng.
Tăng cường các biện pháp chăm sóc khách hàng: Khách hàng xin vay vẫn cần nhận được chế độ chăm sóc quan tâm của ngân hàng. Đầu tiên, khi khách hàng xin vay, cán bộ tín dụng cũng có thể là nhà tư vấn đáng tin cậy đối với khách hàng, có thể tư vấn cho khách hàng sử dụng các sản phẩm phù hợp với khách hàng nhất hiệu quả, an toàn nhất. Ví dụ như giúp khách hàng lựa chọn hình thức thẻ tín dụng phù hợp với nhu cầu nhất, nội địa hay quốc tế, visa hay master, giúp khách hàng lựa chọn thời hạn khoản vay một cách hợp lý nhất…Sau khi đã giải ngân, cán bộ tín dụng vẫn có thể gọi điện định kỳ, ngoài công tác nhắc nợ có thể hỏi thăm tình hình bản thân và kinh doanh hiện tại của khách hàng, nếu thấy có nhu cầu nào của khách hàng phù hợp với sản phẩm hiện tại của ngân hàng có thể tư vấn cho khách hàng. Chất lượng phục vụ vẫn cần được duy trì ngay cả khi đã giải ngân khoản vay.
• Kiểm soát rủi ro tín dụng và tăng cường khả năng thu hồi nợ
Trách nhiệm của khâu kiểm soát chất lượng khoản vay là khâu đặc biệt quan trọng.Việc hướng dẫn, đào tạo trước khi thực hiện cần được chú ý đến. Techcombank còn cần thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm các lỗi đã xảy ra, đặc biệt các lỗi gây ra hậu quả nghiệm trọng và thường xuyên xảy ra.
Ngoài ra, Techcombank cũng cần công khai, chia sẻ các kinh nghiệm của các nhân viên tín dụng đi trước, hướng dẫn cách xử lý tình huống, các kinh nghiệm trong việc kiểm soát rủi ro, cách phát hiện và xử lý các rủi ro một cách hiệu quả nhất.
Để thu hồi nợ tốt hơn Techcombank cần mở rộng quan hệ tới cơ quan, doanh nghiệp nơi khách hàng làm việc và chính quyền địa phương nơi khách hàng cư trú. Muốn vậy, việc mở rộng mối quan hệ tới các doanh nghiệp đặc biệt là tại các thành phố lớn là cần thiết. Tốt nhất, có thể yêu cầu những cơ quan, doanh nghiệp này hỗ trợ định kỳ hàng tháng trích lương của nhân viên để trả vào tài khoản của Techcombank.
• Nâng cao khả năng định giá TSBĐ:
Tổ chức các lớp, khóa học huấn luyện về định giá tài sản bảo đảm dành cho nhân viên tín dụng và nhân viên định giá tài sản bảo đảm. Ngoài ra có thể xem xét điều chỉnh tỷ lệ cho vay trên tài sản bảo đảm.
• Các biện pháp marketing:
Ngân hàng cũng cần thực hiện các biện pháp marketing để làm hài lòng khách hàng. Ngân hàng có thể thăm dò ý kiến trực tiếp từ các khách hàng hiện tại đang sử dụng sản phẩm cho vay tiêu dùng về những điểm đã hài lòng và chưa hài lòng. Đồng thời thăm dò toàn thị trường về nhu cầu sản phẩm vay tiêu dùng của khách hàng, từ đó bổ sung, hoàn thiện danh mục sản phẩm cho vay tiêu dùng của ngân hàng. Ví dụ như có thể bổ sung các sản phẩm chưa có như cho vay mua xe máy, laptop…Ngoài ra ngân hàng cũng cần quảng bá các sản phẩm cho vay tiêu dùng của mình qua nhiều kênh thông tin khác nhau như ti vi, internet, báo chí hoặc qua các nhà phân phối khác như tại các sàn bất động sản, showroom ô tô…
• Cân đối danh mục cho vay:
Ngân hàng có thể tập trung các biện pháp marketing, khuyến mãi để định hướng khách hàng sang nhiều hình thức vay tiêu dùng ngoài hình thức vay mua bất động sản, từ đó tạo nên một cơ cấu cho vay tiêu dùng hợp lý hơn, ít phụ thuộc vào ảnh hưởng của yếu tố bất động sản hơn, từ đó giảm ảnh hưởng của thị trường bất động sản tới chất lượng tín dụng của ngân hàng hơn, giúp ngân hàng phân tán rủi ro tốt hơn.