Sau hơn 20 năm đổi mới, bộ mặt nông thôn của cả nước nói chung, tỉnh Hải Dương nói riêng từng ngày biến đổi và phát triển. Hàng loạt các công trình công cộng, dịch vụ thương mại, các công trình nhà ở cao tầng của nhân dân đã và đang được đầu tư và xây dựng. Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã được hình thành và phát triển ở các vùng nông thôn. Hệ thống đường giao thông nông thôn được nâng cấp, cải tạo đáp ứng nhu cầu giao thông cho xe cơ giới. Hệ thống kênh tiêu, trạm bơm đã đáp ứng được tiêu thoát nước về mùa mưa. Nhiều xã đã có hệ thống cấp nước sạch tập trung; hệ thống thông tin, truyền hình; phương tiện xe máy đã có ở hầu hết các hộ gia đình. Nhìn chung cấu trúc không gian cảnh quan kiến trúc nông thôn biến đổi mạnh.
Bên cạnh những thành qủa đã đạt được, sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn tỉnh Hải Dương vẫn còn nhiều tồn tại. Trước hết trong quản lý xây dựng và phát triển nông thôn: Các công trình công cộng ở nhiều địa phương bố trí phân tán, xen kẽ trong các điểm dân cư không hình thành không gian trung tâm tập trung. Các khu dân cư mới bố trí phân tán, bám dọc theo các trục đường giao thông. Các công trình nhà ở với kiến trúc đa dạng và pha tạp, không phù hợp với môi trường, văn hoá ở nông thôn. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi nhỏ vẫn còn lẫn với khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Hệ thống cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư, nâng cấp, nhưng vẫn còn nhiều yếu kém; đường giao thông còn hẹp, khúc khuỷu chưa đảm bảo an toàn cho giao thông cơ giới. Nhiều hộ dân ở nông thôn vẫn chưa được sử dụng
nước sạch; hệ thống cống, rãnh thoát nước ít được quan tâm đầu tư xây dựng trong khi hệ thống ao hồ ở nhiều nơi bị san lấp. Các nghĩa trang nhân dân bố trí rải rác, xen lẫn trong các khu sản xuất, gần khu dân cư. Đa số các xã chưa có bãi rác tập trung. Có những tồn tại trên một phần là do chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng nên việc phát triển các điểm dân cư mới, các công trình công cộng, công trình sản xuất, dịch vụ thương mại mang tính tự phát là điều đương nhiên. Hơn nữa, nhận thức của cộng đồng về công tác quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn còn hạn chế, do vậy các công trình xây dựng được triển khai mang tính cục bộ, hiệu quả thấp. Trước những thực tế tồn tại nêu trên Trung tâm Quy hoạch đô thị và nông thôn thuộc Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương đề xuất, được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt và đã thực hiện thành công đề tài "Nghiên cứu xây dựng mô hình mẫu quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn tỉnh Hải Dương".
Mô hình mẫu quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn tỉnh Hải Dương được nghiên cứu, xây dựng dựa trên cơ sở thực trạng quy hoạch xây dựng của các điểm dân cư nông thôn và dựa vào các văn bản pháp lý hướng dẫn về quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn như: Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của chính phủ về Quy hoạch xây dựng; Quy chuẩn xây dựng Việt nam - Quy hoạch xây dựng (QCXDVN 01: 2008/BXD) ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03 tháng 4 năm 2008 của Bộ Xây Dựng về việc ban hành ''Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng''; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Chính phủ ban hành kèm theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07/4/2007 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng; v.v... Đề tài đã vận dụng xây dựng được tiêu chí quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn phù hợp với hiện trạng các vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn tỉnh Hải Dương:
- Tiêu chí chung của đề tài: Xác định về thời hạn quy hoạch đến năm 2020; ranh giới quy hoạch theo địa giới hành chính của xã. Nội dung quy hoạch về mạng lưới điểm dân cư gồm: mạng lưới các điểm dân cư; hệ thống các công trình hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, nghĩa trang, nghĩa địa, bãi rác; hệ thống các công trình văn hoá, công cộng ở các thôn; hệ thống các công trình sản xuất như khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp, khu chăn nuôi giết mổ tập trung... Quy hoạch xây dựng trung tâm xã gồm: hệ thống các công trình hành chính, công cộng gồm: công trình hành chính, văn hoá, giáo dục, y tế...; hệ thống các công trình dịch vụ thương mại như chợ, khu dịch vụ, bưu điện, ngân hàng; hệ thống các công trình hạ tầng: Giao thông, cấp điện, cấp thoát nước khu trung tâm.
