Việc cưới, việc tang và lễ hội là những hoạt động gắn liền với các phong tục, tâm linh và tín ngưỡng của người Việt Nam từ ngàn đời nay. Vì vậy các hoạt động đó thể hiện hết sức sâu sắc đặc trưng văn hoá của từng vùng, miền, nhóm cư dân.... Tuy nhiên, những mặt trái trong nhận thức của người dân đã khiến cho việc cưới, việc tang và lễ hội trở thành những gánh nặng cả về vật chất lẫn tinh thần cũng như việc có cả những yếu tố phản văn hoá.
Nhận thức được điều đó, từ năm 1998 đến nay, Tỉnh uỷ Ninh Bình đã có những chỉ đạo kịp thời về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Căn cứ vào Chỉ thị số 27/CT – TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 14/ CT – TTg ngày 14/03/1998 của Thủ tướng Chính Phủ. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Ninh Bình đã ra Chỉ thị số 14 CT/TU ngày 04/03/1998 về việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội để tập trung lãnh đạo có hiệu quả, đưa cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh trở thành phong trào sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Đồng thời Tỉnh uỷ cũng ra Thông tri số 02- TT/TU ngày 02/05/1998 về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Theo đó, Tỉnh uỷ đã yêu cầu tất cả các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ của mình nhằm phát động phong trào quần chúng, nâng cao
vai trò làm chủ, ý thức tự giác của nhân dân và thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Sở Văn hoá Thông tin cũng đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành Quyết định số 498/1998/QĐ – UB ngày 15/05/1998 ban hành Quy định về việc cưới, việc tang và lễ hội. Quyết định đã chỉ rõ việc giao cho Sở Văn hoá Thông tin có kế hoạch hướng dẫn các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội tổ chức thực hiện quy định này trong toàn tỉnh.
Quy định về việc cưới, việc tang và lễ hội đã được UBND tỉnh Ninh Bình ban hành kèm theo Quyết định số 498/1998/QĐ – UB ngày 15/05/1998 nhằm giữ gìn và phát huy phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, phù hợp với nếp sống văn minh và đảm bảo đúng pháp luật và khắc phục những biểu hiện tiêu cực, không lành mạnh.
Về việc cưới: Quy định nêu rõ việc cưới phải được thực hiện đúng theo Luật hôn nhân, gia đình và các quy định khác của Nhà nước. Hôn nhân được tổ chức trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, một vợ, một chồng, nam nữ bình đẳng, cấm tảo hôn, cưỡng ép hôn nhân, cản trở hôn nhân và thách cưới. Đám cưới phải đảm bảo tính trang trọng, lành mạnh, vui tươi, tiết kiệm.
Quy định cũng chỉ rõ một số nghi thức cần thiết đối với một lễ cưới như chạm ngõ, ăn hỏi; đăng ký kết hôn và lễ cưới. Khi tổ chức lễ cưới phải tuỳ theo hoàn cảnh của hai gia đình mà có thể mời cơm hoặc tổ chức tiệc ngọt, tránh gây lãng phí, phô trương, xoá bỏ tệ trả nợ miệng và thương mại hoá lễ cưới.
Quy định cũng khuyến khích các đôi nam nữ đến thắp hương tại Đài tưởng niệm các liệt sỹ hoặc Nghĩa trang liệt sỹ. Lễ cưới chỉ được tổ chức từ 1 đến 2 ngày. Trong lễ đưa đón dâu, nếu hai bên gia đình ở gần nhau thì nên đi bộ, trường hợp ở xa cần có xe thì phải đảm bảo đúng luật giao thông. Đặc biệt Quy định khuyến khích không sử dụng thuốc lá trong lễ cưới.
Đối với việc mừng cưới thì tuỳ thuộc vào quan hệ tình cảm và hoàn cảnh cụ thể của mỗi người. Quà mừng không câu nệ ở giá trị vật chất, không lợi dụng hoặc bị lợi dụng vào những động cơ thiếu lành mạnh.
Đặc biệt, đối với cán bộ viên chức khi tổ chức lễ cưới chỉ mời đại diện các cơ quan mà cô dâu, chú rể và bố, mẹ của cô dâu, chú rể đã và đang công tác, không gửi giấy báo mời các cơ quan khác. Cán bộ, công chức khi đi dự đám cưới với tư cách và quan hệ cá nhân thì không được sử dụng xe ô tô công, không dùng công quỹ để làm tặng phẩm cưới.
Trang phục cưới cần đẹp, giản dị, phù hợp với địa phương và hoàn cảnh của hai bên gia đình. Các hoạt động văn hoá nghệ thuật và âm nhạc trong lễ cưới phải có nội dung lành mạnh, không tổ chức quá dài, quá khuya (không quá 22h30) làm ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh.
Đối với những người có đạo thì được phép làm nghi lễ tôn giáo, nhưng chỉ được tiến hành sau khi đăng ký kết hôn và phải tuân theo đúng các quy định khác của Nhà nước.
