8. Cấu trúc của Luận văn
2.2.2. Giải pháp đối với tổ chức Đảng và Nhà nước
2.2.2.1. Giải pháp trong công tác xây dựng Đảng
-Về công tác lý luận chính trị: Chính là việc tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập lý luận chính trị. Thực hiện tốt nội dung của lý luận về vấn đề trách nhiệm, nâng cao tinh thần trách nhiệm và tiếp tục thực hiện theo chương trình Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Lĩnh vực lý luận cần giải quyết được vấn đề thực tiễn đang diễn ra hiện nay, mối quan hệ giữa
đổi mới và phát triển bền vững, đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị, giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa và giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Đồng thời, việc giáo dục lý luận chính trị cần đổi mới phương thức, tránh nội dung đơn điệu, lạc hậu và phương pháp giảng dạy, tuyên truyền cần linh hoạt, sáng tạo hơn. Nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên bộ môn lý luận chính trị như Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc làm này cần thực hiện từ trung ương đến địa phương, từ các cấp ủy đảng trên cả nước. Thực hiện tốt các nghị quyết trung ương đảng đã đề ra qua các kỳ đại hội, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân.
-Về công tác tổ chức cán bộ, người làm công tác tổ chức cán bộ: Trước hết, cần nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên. Đổi mới nội dung và phương thức đào tạo cán bộ cũng là một yêu cầu cấp thiết để nâng cao tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên; tăng cường đào tạo cán bộ, đảng viên trẻ, là thanh niên, có sức cống hiến và phấn đấu cao, phụ nữ và cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số. Thứ hai, thực hiện tốt và công bằng việc đánh giá cán bộ, đảng viên, phải đánh giá đúng dựa trên năng lực, khả năng phát huy của cán bộ. Công tác luân chuyển cán bộ cũng rất quan trọng, cần nghiên cứu kỹ cán bộ được luân chuyển với địa phương mà cán bộ đó được luân chuyển, để cán bộ phát huy tốt nhất khả năng và trách nhiệm của mình đối với công việc cụ thể ở địa phương đó. Xây dựng chính sách đãi ngộ tốt đối với cán bộ, đảng viên, đảm bảo công chức, viên chức với mức lương đủ sống và sống tốt với mức lương cao hơn trung bình xã hội, được điều chỉnh hằng năm phù hợp. Phát huy dân chủ, tạo môi trường chính trị văn minh, mỗi người đều phát huy quyền làm chủ của mình. Sống trong môi trường chính trị, xã hội tốt thì mỗi cán bộ, đảng viên sẽ có cơ hội phát huy thế mạnh và quyền dân chủ của mình. Khi đó, tinh thần phê bình, tự phê bình trở nên thường xuyên, mỗi người tự nhận thấy khuyết điểm, thế mạnh của mình để nâng cao tinh thần trách nhiệm
với công việc chung. Môi trường chính trị này phải được tạo ra từ ngay trong các tổ chức, cơ quan, khu phố mà cán bộ, đảng viên đó làm việc, sinh hoạt và sinh sống. Nơi nào có môi trường chính trị tốt sẽ có những tác động tốt đến tư tưởng, suy nghĩ của cán bộ, đảng viên. Tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể vững mạng thì cán bộ sẽ có tư tưởng và hành động đúng đắn, vững vàng; ngược lại, nếu tổ chức kém thì ở đó sẽ không phát huy được tính tích cực của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, các tổ chức trong hệ thống chính trị cần phải có trách nhiệm tạo ra môi trường chính trị tốt giúp cán bộ, đảng viên có điều kiện để phát huy và nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình. Mỗi cán bộ, đảng viên phải được đánh giá đúng, được tôn trọng và bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác tự phê bình và phê bình. Trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên là xây dựng Đảng, phục vụ nhân dân nhưng để mỗi cán bộ, đảng viên tích cực và có tinh thần trách nhiệm cao hơn thì họ cần có sự tôn trọng và bảo vệ không chỉ về ý kiến mà còn là quyền lợi và nhân phẩm. Khi được bảo vệ và tôn trọng, đặc biệt đối với những cán bộ có tinh thần đấu tranh với cái xấu sẽ làm tăng tính tích cực và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, người làm công tác cán bộ cũng cần có trách nhiệm cao, là người biết điều chỉnh hợp lý, phân công, điều động, bố trí cán bộ đúng người đúng việc, phù hợp với hoàn cảnh, công việc. Đội ngũ cán bộ làm công tác này này thực sự quan trọng và cũng cần đầu tư đào tạo.
-Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng: Thực hiện Nghị quyết trung ương 3 (Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí) và Nghị quyết trung ương 5 (Về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng) khóa X, công tác kiểm tra có vai trò quan trọng trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Tiếp tục thực hiện nghị quyết của trung ương Đảng về phòng chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời tăng cương công
tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Công tác giám sát, kiểm tra của Đảng phải được các tổ chức quần chúng tham gia phản hồi, đóng góp. Trước hết, kiểm tra việc thực hiện Điều lệ Đảng của cán bộ, đảng viên là việc làm thiết thực và quan trọng đầu tiên.
-Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, ngày 14-5-2011 Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong đó xác định rõ “đây là công việc thường xuyên hằng ngày, là trách nhiệm cụ thể thiết thân của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Việc thực hiện Chỉ thị cần được quán triệt từ cán bộ, đảng viên lãnh đạo, cấp cao trước, làm gương cho cán bộ, đảng viên cấp dưới. Đồng thời, có khích lệ và tuyên dương những tấm gương đạo đức tốt và những điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức phong phú và sinh động.
Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tuy nhiên, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn có những hạn chế, chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, Đảng ta ra Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 với nội dung “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong 6 nội dung quan trọng, nội dung thứ tư nhấn mạnh lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai thực hiện công việc theo phương châm trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm
theo bằng những hành động và việc làm cụ thể. Đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm và cả nhiệm kỳ. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”. Bên cạnh đó, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đạo đức công vụ. Có thể nói, với nội dung nêu trên vấn đề nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đã được đề cập và chỉ ra cụ thể đối với từng cán bộ, đảng viên và các biện pháp cũng được đưa ra cho các tổ chức Đảng, Nhà nước.
2.2.2.2. Giải pháp trong quản lý của Nhà nước
-Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật:
Trong đó tiếp tục hoàn thiện luật về quản lý cán bộ, công chức theo hướng quy định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền của từng vị trí việc làm và chức danh cán bộ, công chức. Tiếp tục hoàn thiện việc phân định cán bộ, công chức, từ đó xây dựng cơ chế phân cấp quản lý phù hợp với từng loại đối tượng. Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về nghĩa vụ và quyền của cán bộ, công chức theo các loại hình cơ quan: lập pháp, hành pháp, tư pháp; theo các cấp hành chính: trung ương, địa phương, cơ sở; theo các vị trí công chức: lãnh đạo, quản lý; tham mưu; thừa hành.
Hoàn thiện các quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn và phương pháp xác định vị trí việc làm phù hợp với từng loại hình cơ quan, đơn vị, phân công, phân cấp rõ ràng, hợp lý thẩm quyền phê duyệt danh mục vị trí việc làm. Xây dựng, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chức danh, tiêu chuẩn công
chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và các ngạch công chức. Sửa đổi quy chế đánh giá cán bộ, công chức theo hướng gắn với kết quả, hiệu quả công việc và đề cao trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện nguyên tắc cấp trên đánh giá cấp dưới, phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của mỗi loại đối tượng. Xây dựng quy chế, tổ chức theo dõi kiểm tra giám sát thường xuyên việc thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức.
