5. Kết luận
5.2. Một số kiến nghị và gợi ý chính sách
Như đã phân tích ở phần 2, tác động của đô la hóa đối với một nền kinh tế luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, đối với các nền kinh tế còn non trẻ, chưa có tiềm lực kinh tế mạnh như các nước khu vực ASEAN thì việc hạn chế tình trạng đô la hóa là điều cần thiết để có thể phát huy được hiệu quả của các công cụ chính sách tiền tệ cũng như giữ vững được sự ổn định và phát triển kinh tế ở khu vực này. Dựa vào kết quả của bài nghiên cứu có thể thấy, việc kiểm soát tốt lạm phát, giảm tỷ lệ nợ công, sử dụng nợ công hiệu quả, cải thiện chất lượng chính phủ và những quy định của pháp luật cũng như mở rộng hội nhập tài chính có kiểm soát sẽ góp phần hạn chế mức độ đô la hóa cao trong nền kinh tế.
Xét riêng cho trường hợp Việt Nam, từ kết quả của bài nghiên cứu và tình hình trên thực tế, bài nghiên cứu cũng đưa ra một số đánh giá về các biện pháp hạn chế đô la hóa đã được
sử dụng ở Việt Nam trong thời gian qua và gợi ý một số hướng đi mới để giảm mức độ đô la hóa ở Việt Nam theo kết quả có được từ phần 4 nêu trên.
Phụ lục 20 trình bày một cách tổng quát các văn bản pháp luật mà Chính phủ Việt Nam đã ban hành để phù hợp với định hướng điều hành của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước về chống đô la hóa nền kinh tế. Kể từ đầu năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt thực hiện đề án chống đô la hóa, với mục tiêu giảm tỉ trọng tiền gửi ngoại tệ xuống 15% vào năm 2015 và chấm dứt tình trạng đô la hóa trước năm 2020. Để thực hiện chủ trương này, động thái đầu tiên của NHNN là tăng mạnh dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ nhằm tạo ra một khoảng chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi nội tệ và ngoại tệ, cũng như lãi suất cho vay của nội tệ và ngoại tệ. Điều này khiến các ngân hàng thương mại buộc phải hạ thấp lãi suất huy động, tăng lãi suất cho vay bằng đô la, khiến đồng đô la không còn hấp dẫn, kích thích người dân chuyển đổi sang VNĐ, tạo động lực cho các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đi vay VND vì nó mang lại nhiều lợi ích hơn so với vay bằng đồng USD. Bên cạnh đó, NHNN cũng giảm mạnh trạng thái ngoại hối của các NHTM, áp trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ thấp hơn và yêu cầu kết hối ngoại tệ 100% đối với doanh nghiệp nhà nước. Các biện pháp chính sách nêu trên đã có những tác động tích cực đến thị trường ngoại hối và tỷ giá USD/VND, khiến tỷ lệ đô la hóa giảm từ mức 30% các năm 2000 xuống dưới 15% như hiện nay. Cụ thể, trong năm 2011, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hàng hoạt các văn bản để thực hiện mục tiêu chống đô la hóa như việc giảm lãi suất huy động USD tối đa xuống còn 2%/năm đối với cá nhân và 0.5%/năm đối với tổ chức hay đưa ra các chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng có liên quan đến ngoại tệ theo Nghị định số 95/2011/NĐ-CP ban hành ngày 20/10/2011. Trong các năm 2012-2013, Việt Nam lại tiếp tục ban hành các văn bản có tác động mạnh đến tỷ lệ đô la hóa như Thông tư số 07/2012/TT-NHNN quy định về trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ mức +/-30% xuống +/-20% hay ban hành Pháp lệnh ngoại hối 2013 sửa đổi, bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong quản lý ngoại hối so với Pháp lệnh ngoại hối năm 2005. Đặc biệt, năm 2015 với việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ 4.6% trong vòng ba ngày từ ngày 11/08/2015 đến ngày 13/09/2015 cùng với việc FED có khả năng sẽ tăng lãi suất huy động khiến cho thị trường tiền tệ có nhiều biến động mạnh, tuy nhiên để tiếp tục thực hiện theo mục tiêu hạn chế đô la hóa đã đề ra,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1938/QĐ-NHNN ngày 25/09/2015 hạ mức lãi suất huy động USD tối đa xuống 0%/năm đối với tổ chức và 0.25%/năm đối với cá nhân. Giải pháp này được đánh giá là phù hợp với phương châm điều hành của chính phủ, đồng thời góp phần nâng cao sức hấp dẫn của đồng VND, và hạn chế tình trạng đô la hóa ở Việt Nam trong thời gian tới.
Như vậy, bằng các biện pháp liên quan đến chính sách quản lý ngoại hối, Việt Nam đã giảm được mức độ đô la hóa tài chính theo đúng chủ trương, định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên để chấm dứt hoàn toàn tình trạng đô la hóa trước năm 2020 như mục tiêu của đề án chống đô la hóa là điều không hề dễ dàng vì nếu xem xét trong khu vực ASEAN, mức đô la hóa của Việt Nam vẫn còn cao hơn nhiều lần so với các nước như Singapore, Phillipine, Thái Lan hay Malaysia. Từ kinh nghiệm quản lý ngoại hối, hạn chế đô la hóa của các nước này cũng như kết quả nghiên cứu ở phần 4 nêu trên, bài nghiên cứu đưa ra một số gợi ý chính sách cho Việt Nam nhằm góp phần hạn chế tình trạng đô la hóa, cụ thể như sau:
Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành nền kinh tế theo đúng mục tiêu đã hoạch định sẵn và gây dựng niềm tin nơi công chúng về việc thực hiện các cam kết của chính phủ.
Thứ hai, sử dụng nợ công có hiệu quả kết hợp với việc ổn định lãi suất và lạm phát, tạo niềm tin của người dân vào giá trị Việt Nam đồng.
Thứ ba, tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát ngoại hối, đặc biệt trong việc sử dụng ngoại tệ trong nước, quản lý ngoại hối đối với các tài khoản vãng lai và quản lý đối với tài khoản vốn.Trong đó tăng tính tự do chuyển đổi và tính thuận tiện trong giao dịch của đồng nội tệ, tăng sức cạnh tranh của đồng nội tệ trong việc thực hiện các chức năng tiền tệ so với đồng ngoại tệ.
Thứ tư, bên cạnh các chính sách kinh tế, Việt Nam cũng cần chú trọng cải thiện thể chế quốc gia, nâng cao chất lượng điều hành, chất lượng quản lý của chính phủ. Đồng thời thực hiện các chính sách góp phần giúp ổn định chính trị, hoàn thiện các văn bản pháp luật, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động chống tham nhũng trong hệ thống kinh tế và nâng cao vai trò, trách nhiệm của công dân trong việc tự do ngôn luận.
Thứ năm, Việt Nam cần phải đánh giá được lợi ích và bất lợi của tình trạng đô la hóa để có thể duy trì một tỷ lệ đô la hóa hợp lý vừa tận dụng được những tác động tích cực của nó đối với nền kinh tế vừa tránh được những phí tổn và rủi ro tiềm ẩn do tình trạng đô la hóa cao mang lại.
Tóm lại, Việt Nam đã có những bước đi đúng đắn trong việc hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế. Tuy nhiên, ngoài các biện pháp liên quan đến các chính sách về ngoại hối, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng phải quan tâm đến những biện pháp liên quan đến việc ổn định vĩ mô, sử dụng hiệu quả nợ công, cải thiện thể chế và cân nhắc lợi ích và chi phí mà đô la hóa mang lại để có thể những đối sách phù hợp trong thời gian sắp tới.