Kết luận nghiên cứu

Một phần của tài liệu Các yếu tố tác động đến mức độ đô la hóa tài chính bằng chứng thực nghiệm ở các nước thuộc khu vực asean + 6 (Trang 65 - 67)

5. Kết luận

5.1.Kết luận nghiên cứu

Sử dụng một mẫu nghiên cứu gồm 15 quốc gia thuộc khu vực ASEAN + 6 với các mức độ phát triển khác nhau trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2013 để kiểm tra các nhân tố tác động đến mức độ đô la hóa của khu vực trên, bài nghiên cứu cho thấy độ trễ của đô la hóa tài chính có khả năng giải thích tốt cho sự dai dẳng của chính nó theo thời gian. Biến này còn thể hiện vai trò mạnh hơn đối với mức độ đô la hóa khi hồi quy cho trường hợp của ASEAN và Việt Nam. Các nhóm biến liên quan đến lạm phát đều có tác động đến tình trạng đô la hóa của quốc gia, trong đó biến lạm phát hiện tại có mối tương quan dương, còn các biến mức độ biến động lạm phát và biến tốc độ tăng trưởng lạm phát lại cho các hệ số mang dấu âm. Khi các nền kinh tế đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, người dân trong nước sẽ phản ứng lại bằng cách nắm giữ các tài sản được định danh bằng ngoại tệ thay vì bằng đồng nội tệ của họ để phòng ngừa những rủi ro từ việc mất giá của đồng tiền. Mức biến động hay tăng trưởng lạm phát càng cao, khiến cho chính phủ các nước khu vực ASEAN + 6 phải tiến hành thực hiện các biện pháp khác liên quan đến thể chế và nợ công để củng cố lại niềm tin của công chúng, do đó góp phần làm hạn chế được mức độ đô la hóa trong nền kinh tế. Trong khi lạm phát là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đô la hóa tăng cao thì tỷ lệ nợ công trên GDP lại là nhân tố chủ chốt dẫn đến việc kéo dài dai dẳng của đô la hóa ở các nước được nghiên cứu. 10/15 quốc gia cho thấy mặc dù lạm phát giảm nhưng mức độ đô la hóa vẫn tăng cao mà nguyên nhân là do sự lo ngại về khả năng vỡ nợ của chính phủ đến từ tỷ lệ nợ công cao trong quá khứ. Dấu của hệ số tỷ lệ nợ công/GDP hiện tại mang dấu âm cho thấy một sự cải thiện của chính phủ trong thể chế quốc gia và chính sách kiểm soát lạm phát để hạn chế ảnh hưởng của nợ công cao trong quá khứ, làm tỷ lệ đô la hóa giảm xuống. Đối với khu vực ASEAN + 6, kết quả thực nghiệm cho thấy các nước được xếp hạng là quốc gia đầu tư có khả năng thu hút được lượng vốn ngoại lớn hơn vào

đầu tư, do đó các khoản tiền gửi, các khoản tiền vay và các giao dịch bằng đồng đô la tăng lên, làm tăng mức độ đô la hóa của quốc gia. Các biến thể chể có tác động làm hạn chế mức độ đô la hóa tài chính bao gồm quy định của pháp luật, kiểm soát tham nhũng và biến tiếng nói và trách nhiệm giải trình. Theo đó, một sự cải thiện về thể chế, nâng cao chất lượng của chính phủ, hạn chế tham nhũng và tạo điều kiện cho công dân thực thi quyền tự do ngôn luận sẽ giúp chính phủ củng cố được niềm tin của người dân vào những cam kết của mình và hiệu quả các chính sách mà các chính phủ này đưa ra. Cuối cùng, bài nghiên cứu nhận thấy một chế độ tỷ giá hối đoái cố định và việc hạn chế mở cửa tài chính cũng như việc phát triển hệ thống tài chính trong nước sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ đô la hóa ở khu vực ASEAN + 6.

