Ý thức pháp luật của người nông dân cũng là một dạng của ý thức pháp luật, phản ánh đời sống xã hội của người nông dân, vì vậy chúng ta thấy ý thức pháp luật của người nông dân Việt Nam có những đặc điểm sau:
Một là:. Thói quen lệ làng, phong tục truyền thống vẫn được người nông dân đề cao và coi trọng hơn pháp luật nhà nước.
Có thể nói, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, hình ảnh người nông dân đã đi vào truyền thuyết dân gian, trong phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa của nhân dân ta từ xưa đến nay. Cùng với sự hình thành nền văn hóa làng xã, tâm lý cộng đồng dân cư nông nghiệp, tuân thủ những tục lệ truyền thống của người nông dân thể hiện như là tâm điểm duy trì các mối quan hệ xã hội của họ.
24
Một mặt, phương thức sản xuất nhỏ, kinh tế tiểu nông gắn liền với chế độ phong kiến gia trưởng tồn tại hàng nghìn năm trên đất nước ta đã sản sinh ra tâm lý tiểu nông, sản xuất nhỏ ở nông dân, trong một môi trường sản xuất kinh tế tự cung tự cấp là chủ yếu, làng xã thôn bản trở thành một quần thể khép kín, biệt lập với môi trường xã hội. Đó là cơ sở duy trì phong tục tập quán truyền thống chế ngự quan hệ xã hội của người nông dân Việt Nam. Cho nên biểu hiện đầu tiên và cũng là đặc điểm nổi bật nhất tồn tại trong suốt lịch sử phát triển của ý thức pháp luật Việt Nam cho đến tận ngày nay là ý thức “phép vua thua lệ làng” được hiểu là những tục lệ, tập quán, những quy định của làng xã luôn được coi trọng và đặt cao hơn phép nước.
Vậy thói quen lệ làng, tục lệ truyền thống… đã chế ngự ý thức pháp luật của người nông dân Việt Nam, được thể hiện ở điểm nào?
Đó là, nông dân có thói quen giải quyết công việc, các mối quan hệ xã hội theo tình cảm thuần túy, theo kinh nghiệm thế hệ đi trước, quan niệm “sống lâu lên lão làng”, “chín bỏ làm mười”, “dĩ hòa vi quý”, “trăm cái lý không bằng tý cái tình”… cách ứng xử, lối xử sự, phân định hay hòa giải giữa các cá nhân, gia đình, họ tộc đều trong khuôn khổ “lệ làng”, những quy định “hương ước” làng.
Mặt khác, do điều kiện đặc thù của xã hội Việt Nam, cư dân nông nghiệp chiếm đa số là sản xuất nông nghiệp chủ yếu định cư ở làng xã, trong đó mỗi gia đình là một đơn vị kinh tế nên các quan hệ xã hội phần lớn cũng chỉ bó gọn trong phạm vi làng xã, người dân ít có điều kiện và nhu cầu giao tiếp với xã hội bên ngoài. Với đặc thù như vậy nên việc điều chỉnh quan hệ xã hội, hành vi của nông dân hoàn toàn có thể theo tục lệ, tập quán truyền thống mà không cần đến sự can thiệp của luật pháp nhà nước. Điều đó đã làm hạn chế, cản trở rất nhiều sự tác động của luật nước vào các đơn vị “tự trị” làng. Cũng vì vậy, người nông dân vẫn có thói quen coi trọng lệ làng hơn phép
25
nước, tục lệ truyền thống, các quy định làng xã hơn là các đạo luật Nhà nước ban hành. Do vậy, khắc phục hạn chế của lệ làng cùng thói quen tuân theo tục lệ truyền thống, coi nhẹ pháp luật nhà nước ở người nông dân là cả một quá trình cải tạo xã hội, đòi hỏi phải hết sức thận trọng, tỷ mỷ, kiên trì, có những giải pháp tích cực mới đem lại hiệu quả thiết thực.
Hai là:. Quan niệm pháp luật là những hình phạt dẫn đến thái độ né tránh pháp luật, tâm lý đối phó với pháp luật.