-Xuất phát từ nguyên tắc: Thảo luận thì thảo luận chung, nhưng trách nhiệm là của từng người, vì không biết vận dụng nguyên tắc này nên cứ mỗi bước đi, chúng ta lại bị khốn đốn, cần đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước theo hướng từng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm quản lý, điều hành đội ngũ cán bộ, công chức thuộc quyền thực thi nhiệm vụ. Đến lượt mỗi cán bộ, công chức được phân công nhiệm vụ cụ thể và chịu trách nhiệm bằng chữ ký của mình, hạn chế tình trạng công chức thực thi chí có nhiệm vụ nghiên cứu, chuẩn bị tài liệu, soạn thảo văn bản hoặc tham mưu giúp việc cho lãnh đạo trưởng, phó phòng, vụ trưởng, phó vụ trưởng, giám đốc, phó giám đốc chung chung như hiện nay. Trên cơ sở xác định vị trí việc làm, các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải phân công cụ thể rõ ràng, lượng hóa công việc càng rõ để làm cơ sở đánh giá, phân loại.
- Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội: Chế độ pháp lý về sở hữu cần được xây dựng và hoàn thiện để tạo sự rõ ràng và công bằng với trách nhiệm mà mỗi cán bộ, đảng viên phải có, đồng thời cũng là điều kiện khích lệ tinh thần trách nhiệm của cán bộ cao hơn khi chế độ sở hữu của bản thân minh bạch, đầy đủ. Khắc phục tình trạng quan liêu cửa quyền, cơ chế xin - cho, có biện pháp mạnh xử lý sự câu kết giữa cán bộ quản lý nhà nước các cấp với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước để “rút ruột” các chính sách, công trình nhà nước, làm lợi cá nhân, không có trách nhiệm với những việc chung của đất nước. Tăng cường công
khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, hoàn thiện cơ chế giám sát của người dân, tổ chức đối với hoạt động của cán bộ, công chức.
Hoàn thiện các quy định pháp luật về khen thưởng và có chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm đối với công chức thiếu trách nhiệm và vi phạm pháp luật. Cải cách hệ thống chính sách tiền lương, tiền thưởng và đãi ngộ vật chất, tinh thần đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Hoàn thiện hệ thống thang lương, bảng lương trên cơ sở xem xét tính chất, đặc điểm lao động và phân loại từng đối tượng cán bộ, công chức. Hoàn thiện phương thức quản lý tiền lương cán bộ, công chức trên cơ sở tách rõ cơ quan hành chính công quyền với các tổ chức sự nghiệp dịch vụ công để có cơ chế tài chính và cơ chế quản lý tiền lương phù hợp. Xác định rõ ưu tiên và bảo đảm nguồn cho cải cách tiền lương cán bộ, công chức; có lộ trình thích hợp và phải xác định được thứ tự ưu tiên cải cách, trong đó trước mắt cần ưu tiên cải cách chính sách tiền lương của cán bộ, công chức hành chính nhà nước.
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính gắn với nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức. Chính phủ cần chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Bộ quy tắc đạo đức công vụ, trong đó xác định rõ giá trị cốt lõi của nền công vụ và quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của người công chức; những trường hợp cần tự nguyện, chủ động xin từ chức; hoàn thiện quy định của pháp luật về mối quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động quản lý kinh tế - xã hội. Đổi mới và tăng cường công tác giáo dục đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp nhằm hình thành các chuẩn mực đạo đức công vụ của người cán bộ, công chức.
-Trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước: Nhất quán nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rạch ròi. Đồng thời, khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng bộ, ban ngành. Khi công việc được phân công rõ ràng, minh bạch, trách nhiệm và lợi ích được phân minh thì công việc mới hoàn thành tốt nhất. Luật hóa việc phân cấp quản lý nhà nước giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương. Mọi hoạt động được thanh tra, kiểm tra thường xuyên của Chính phủ. Các thủ tục hành chính cần được hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch.
Đặc biệt, hoạt động của các cơ quan tư pháp cần được phát huy hơn nữa. Hoàn thiện cơ chế quản lý bảo đảm tính độc lập của toàn án trong xét xử, nâng cao việc điều tra tội phạm của viện kiểm soát. Đồng thời đội ngũ cán bộ, đảng viên trong ngành tư pháp cần thực sự công tâm, có đức, có tài, có trách nhiệm với mỗi vụ án mà mình theo đuổi. Cần điều tra chính xác, thi hành án đúng đắn để không công dân nào chịu oan sai.