Hiện đã có 13/35 xã, thị trấn thuộc huyện Tiền Hải có đội thu gom (chuyên trách , HTX dịch vụ Điện – Nước – VSMT) và quy hoạch bãi chôn lấp chất thải, gồm: Thị trấn Tiền Hải, Nam Trung, Vũ Lăng, Phương Công, An Ninh, Tây Sơn, Tây Ninh, Đông Quý, Nam Hồng, Nam Thanh, Nam Cường, Nam Thịnh, Nam Phú. Tỷ lệ thu gom của các xã chủ yếu đạt từ 50 – 80%, trong đó cao nhất là thị trấn Tiền Hải (đạt 95%), xã Vũ Lăng (90%).
Vị trí bãi rác đã quy hoạch để sử dụng lâu dài nhưng đều chưa đảm bảo quy trình xây dựng, chưa đảm bảo yêu cầu đối với bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh. Các bãi rác hầu hết chưa có bể xây ngăn thoát nước khu vực xung quanh, chưa có tường vây ngăn chặn sự phát tán do gió, nền bãi chưa được gia cố theo quy định để chống thấm.
Bên cạnh đó, huyện có 13/35 xã tự tổ chức đội thu gom (100% là đội tự quản) nhưng chưa quy hoạch bãi chôn lấp chung, gồm: Bắc Hải, Tây Lương, Tây
Tiến, Vân Trường, Đông Xuyên, Đông Lâm, Đông Phong, Đông Cơ, Đông Hoàng,
Đông Minh, Đông Trung, Nam Chính, Nam Hải.
Tính hình thu gom ở các xã này khá phức tạp. Một số thôn/xóm trong xã còn chưa thành lập được đội thu gom như xã Bắc Hải còn 5 thôn; xã Vân Trường còn 1 thôn; Đông Minh còn 4 thôn; Nam Chính còn 1 thôn. Các bãi tập trung ở các thôn chỉ là tạm thời, quy mô nhỏ, đào sâu 0,5 – 1m, không có bờ bao vây. Hiện tại, ở các bãi rác tập trung này cũng có sự mâu thuẫn giữa các thôn, xã như các thôn ở xã Đông Cơ, hoặc xã Đông Phong với xã Tây Ninh. Ngoài ra, bãi rác tạm thời của hai xã Đông Trung và Đông Quý nằm 2 bên bờ sông Long Hầu nên nước thải từ hai bãi rác này đang là nguồn tác động không nhỏ tới chất lượng nước sông.
Các xã còn lại như Tây Giang, Tây Phong, Đông Trà, Tây An, Đông Long, Đông Hải, Nam Hưng đang thực hiện theo loại hình thu gom và xử lý chất thải này.
Trong đó, xã Nam Hưng đã có một bãi chôn lấp vị trí ngoài đê, xa khu dân cư khoảng 3Km, đường đi khó khăn nên không được dân sử dụng. Rác của các địa phương này được tập trung tại gia đình và vứt vào 12 địa điểm tự phát trong dân. Hàng tháng, chính quyền xã phải thuê xe bốc rác chở ra bãi rác của xã. Rác sinh hoạt của người dân chủ yếu các hộ gia đình tự thu gom, tái sử dụng (làm phân bón, đốt). Tuy nhiên, do lượng rác sinh hoạt ngày càng nhiều và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao nên phần lớn rác thải ở các địa phương này được vứt bừa bãi ở bờ sông, bãi đất trống, gây mất cảnh quan và ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người dân.