5. Kết cấu của Luận văn
3.1.1. Góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu Vinashin
Cách đây gần chục năm, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (VINASHIN) là một Tập đoàn lớn và có mục tiêu tham vọng là đưa Việt Nam trở thành nước đóng tàu đứng thứ tư vào năm 2018. Ngày 01/10/2007, UNDP đã công bố bản nghiên cứu về hơn 200 doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, trong đó có năm nhà máy đóng tàu có mặt trong danh sách Top 200 doanh nghiệp đều là thành viên của VINASHIN và được hưởng các đơn đặt hàng quốc tế và trong nước mà VINASHIN ký kết. Ngoài việc tìm khách hàng, VINASHIN còn giúp các thành viên về công nghệ, tư vấn quản lý và tài chính. Vì vậy, trong giai đoạn này, nhãn hiệu VINASHIN là một trong những nhãn hiệu uy tín và có giá trị cao nhất trên thị trường.
Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (VINASHIN), tính đến 31.12.2007, Tập đoàn này đã góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu VINASHIN vào 103 công ty cổ phần, liên doanh với giá trị quy ra tiền tới 2.067 tỷ đồng, tính bằng 30% tổng vốn điều lệ doanh nghiệp nhận góp vốn.
Điển hình là Công ty Cổ phần VINASHIN Việt Quang được thành lập tại Vũng Tàu ngày 21/4/2008. Trong danh sách 4 cổ đông sáng lập của Công ty có Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Soài Rạp chiếm tỷ lệ góp vốn 51% thông qua 510.000 cổ phần, với giá trị cổ phần 5,1 tỷ đồng. Tại Điều 1, Quyết định số 3848 ngày 26/11/2007 của Hội đồng quản trị Vinashin cũng quy định: “Góp năm tỷ một trăm đồng Việt Nam bằng nguồn
vốn tự có của Tập đoàn Tàu thủy Việt Nam và Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Soài Rạp, chiếm 51% tổng vốn điều lệ để thành lập Công ty Cổ phần VINASHIN Việt Quang. Trong đó, giao cho Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Soài Rạp quản lý phần vốn góp là ba tỷ đồng Việt Nam bằng giá trị nhãn hiệu của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, chiếm 30% tổng vốn Điều lệ” [19]. Như vậy, nhãn hiệu
VINASHIN được các bên thống nhất định giá bằng 30% tổng Vốn Điều lệ Công ty Cổ phần VINASHIN Việt Quang.
Căn cứ vào quy định tại Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04 - Tài sản cố định vô hình, ban hành kèm theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ Tài chính quy định về tiêu chuẩn ghi nhận tài sản thì nhãn hiệu, mặc dù là tài sản vô hình được tạo tư nội bộ doanh nghiệp nhưng không được ghi nhận là tài sản. Do vậy, phần vốn góp của VINASHIN thông qua Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Soài Rạp vào Công ty Cổ phần VINASHIN Việt Quang sẽ không được ghi nhận là tài sản cố định để trích khấu hao. Thông tư 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố đinh do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành cũng không quy định nhãn hiệu là tài sản cố định vô hình, bởi vậy nhiều doanh nghiệp đã phải gánh chịu những thiệt hại không nhỏ khi góp vốn bằng giá trị nhãn hiệu.
Hiện nay, nhà nước chưa quy định về các cơ chế tài chính áp dụng đối với giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu vì nhãn hiệu không phải là nguồn lực có thể xác định được, không đánh giá được một cách đáng tin cậy và doanh nghiệp cũng không kiểm soát được giá trị nhãn hiệu. Khi kiểm tra quyết toán thuế, cơ quan thuế thường không chấp nhận phần chi phí sử dụng nhãn hiệu là khoản chi phí hợp pháp, hợp lý để được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, ở một số địa phương, cơ quan thuế vẫn chấp nhận khoản chi phí mua/sử dụng nhãn hiệu là một khoản chi phí được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Như vậy, cùng một vấn đề do chưa có quy định cụ thể rõ ràng dẫn đến cách hiểu và áp dụng pháp luật ở các cơ quan nhà nước là khác nhau. Cũng theo một báo cáo của Vinashin, số lượng doanh nghiệp nhận góp vốn bằng nhãn hiệu của Công ty mẹ Vinashin là 60. Số lượng doanh nghiệp nhận góp vốn bằng nhãn hiệu của các Công ty con Vinashin là 38. Tổng giá trị góp vốn bằng nhãn hiệu của cả 98 doanh nghiệp là 1.926 tỷ đồng; lỗ luỹ kế của các đơn vị nhận góp vốn tính đến 30/6/2010 là 616 tỉ đồng. Trong quá trình góp vốn bằng nhãn hiệu, nhiều khi bản thân các doanh nghiệp không giữ
được uy tín ổn định một thời gian dài, thậm chí có thể bị giảm sút về uy tín, giá trị doanh nghiệp giảm mạnh…sẽ ảnh hưởng đến các bên có quyền khai thác nhãn hiệu đó. Tình trạng một số Tổng Công ty mang nhãn hiệu đi góp vốn với nhiều đối tác trong nhiều lĩnh vực không được đánh giá cao cũng có thể làm loãng giá trị nhãn hiệu.
Khi tập đoàn VINASHIN đứng trên bờ vực phá sản, nhiều cán bộ lãnh đạo bị bắt, uy tín doanh nghiệp đi xuống, nhiều doanh nghiệp nhận góp vốn bằng nhãn hiệu này lại tìm cách loại bỏ tên tuổi VINASHIN trong công ty. Năm 2010, Vinashin đề xuất giữ lại 13 doanh nghiệp, số còn lại thực hiện thoái vốn. Như vậy, việc thực hiện thí điểm góp vốn bằng giá trị nhãn hiệu của Vinashin đã không mang lại hiệu quả như mong muốn.