2. Sự vận động quan điểm nghệ thuật về con người của Nguyễn Minh Châu qua Mảnh trăng cuối rừng và Chiếc thuyền ngoài xa từ góc nhìn phương
2.1. Sự vận động tình huống truyện từ đơn giản đến phức tạp
Bàn về tình huống truyện, nhà văn Nguyễn Minh Châu cho rằng: “những người cầm bút có cái biệt tài có thể chọn ra trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý
nghĩa nhất, một khoảnh khắc cuộc sống nhưng bắt buộc con người ở vào một tình thế phải bộc lộ ra cái phần tâm can nhất, cái phần ẩn náu sâu kín nhất, thậm chí có khi là khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người, một đời nhân loại”. Tình huống truyện là nơi tính cách con người được bộc lộ. Ý thức được
điều đó, Nguyễn Minh Châu luôn chú ý gọt dũa tình huống truyện trong những tác phẩm của mình.
Trong tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng, tình huống truyện là cuộc gặp gỡ tình cờ giữa anh lái xe Lãm và cô Nguyệt. Lãm và Nguyệt hẹn gặp nhau, ngồi chung trên một chiếc xe, họ đi bên nhau ngay từ điểm xuất phát của cuộc hành trình mà không nhận ra nhau. Họ gặp nhau rồi mà hoá ra chưa đúng hẹn. Không đúng hẹn, nhưng đã biết nhau, hiểu nhau, đồng cam cộng khổ với nhau. Họ chưa nói với nhau lời nào chính thức, chưa thề ước, nhưng lại lắng nghe được tiếng đồng vọng, tiếng trả lời từ trong lòng mình. Tình truyện huống truyện ở đây mang tính chất ngẫu nhiên, lãng mạn nhưng lại kịch tính theo hướng lí tưởng hóa. Những thử thách trên con đường đi càng khẳng định và điểm rõ vẻ đẹp của hai nhân vật.
Từ tình huống truyện trong Mảnh trăng cuối rừng, không khó để đoán ra mạch truyện sẽ phát triển tiếp ra sao từ tình huống truyện này. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta đánh giá cách xây dựng tình huống truyện của Nguyễn Minh Châu đơn giản. Thực ra đây là tình huống truyện hay, độc đáo nhưng đặt nó bên cạnh Chiếc thuyền ngoài xa thì dường như tác phẩm ra đời ở thời kì hậu chiến này phức tạp, rối rắm, khó nắm bắt hơn.
Tình huống truyện trong Chiếc thuyền ngoài xa bắt đầu bằng việc Phùng, trong giây phút tâm hồn thăng hoa những cảm xúc lãng nạn nhất, anh bất ngờ chứng kiến đôi vợ chồng từ con thuyền “thơ mộng” bước xuống, rồi lão đàn ông đánh vợ một cách dã man và vô lí. Tình huồng đó được lặp lại một lần nữa, Phùng không chỉ chứng kiến người đàn bà nhẫn nhục chịu đựng mà còn thấy được thái độ , hành động của chị em thằng Phác trước sự hung bạo của cha đối với mẹ. Tình huống càng trở nên “ đắt giá” hơn khi ở tòa án huyện, nhân vật
nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng lại bất ngờ hiểu được cái lí do sâu xa khiến cho cuộc sống vợ chồng của những ngư dân này luôn luôn là như vậy. Từ đó đến cuối truyện, Phùng đã có một cách nhìn đời khác hẳn. Anh thấy rõ những cái ngang trái trong gia đình thuyền chài ấy, hiểu sâu hơn tính cách người đàn bà, hai chị em thằng Phác, hiểu sâu hơn bản chất người đồng đội của mình (Đẩu) và hiểu thêm chính mình.
Tình huống truyện trong Chiếc thuyền ngoài xa là sự dồn dập của rất nhiều sự kiện mâu thuẫn nhau được Nguyễn Minh Châu đẩy lên cao trào và xoáy sâu hơn nữa. Trên nền ấy, ông để cho nhân vật loay hoay ngạc nhiên, suy ngẫm rồi vỡ lẽ, tự nhận thức được nhiều điều. Từ đó tác giả nâng lên thành quan niệm nghẹ thuật về con người của riêng mình.
Với những tác phẩm trước năm 1975, Nguyễn Minh Châu xây dựng những tình huống đơn giản, đặt con người vào những hoàn cảnh phù hợp với khuôn mẫu của họ nên nhân vật thường đơn chiều hay luôn giữ được phẩm chất vô trùng. Sau năm 1975, tình huống truyện của Nguyễn Minh Châu thường gắn với một mảnh vài mảnh đời nhỏ nhưng vo cùng phức tạp, ẩn chứa đầy mâu thuẫn. Chính những tình huống truyện ấy đã góp phàn tạo nên những con người mới, đa diện hơn, trần trụi hơn, phức tạp hơn.