Việc chụp ảnh, quay camera và các phương tiện đi lại phải đảm bảo gọn nhẹ, thiết thực, không phô trương, đua đòi, tốn kém.
Đối với việc tang: Quy định chỉ rõ phải đảm bảo tang lễ được tổ chức chu đáo, trang nghiêm và hợp vệ sinh. Khi có người qua đời, gia đình và thân nhân phải khai tử đúng thủ tục và báo cáo với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật. Chính quyền địa phương có trách nhiệm cùng tang chủ lo tổ chức việc tang theo nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh trong việc chôn cất người qua đời, không để người qua đời trong nhà quá 48 giờ; không đưa xác người chết vào nơi thờ tự, nơi sinh hoạt tôn giáo làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.
Về các nghi thức trong việc tang, Quy định chỉ rõ có 4 nghi thức chính: Báo tang và lập ban lễ tang, khâm liệm, lễ viếng, đưa tang. Đám tang không được kèn trống quá 22h30 làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Không tổ chức mời khách ăn uống và việc đưa tang phải đảm bảo đúng luật lệ giao thông. Đối với những người qua đời không có gia đình, họ hàng và người thân thích thì chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội phải lo chôn cất chu đáo.
Trong việc tang phải xoá bỏ tất cả các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Xoá bỏ các hủ tục lạc hậu như lăn đường, khóc mướn, bắt tà, yểm bùa, tế lễ, rắc vàng mã gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Đối với lễ hội: Nội dung lễ hội phải bày tỏ được lòng biết ơn đối với các bậc tiền bối, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử, văn hoá của dân tộc, của địa phương. Lễ hội phải đảm bảo tính trang nghiêm, thiết thực, lành mạnh, tiết kiệm, an toàn và bài trừ các hủ tục mê tín, dị đoan.
Sở Văn hoá Thông tin là cơ quan trực tiếp quản lý, chỉ đạo các lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh và cấp giấy phép tổ chức lễ hội theo phân cấp của Bộ Văn hoá Thông tin.
Về thủ tục mở hội, Quy định chỉ rõ: đối với Hội làng (phạm vi ảnh hưởng trong làng xã) được mở không quá 1 ngày. Trước đó 30 ngày, UBND xã và MTTQ xã lập tờ trình và kế hoạch gửi lên Phòng văn hoá huyện, thị xã nêu rõ ý nghĩa, nội dung, hình thức, chương trình, thời gian quy mô của lễ hội. Phòng Văn hoá huyện, thị xem xét nếu thấy đủ điều kiện thì trình UBND huyện, thị cấp giấy phép và báo cáo bằng văn bản về Sở Văn hoá Thông tin. Hội làng sẽ do UBND xã cùng với MTTQ chỉ đạo, hướng dẫn và người chủ trì lễ hội (người đứng ra xin phép mở hội) phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động diễn ra trong lễ hội.
Đối với Hội vùng (phạm vi ảnh hưởng nhiều làng, xã, huyện trong tỉnh) được mở không quá 2 ngày. Trước đó 40 ngày, Phòng Văn hoá thể thao huyện, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn nơi mở hội phải lập tờ trình theo kế hoạch mở hội (có ý kiến của UBND huyện, thị) nêu rõ ý nghĩa, nội dung, hình thức, chương trình, thời gian, quy mô của lễ hội và báo cáo lên Sở Văn hoá Thông tin xét cấp giấy phép cho mở hội. Ban tổ chức lễ hội do UBND huyện, thị xã quyết định thành lập bao gồm: lãnh đạo Phòng văn hoá thể thao huyện, thị xã, một số ban ngành đoàn thể và các tổ chức xã hội có liên quan. Ban tổ chức lễ hội phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của lễ hội trước pháp luật.
Đối với lễ hội do cấp tỉnh tổ chức được mở không quá 3 ngày. Lễ hội này do UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo và Sở Văn hoá Thông tin chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức lễ hội
Sau lễ hội, Ban tổ chức lễ hội phải đánh giá, rút kinh nghiệm và báo cáo bằng văn bản về UBND huyện, thị (đối với Hội làng) và Sở Văn hoá Thông tin báo cáo bằng văn bản về UBND tỉnh (đối với Hội vùng).
Các địa phương mở hội chỉ được quảng cáo, nhắn tin trên các phương tiện thông tin đại chúng khi đã có giấy phép mở hội. Không bán vé vào cửa trong các ngày lễ hội, không gây phiền hà cho khách đến lễ hội. Nghiêm cấm việc khoán thu tiền ở các chùa, đền, đình, hang động... ở những nơi có hội. Nghiêm cấm mọi hình thức thương mại hoá lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi, hành nghề mê tín dị đoan và những hành động gây rối trật tự trị an, hỗn loạn thị trường và làm mất vệ sinh công cộng. Không sử dụng xe ô tô của cơ quan để đưa cán bộ, viên chức và gia đình đi lễ hội, trừ những trường hợp đi làm nhiệm vụ.
Việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang và lễ hội là một quá trình vận động, giáo dục, thuyết phục và đấu tranh tích cực, kiên trì. Do đó trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở cần phải thực hiện tốt những quy định đã nêu trên.
Vì vậy, ngay sau khi UBND ban hành Quyết định số 498/1998/QĐ – UB ngày 15/05/1998, UBND các huyện, thị xã, thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã nhanh chóng phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nội dung bản Quy định đến tận cơ sở. UBND các huyện, thị xã cũng đã thành lập BCĐ nếp sống văn hoá do đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện, thị xã làm trưởng ban để triển khai thực hiện tốt Quy định này.
Để cụ thể hoá những quy định nêu trên, UBND tỉnh Ninh Bình đã ra bản Kế hoạch số 22/KH – UB ngày 11/07/1998 để triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Bản Kế hoạch đã xác định rõ mục đích, yêu cầu thực hiện kế hoạch và những nội dung, biện pháp triển khai, thực hiện.
Sở Văn hoá Thông tin là cơ quan thường trực BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh đã triển khai và chỉ đạo các Phòng Văn hoá thể thao – thông tin các huyện, thành phố, thị xã tuyên truyền sâu rộng các Chỉ thị, Kế hoạch và các quy định nêu trên tới các địa phương trong toàn tỉnh. Mặt khác,
Sở Văn hoá Thông tin cũng chủ động phối kết hợp với các cơ quan thông tấn báo chí của tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, trong đó nhấn mạnh nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hoá Thông tin, các Phòng Văn hóa thông tin - thể thao các huyện, thị đã chỉ đạo khối cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Trong đó đặc biệt chú ý đến hệ thống truyền thanh 3 cấp và các buổi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ. Việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã được đưa vào hương ước, quy ước để mọi nhà, mọi người thực hiện.
Để đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, ngày 09/09/2002, UBND tỉnh tiếp tục ra Hướng dẫn số 55/HD – UB về quản lý Nhà nước và định hướng nội dung quy ước, hương ước thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh, trong đó hướng dẫn đưa vào quy ước nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội.
Nhằm thực hiện tốt Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội (ban hành kèm theo Quyết định số 308/2005/QĐ – TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ); Công văn số 4971/BVHTT – VHTTCS ngày 06/12/2005; Công văn số 3083/BVHTT – VHTTCS ngày 28/12/2005 của Bộ Văn hoá về việc triển khai và đẩy mạnh thực hiện quy chế “thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” của Thủ tướng Chính phủ, Sở Văn hoá Thông tin tỉnh đã có Công văn số 515/CV- VHTT ngày 19/12/2005 về việc triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong việc cưới, việc tang và lễ hội để triển khai, hướng dân thực hiện các văn bản nói trên tới Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện và đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức nghiêm túc thực hiện Quyết định 308/2005/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngành Văn hoá đã tham mưu cho chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân chấp hành tốt và phê phán những cán bộ công chức, viên chức vi phạm; tiếp tục xây dựng và giới thiệu các mô hình tổ
chức việc cưới, việc tang và lễ hội văn minh, tiết kiệm để mọi người cùng học tập và thực hiện.
UBND tỉnh cũng đã kịp thời ra Chỉ thị số 138 – CT/UB ngày 23/08/2006 về việc triển khai và đẩy mạnh thực hiện Quy chế “thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” của Thủ tướng Chính phủ. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng ban hành Quy định số 338 – QĐ/TU ngày 12/12/2006 về tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức khi từ trần và Thông báo kết luận số 388 – TB/TU ngày 29/03/2007 về việc thực hiện Quyết định số 308 – QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban chấp hành tỉnh Ninh Bình, cũng nhiệt tình hưởng ứng cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Nghị quyết Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Bình lần thứ XI, nhiệm kỳ 2007 – 2012; Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Ninh Bình triển khai cuộc vận động “cưới văn minh, tiết kiệm” trong Đoàn thanh niên. Bản Kế hoạch số 01 KH/ĐTN ngày 05/11/2007 nhằm vận động các đoàn viên, thanh niên và gia đình thực hiện cưới văn minh, tiết kiệm với tiêu chí 5 không: Không vi phạm luật hôn nhân gia đình, không tảo hôn, cưỡng ép hôn nhân, cản trở hôn nhân và thách cưới; Không tổ chức ăn uống đình đám; Không lãng phí trong mua sắm, chuẩn bị việc cưới; Không sử dụng thuốc lá để tiếp khách, không uống say; Không vi phạm hương ước, quy ước của khu dân cư, không vi phạm các quy định về an toàn giao thông.
Để triển khai cuộc vận động này có hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã