III. Vận dụng kiến thức về sự vận động quan niệm nghệ thuật về con người trong Mảnh trăng cuối rừng và Chiếc thuyền ngoài xa vào việc dạy học Ngữ
3. Một số định hướng cho học sinh khi tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con người trong tác phẩm văn học
con người trong tác phẩm văn học
Quan niệm nghệ thuật về con người là một yếu tố quan trọng để tìm hiểu tác phẩm văn học. Thế nhưng để gọi tên đúng quan niệm nghệ thuật về con người của các tác giả là điều không hề dễ dàng. Bởi nó không được nhà văn trình bày trực tiếp trên bề mặt văn bản mà được thể hiện gián tiếp thông qua thế giới hình tượng nhân vật cũng như các phương thức biểu hiện tác phẩm. Để xác định quan niệm nghệ thuật về con người cần làm rõ các yếu tố sau:
Thứ nhất là bối cảnh lịch sử xã hội và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Quan niệm nghệ thuật về con người bao giờ cũng chịu sự chi phối của thời đại. Vì lẽ đó muốn hiểu được con người phải đặt họ vào trong môi trường và hoàn cảnh sống. Quan niệm nghệ thuật về con người trước năm 1975 thường gắn với khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn và hướng đến cộng đồng. Nhưng con người sau 1975 lại quay trở về với cuộc đời riêng trong khuynh hướng thế sự,
đời tư. Nắm được những nguyên tắc cơ bản này, học sinh sẽ dễ dàng trong việc soi chiếu để tìm ra quan niệm nghệ thuật về con người đích thực.
Thứ hai là thế giới nhân vật. Nhân vật là “công cụ” giúp nhà văn phản ánh tư tưởng, chủ đề của tác phẩm, là nơi kí thác quan niệm về con người, về nhân sinh của nhà văn. Nhân vật chính thường điển hình cho một giai tầng nào đó trong xã hội, thậm chí một thời đại. Vì vậy, khi giúp học sinh nhận thức một nhân vật, giáo viên phải giúp các em hướng tới khái quát được các giá trị đó. Ngoài ra, nhân vật là con đẻ của nhà văn trong suốt cả một quá trình thai ngén vì thế khi phân tích nhân vật cũng là để nhận ra tài năng, đặc điểm bút pháp nghệ thuật của nhà văn. Khi tìm hiểu nhân vật trung tâm trong truyện ngắn, cần dựa vào các yếu tố: lai lịch, ngoại hình, gốc gác, ngôn ngữ, nội tâm, cách ứng xử, cử chỉ, hành động của nhân vật
Thứ ba là các phương thức thể hiện nhân vật, mà quan trọng nhất là thông qua tình huống truyện. Vai trò của tình huống truyện đối với việc thể hiện nhân vật trong tác phẩm tự sự: Khi phân tích nhân vật, cần quan tâm thích đáng đến tình huống truyện. Vì thông qua tình huống truyện, sẽ phần nào thể hiện được tính cách, số phận nhân vật. Giáo viên cần lưu ý học sinh không nên máy móc mà phải linh hoạt ở từng nhân vật văn học cụ thể để đạt hiệu quả cao khi làm bài.
Thứ tư là phải biết xâu chuỗi, khái quát những nội dung đã phân tích. Từ việc đặt nhân vật vào trong hoàn cảnh sáng tác, phân tích những nét tính cách và nghệ thuật thể hiện nhân vật, học sinh phải có kĩ năng tổng hợp từ các chi tiết nhỏ để khái quát nên những con người ấy sẽ đại diện cho tầng lớp, giai cấp, kiểu người nào trong xã hội. Qua những nhân vật ấy, tác giả muốn chuyển tải thông điệp gì về con người và nó có phù hợp với hoàn cảnh và yêu cầu của thời đại hay không.
Việc hướng dẫn học sinh tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con người là hành trình theo hướng tổng – phân –hợp, đi từ khái quát đến cụ thể để thống nhất và tổng hợp vấn đề. Tuy có sự phức tạp nhưng thiết nghĩ đó là những yêu
cầu vô cùng cơ bản và cần thiết nhằm giúp học sinh tự khám phá ra quan niệm nghệ thuật về con người.