Sử dụng các biến giả khu vực và quốc gia, bài nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu mức độ tác động của các nhân tố nêu trên đối với tình trạng đô la hóa ở khu vực ASEAN và Việt Nam có gì khác biệt so với toàn bộ khu vực ASEAN + 6. Kết quả hồi quy GMM một bước cho khu vực ASEAN chỉ ra lạm phát ở khu vực này có tác động mạnh hơn đối với đô la hóa so với toàn bộ khu vực, trong khi tỷ lệ nợ công có tác động thấp hơn. Điều này được lý giải bởi khả năng quản lý kinh tế, sử dụng hiệu quả nợ công ở các nước khu vực Đông Nam Á có nhiều hạn chế hơn so với các nước phát triển trong khu vực nên chính phủ các nước này không nhận được sự tin tưởng người dân, dẫn đến việc họ nắm giữ các tài sản định danh bằng ngoại tệ để phòng ngừa các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra trong tương lai. Các biến thể chế bao gồm quy định của pháp luật, kiểm soát tham nhũng, chất lượng điều hành và biến tiếng nói và trách nhiệm giải trình cho các hệ số mang dấu âm, biểu thị sự cải thiện thể chế và nâng cao chất lượng chính phủ ở ASEAN không có tác động mạnh đến tâm lý người dân như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc, do đó việc hạn chế đô la hóa cho hiệu quả thấp hơn. Thu nhập bình quân đầu người đại diện cho mức độ phát triển thị trường tài chính của quốc gia Đông Nam Á, cho thấy một tác động thấp hơn đối với tình trạng đô la hoá so với toàn bộ khu vực ASEAN + 6 mà điều này có thể được giải thích là mức độ phát triển thị trường tài chính ở các quốc gia Đông Nam Á vẫn còn rất thấp so với các nước phát triển khác trong khu vực. Ngoài ra biến mở cửa tài chính của ASEAN mang hệ số dương, phù hợp với thực tế là khi các nước Đông Nam Á mở cửa tài chính càng mạnh thì khả năng đối

phó với những rủi ro tiềm ẩn từ việc mở cửa yếu hơn so với các nước có tiềm lực tài chính mạnh.

Kết quả hồi quy đối với trường hợp Việt Nam cho kết quả tương tự các nước ASEAN. Các biến đô la hóa trễ một kỳ và tỷ lệ lạm phát đều có tác động cao hơn đến mức độ đô la hóa so với toàn bộ khu vực. Giống như các nước ASEAN, tỷ lệ nợ công trên GDP có tác động cao hơn đối với mức độ đô la hóa cho thấy sự lo ngại của người dân Việt Nam về tỷ lệ nợ công cao của chính phủ. Đặc biệt, biến ổn định chính trị của Việt Nam có tác động đến mức độ đô la hóa cao hơn toàn bộ khu vực, thể hiện niềm tin của người dân Việt Nam đối với chính phủ được tăng lên khi nền chính trị được ổn định, không có bạo lực hay khủng bố. So sánh mức độ tác động của các nhân tố trên đối với tình trạng đô la hóa giữa ASEAN và Việt Nam, bài nghiên cứu nhận thấy rằng các biến liên quan đến kinh tế và các chính sách vĩ mô ở Việt Nam có tác động mạnh hơn so với các nước còn lại ở Đông Nam Á, phù hợp với thực tế là một sự thay đổi nhỏ liên quan đến lạm phát, tỷ lệ nợ công hay độ mở cửa tài chính cũng ảnh hưởng lớn đến quyết định nắm giữ đồng ngoại tệ ở Việt Nam. Bên cạnh đó, vấn đề tham nhũng cũng được người dân Việt Nam dành nhiều sự quan tâm, do đó tác động của biến này ở Việt Nam cao hơn so với ASEAN. Ngược lại, những thay đổi trong quy định của pháp luật ở Việt Nam lại không có tác động mạnh như các nước ASEAN vì những hạn chế trong các quy định pháp luật trong quá khứ và hiện hành.

Một phần của tài liệu Các yếu tố tác động đến mức độ đô la hóa tài chính bằng chứng thực nghiệm ở các nước thuộc khu vực asean + 6 (Trang 65 - 67)