- Tiêu chí riêng: Đối với các loại hình điểm dân cư nông thôn trong tỉnh khác nhau, ngoài tiêu chí chung còn phải căn cứ cụ thể về tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, chỉ tiêu diện tích các công trình công cộng, thương mại, dịch vụ và nhà ở; tiêu chí tiêu chuẩn sử dụng điện, cấp thoát nước...làm cơ sở để tính toán quy mô dân số, đất đai, hệ thống hạ tầng kỹ thuật... như quy hoạch loại hình xã có làng nghề phải có quy hoạch 01 khu vực sản xuất làng nghề, đảm bảo có không gian sản xuất tập trung; có không gian giao dịch quảng bá và giới thiệu sản phẩm và kho tập kết hàng hoá, bãi phế liệu; có hệ thống cấp điện, cấp thoát nước và xử lý nước thải cho sản xuất (đối với hoạt động sản xuất cần nước). Đối với xã có di tích lịch sử, kiến trúc cảnh quan phải có quy hoạch khu di tích lịch sử, kiến trúc cảnh quan. Xã phát triển chăn nuôi trồng trọt quy hoạch xây dựng một khu vực chuồng trại hoặc một khu vực chế biến nông sản.v.v...
Căn cứ vào tiêu chí quy hoạch đã được xây dựng, Trung tâm Quy hoạch đô thị và nông thôn đã hoàn thành quy hoạch mẫu điểm dân cư nông thôn đến năm 2020 tại 10 xã đại diện cho các vùng sinh thái khác nhau của tỉnh đã được UBND các huyện phê duyệt để áp dụng trong công tác quản lý quy hoạch và xây dựng, gồm các xã:
- Xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng: đại diện xã có làng nghề truyền thống; - Xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà: đại diện xã phát triển chăn nuôi, trồng trọt;
- Xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà: đại diện xã ở nông thôn còn giữ được nhiều đặc trưng làng cổ;
- Xã An Lạc, huyện Chí Linh: đại diện xã có di tích văn hoá, cảnh quan; - Xã Văn An, huyện Chí Linh: đại diện xã phát triển làng nghề gắn với phát triển nông nghiệp và du lịch tâm linh hoặc lịch sử văn hoá;
- Xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ: đại diện xã phát triển thương mại, dịch vụ và ven thị;
- Xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ: đại diện xã vùng sâu, vùng xa ở huyện đồng bằng;
- Xã Tân Dân, huyện Kinh Môn: đại diện xã ở vùng sâu, vùng xa ở huyện miền núi;
- Xã Duy Tân, huyện Kinh Môn: đại diện xã miền núi, trung du;
- Xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện: đại diện xã phát triển phát chăn nuôi, trồng trọt gắn với du lịch sinh thái.
10 mô hình mẫu quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn tỉnh Hải Dương là căn cứ để triển khai thực hiện trên toàn tỉnh, góp phần giảm kinh phí đầu tư quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn cho các xã còn lại trong tỉnh; là cơ sở phục vụ cho công tác quản lý quy hoạch các xã trong tỉnh, bảo tồn và phát triển các nét truyền thống văn hoá của tỉnh Hải Dương nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung; góp phần làm rõ mô hình nông thôn mới với những tiêu chí về chuyên ngành quy hoạch xây dựng cụ thể, làm cơ sở để triển khai rộng trên toàn tỉnh.