Địa điểm triển khai đề tài

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, bệnh học và biện pháp phòng trị bệnh do giun tròn trichocephalus spp gây ra ở lợn tại tỉnh thái nguyên và bắc kạn (Trang 45 - 48)

Đề tài được triển khai tại các nông hộ, trang trại chăn nuôi lợn ở 2 tỉnh Thái Nguyên (huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Định Hóa, Phú Bình và Phổ Yên) và Bắc Kạn (huyện Ngân Sơn, Bạch Thông, Ba Bể và Chợ Mới).

Thái Nguyên và Bắc Kạn là hai tỉnh nằm trong vùng trung du miền núi phía Bắc. Xét về mặt hành chính, vùng này bao gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình. Trung tâm vùng là tỉnh Thái Nguyên. Đây là vùng lãnh thổ có diện tích lớn nhất nước ta (100.965 km2), chiếm khoảng 28,6% diện tích cả nước.

* Địa hình:

- Tỉnh Thái Nguyên có độ cao trung bình so với mặt biển khoảng 200 - 300 m, thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông, được chia thành 3 vùng rõ rệt:

+ Vùng núi cao: Bao gồm nhiều dẫy núi cao ở phía Bắc chạy theo hướng Bắc - Nam và Tây Bắc - Đông Nam. Các dãy núi kéo dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Vùng này tập trung ở các huyện Đại Từ, Định Hóa và một phần của huyện Phú Lương. Đây là vùng có địa hình cao, chia cắt phức tạp, có độ cao từ 500 - 1000 m, độ dốc thường từ 25 - 35 độ.

+ Vùng địa hình đồi cao, núi thấp: là vùng chuyển tiếp giữa vùng núi cao phía Bắc và vùng đồi gò đồng bằng phía Nam, chạy dọc theo sông Cầu và đường quốc lộ 3 thuộc huyện Đồng Hỷ, Nam Đại Từ và Nam Phú Lương. Địa hình gồm các dãy núi thấp đan chéo với các dải đồi cao, tạo thành các bậc thềm lớn và nhiều thung lũng. Độ cao trung bình từ 100 - 300 m, độ dốc thường từ 15 - 25 độ.

Bản đồ tỉnh Thái Nguyên Bản đồ tỉnh Bắc Kạn

Hình 2.1. Bản đồ các tỉnh miền Bắc Việt Nam, bản đồ tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn

+ Vùng địa hình nhiều ruộng ít đồi: Bao gồm vùng đồi thấp và đồng bằng phía Nam. Địa hình tương đối bằng, xen giữa các đồi bát úp dốc thoải là các khu đất bằng. Vùng này tập trung của các huyện Phú Bình, Phổ Yên, thị xã Sông Công, thành phố Thái Nguyên, một phần phía Nam huyện Đồng Hỷ và Phú Lương. Độ cao trung bình từ 30 - 50 m, độ dốc thường dưới 10 độ.

- Tỉnh Bắc Kạn có độ cao giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, cao nhất có đỉnh 1.640 m thuộc dãy Nam Khiếu Thượng. Độ cao bình quân toàn tỉnh từ 500 - 600 m, nơi thấp nhất 40 m thuộc khu vực xã Quảng Chu (Chợ Mới). Địa hình Bắc Kạn có thể chia làm 3 khu vực:

+ Khu vực phía Ðông: là các dãy núi kéo dài của cánh cung Ngân Sơn. Đây là dãy núi cao có cấu tạo tương đối thuần nhất.

+ Khu vực phía Tây: cũng là khối núi cao trên lãnh thổ Bắc Kạn. Cấu tạo chủ yếu của núi là đá phiến thạch anh và đá vôi có lớp dày nằm trên đá kết tinh cổ.

+ Khu vực trung tâm dọc thung lũng sông Cầu có địa hình thấp hơn nhiều. Đây là một nếp lõm được cấu tạo chủ yếu bởi đá phiến, đá vôi, đá sét vôi có tuổi rất cổ, nhưng đá vôi không nhiều.

* Khí hậu:

Tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, một năm có 4 mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nhiệt độ trung bình của Thái Nguyên là 25 oC; chênh lệch giữa tháng nóng nhất (tháng 6: 28,9 oC) với tháng lạnh nhất (tháng 1: 15,2 oC) là 13,7 oC. Tổng số giờ nắng trong năm dao động từ 1.300 đến 1.750 giờ và phân phối tương đối đều cho các tháng trong năm. Nhiệt độ trung bình hàng năm của Bắc Kạn từ 20 - 22 oC, nhiệt độ thấp tuyệt đối - 0,1 oC ở thị xã Bắc Kạn, - 0,6 oC ở Ba Bể và - 2 oC ở Ngân Sơn.

Số giờ nắng trung bình của tỉnh Bắc Kạn là 1400 - 1600 giờ. Lượng mưa trung bình năm ở mức 1400 - 1600 mm và tập trung nhiều vào mùa hạ. Độẩm trung bình trên toàn tỉnh là 84%. Bắc Kạn có lượng mưa thấp so với các tỉnh Đông Bắc, do bị che chắn bởi cánh cung Ngân Sơn ở phía Đông Bắc và cánh cung Sông Gâm ở phía Tây Nam.

Năm huyện, thị xã của tỉnh Thái Nguyên và bốn huyện của tỉnh Bắc Kạn là đại diện của hai tỉnh vềđặc điểm địa hình, thời tiết khí hậu và điều kiện sinh thái.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, bệnh học và biện pháp phòng trị bệnh do giun tròn trichocephalus spp gây ra ở lợn tại tỉnh thái nguyên và bắc kạn (Trang 45 - 48)