Về mặt khách quan, do xuất phát từ điều kiện lịch sử của đất nước: sau khi ra đời trong một thời gian ngắn, đất nước Việt Nam đã bị phong kiến phương Bắc xâm lược và đô hộ trong suốt mười thế kỷ. Cùng với sự thống trị của Nhà nước là sự áp đặt của luật pháp phong kiến lên dân tộc Việt Nam, chế độ phong kiến đã tước đoạt mọi quyền dân chủ của người dân, thực chất là đối lập với dân chủ. Vì vậy, để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đấu tranh chống lại áp bức nô dịch của ngoại xâm, đồng thời đấu tranh chống lại các đạo luật hà khắc của Nhà nước phong kiến trở thành nhu cầu tự nhiên của người dân Việt Nam nói chung và người nông dân nói riêng. Hệ quả của việc phản ứng, bất tuân thủ pháp luật của chính quyền đô hộ phong kiến, tâm lý sợ hãi dẫn đến né tránh, đối phó với luật pháp nhà nước phong kiến đã trở thành tiềm thức truyền từ đời này qua đời khác trong người nông dân.
Dưới chế độ dân chủ, người nông dân được hưởng các quyền dân chủ, được Hiến pháp và pháp luật XHCN bảo đảm. Ngày nay, các hình phạt hà khắc của chế độ phong kiến đã được xóa bỏ, song tâm lý coi pháp luật là sự trừng trị của Nhà nước quan niệm pháp luật là những hình phạt, tâm lý đối phó với pháp luật vẫn còn tiềm ẩn trong người nông dân.
Về mặt chủ quan, do ảnh hưởng của nền kinh tế tiểu nông, với điều kiện sản xuất nhỏ, do tính biệt lập khép kín của cộng đồng làng xã còn đọng lại từ thời công xã nông thôn đã bị chế độ phong kiến, thực dân lợi dụng để
26
thông qua tổ chức làng xã nắm nông dân nhằm bóc lột, ức hiếp họ bằng các loại thuế khác, phu phen tạp dịch nặng nề… nên đã tạo ra một tầng lớp cường hào ác bá trong chế độ đối lập với nông dân, gây ám ảnh trong tâm thức, tâm lý của nông dân.
Ngày nay, trong chế độ dân chủ, chính quyền các cấp đều do dân cử ra, quyền và nghĩa vụ của người nông dân được bảo đảm bằng pháp luật. Chính quyền xã, thôn đại diện cho nông dân hoạt động theo quy định của pháp luật và chịu sự giám sát của nhân dân; đại đa số cán bộ xã, thôn có tinh thần tận tụy, trách nhiệm trước dân; tuy nhiên vẫn còn một số vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, thái độ cửa quyền, bè cánh, hách dịch, nhũng nhiễu nhân dân, thậm chí một số còn vi phạm pháp luật đã trực tiếp tác động đến tâm lý, ý thức của nông dân. Cho nên, khi có những công việc liên quan đến văn bản pháp lý, kể cả việc thuộc quyền lợi của mình nhưng trong tâm lý nông dân vẫn ngại tiếp xúc làm việc với chính quyền, vì vậy khi chính quyền yêu cầu họ phải thực hiện một chế độ, trách nhiệm hay thủ tục cần thiết thì họ quan niệm đó là sự “bắt buộc” chứ chưa coi đó là nghĩa vụ. Thái độ né tránh trách nhiệm, tâm lý đối phó với pháp luật trong thực tế cho đến nay vần còn tồn tại, tiềm ẩn trong ý thức ở người nông dân. Điều này, đặt ra cho người làm công tác giáo dục pháp luật phải có những cách thức thích hợp với đối tượng nông dân ở nông thôn nước ta hiện nay.
Ba là: Thiếu hiểu biết pháp luật, ít quan tâm tới pháp luật, chậm đổi mới về ý thức pháp luật so với các tầng lớp dân cư khác.
Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, nước ta chưa giành được độc lập, dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến, người dân Việt Nam mà đặc biệt là người nông dân Việt Nam chịu hai tầng áp bức bóc lột của thực dân phong kiến, sưu cao thuế nặng cực khổ trăm đường. Trong đó, trên 90% dân số mù chữ, dân trí hết sức thấp kém, đại đa số nông dân không hiểu biết gì về pháp
27
luật. Chế độ thực dân phong kiến đã duy trì chính sách ngu dân để dễ bề cai trị nông dân, còn luật pháp chế độ cũ về thực chất nó càng trở nên đối lập với người nông dân.
Cách mạng Tháng Tám 1945 đã làm đổi đời nông dân Việt Nam, chỉ sau một thời gian ngắn, cho đến ngày 6-1-1946 cuộc bầu cử Quốc Hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với hơn 80% cử tri đi bỏ phiếu, trong đó phần đông trước đó còn mù chữ, sau đã biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Bản Hiến pháp Việt Nam (1946) cũng đã khẳng định nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước Hiến pháp và pháp luật, người nông dân có quyền bính như công nhân, viên chức, trí thức…
Cho đến nay, 70 năm dưới chế độ dân chủ, đời sống vật chất tinh thần, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nông dân đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên về thực chất mặt bằng dân trí, trình độ văn hóa, hiểu biết pháp luật, văn hóa pháp luật của người nông dân vẫn còn thấp, thái độ ít quan tâm tới pháp luật, nhận thức các vấn đề pháp luật còn chậm đổi mới so với công nhân, trí thức. Một mặt, do môi trường, điều kiện lao động sản xuất, đời sống văn hóa tụ cư trong mô hình làng xã nông thôn, người nông dân ít có điều kiện giao tiếp, giao lưu với môi trường bên ngoài xã hội. Mặt khác, do ảnh hưởng của cơ chế bao cấp, chính quyền cơ sở làng xã quản lý bằng chỉ thị, nghị quyết, thói quen quản lý điều hành theo lối hành chính mệnh lệnh, thậm chí áp đặt một chiều từ trên xuống nên người nông dân ít quan tâm đến pháp luật.
Về chủ quan, do bản thân nghề nghiệp quy định tâm lý người nông dân khác với công nhân trí thức, những vấn đề liên quan đến người công nhân, trí thức có khi nó lan tỏa phạm vi toàn quốc, ảnh hưởng tác động cả dư luận xã hội, trên hệ thống thông tin, trên báo chí… Còn đối với nông dân phạm vi quan hệ xã hội hẹp, ít khi ra khỏi làng xã, bên cạnh đó người nông dân do kiến thức văn hóa thấp, thường mang tính nôn nóng tiểu tư sản, ý thức tiểu
28
nông, tư tưởng tư hữu chỉ khư khư giữ những lợi ích vụn vặt của bản thân, gia đình, họ tộc của mình nên việc mở mang hiểu biết văn hóa, kiến thức pháp luật ở họ là rất hạn chế. Biểu hiện ít quan tâm đến pháp luật, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, nhận thức pháp luật chậm đổi mới. Cho đến nay vẫn còn tồn tại ở người nông dân, điều đó thể hiện qua phong cách, lối sống, cung cách sinh hoạt, ngôn ngữ, tác phong chậm chạp, đơn giản, ngại va chạm, thiếu chủ kiến trong buổi họp, trong giải quyết công việc, bàn bạc tập thể… không chỉ thấy ở người già cả mà cả những người trẻ tuổi. Đây là một trong biểu hiện rất dễ thấy ở người nông dân, cần phải được khắc phục.
Tóm lại, đời sống pháp luật của người nông dân trong điều kiện lao động của nền sản xuất nông nghiệp, tập quán sản xuất nhỏ, tâm lý cộng đồng làng xã, tục lệ truyền thống… chi phối, thói quen ý thức “phép vua thua lệ làng”, ít quan tâm, thiếu hiểu biết về pháp luật, chậm đổi mới về tư duy, ý thức chấp hành pháp luật của người nông dân Việt Nam cho đến nay là còn hạn chế, thấp kém, điều đó đồng nghĩa với việc làm rõ quyền và nghĩa vụ của người nông dân vẫn còn chưa được thực hiện đầy đủ, kém hiệu quả, phương châm: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” vẫn còn hình thức ở nông dân.