PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ BẢO HỘ NHÃN HIỆU ĐƢỢC SỬ DỤNG VÀ THỪA NHẬN RỘNG RÃ
2.4.1. Quyền sử dụng
Hành vi “sử dụng” được giải thích tại Điều 124 Luật SHTT:
Điều 124. Sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
5. Sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi sau đây:
a) Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;
b) Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ;
c) Nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.
Trên cơ sở nguyên tắc “Được làm những gì pháp luật không cấm”, chủ sở hữu nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi hoàn toàn có quyền sử dụng nhãn hiệu của mình, với điều kiện không xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của người khác được xác lập từ trước. Điều đó có nghĩa là dù Điều 124 quy định quyền sử dụng là quyền tài sản của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp, hay cụ thể hơn là chủ sở hữu nhãn hiệu được đăng ký hoặc được thừa nhận là nổi tiếng, thì quy định đó cũng không thể ngăn cấm chủ sở hữu nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi thực hiện các hành vi sử dụng nêu trên. Ví dụ, trước ngày 16 tháng 08 năm 2011, nhãn hiệu “SH” chưa được đăng ký bảo hộ cho sản phẩm xe máy tại Việt Nam, tuy nhiên nhãn hiệu “SH” vẫn được Công ty Honda Việt Nam sử dụng rộng rãi trên thị trường và được các nhà phân phối và người tiêu dùng xe máy biết đến rộng rãi là nhãn hiệu cho một dòng xe máy cao cấp. Cụ thể, Công ty Honda Việt Nam đã tiến hành nhập khẩu,
56
lắp ráp, tàng trữ, phân phối các sản phẩm xe máy mang nhãn hiệu Honda trên thị trường Việt Nam. Không có quy định pháp luật nào ngăn cấm và cũng không có chủ thể nào có quyền phản đối quyền sử dụng của Công ty Honda Việt Nam đối với nhãn hiệu “SH” được sử dụng và biết đến rộng rãi cho sản phẩm xe máy.
Quy định nêu trên một mặt giúp xác định phạm vi quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi, mặt khác giúp xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu nhãn hiệu cũng như là căn cứ quan trọng để xác định chứng cứ chứng minh nhãn hiệu đã được sử dụng rộng rãi và được thừa nhận bởi người tiêu dùng liên quan.
Cũng cần lưu ý rằng, theo Điểm 39.5 b) Thông tư 01/2007/TT-BKHCN: “[…]
nhãn hiệu đó chỉ được thừa nhận là có khả năng phân biệt khi được thể hiện ở dạng đúng như dạng mà nó được sử dụng liên tục và phổ biến trong thực tế”, điều đó có nghĩa là nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi được coi là sử dụng nếu hành vi sử dụng được thực hiện trên đúng mẫu nhãn hiệu đó chứ không phải mẫu nhãn hiệu tương tự, ít nhiều được chỉnh sửa về thành phần, màu sắc, chi tiết cách điệu. Quy định này có ý nghĩa trong việc xác định chứng cứ phục vụ quá trình chứng minh rằng một nhãn hiệu đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi. Nói cách khác, theo Điểm 39.5 b), hành vi sử dụng nhãn hiệu tương tự không được coi là hành vi sử dụng chính nhãn hiệu cần chứng minh, do đó không có giá trị chứng minh nhãn hiệu đã được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, Điểm 39.5 b) không có giá trị xác định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi, bởi Điều 6bis Công ước Paris đã xác định rõ hành vi sử dụng nhãn hiệu gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được biết đến rộng rãi cũng được coi là hành vi xâm phạm.
Nếu như trong Luật SHTT Việt Nam quyền sử dụng của chủ sở hữu nhãn hiệu phải được “suy đoán” theo nguyên tắc chung của Điều 6bis Công ước Paris thì pháp Luật Nhãn hiệu Nhật Bản quy định rất rõ ràng:
Điều 32. Quyền sử dụng nhãn hiệu phát sinh từ việc sử dụng trước
Trong trường hợp một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với một nhãn khác được nộp đơn cho người khác mà nhãn hiệu đó đã được sử dụng tại Nhật Bản từ trước ngày nộp đơn cho hàng hóa hoặc dịch vụ được đăng ký theo
57
đơn trên, hoặc cho hàng hóa hoặc dịch vụ tương tự, mà không vì mục đích cạnh tranh không lành mạnh, và tại thời điểm nộp đơn trên nhãn hiệu đó đó đã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi với tư cách là dấu hiệu chỉ nguồn gốc hàng hóa hoặc dịch vụ thuộc về một người, người đó sẽ có quyền sử dụng nhãn hiệu đó cho hàng hóa hoặc dịch vụ trên cho đến khi người đó còn liên tục sử dụng nhãn hiệu cho hàng hóa hoặc dịch vụ.
Theo điều luật trên, chủ sở hữu nhãn hiệu được biết đến rộng rãi có quyền sử dụng nhãn hiệu của mình dù nhãn hiệu chưa được nộp đơn đăng ký. Thậm chí khi bên thứ ba nộp đơn đăng ký cho nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu được biệt đến rộng rãi cho hàng hóa dịch vụ tương tự, chủ sở hữu nhãn hiệu được biết đến rộng rãi vẫn có quyền sử dụng nhãn hiệu của mình mà không bị ngăn cấm, cản trở, với điều kiện hành vi sử dụng đó không phải là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Điều luật cũng xác định thời điểm chấm dứt quyền là khi nhãn hiệu không còn được sử dụng liên tục cho hàng hóa dịch vụ trên. Đây là quy định tiến bộ, thừa nhận tư cách nhãn hiệu của dấu hiệu đã đạt được khả năng xác định nguồn gốc hàng hóa qua quá trình sử dụng lành mạnh, đảm bảo quyền lợi chủ sở hữu nhãn hiệu và của người tiêu dùng.
Như vậy, quyền sử dụng nhãn hiệu được biết đến rộng rãi được quy định rất rõ ràng trong Luật Nhãn hiệu Nhật Bản so với Luật SHTT Việt Nam.