Công tác tuyên truyền vận động

Một phần của tài liệu Đảng bộ tỉnh ninh bình lãnh đạo xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở 1998 2007 (Trang 54 - 60)

Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tỉnh Ninh Bình đã rất chú trọng công tác này. Theo đó, trước hết phải làm cho người dân hiểu được về lợi ích của họ khi xây dựng đời sống văn hoá cơ sở và làm thế nào để xây dựng nó. Tỉnh uỷ đã chỉ đạo UBND, Ban Tuyên giáo, Sở Văn hoá Thông tin (nay là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch), và nhiều ban ngành chức năng các cấp thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền vận động. Đây là bước đệm hết sức thuận lợi để việc triển khai xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh được thực hiện một cách có hiệu quả.

Trước khi NQTƯ 5 (khóa VIII) được ban hành và đi vào đời sống, thực hiện Chỉ thị 27/ CT- TW ngày 28/3/1998 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Ninh Bình đã ra Chỉ thị 14/CT – TV ngày 4/4/1998 và UBND tỉnh ra Quyết định số 498/QĐ – UB ngày 15/5/1998 về việc thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng gia đình văn hoá, làng xã văn hoá. Chỉ thị 14/ CT – TV của Ban thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu tất cả các Ban ngành, tổ chức, và địa phương, cơ sở trong tỉnh thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị 27/ CT – TW

của Bộ chính trị. Đây là chỉ thị có ý nghĩa rất lớn đối với việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở ở Ninh Bình.

Thực hiện Chỉ thị của Trung ương và của Tỉnh uỷ, Thường vụ Huyện uỷ các huyện, thị đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện, thường là do đồng chí Phó Bí thư Huyện uỷ làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo ở các xã, thị trấn cũng đồng thời được thành lập do đồng chí Bí thư Đảng uỷ làm Trưởng ban. Nhiều lớp học tập, quán triệt nội dung chỉ thị của Trung ương và của Tỉnh uỷ đã được tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, thống nhất biện pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục quần chúng cũng được đặc biệt chú trọng. Thường vụ Huyện uỷ các huyện đã chỉ đạo cho Phòng văn - thể tham mưu với UBND các huyện, thị soạn thảo những tài liệu quan trọng như: hướng dẫn việc cưới, hướng dẫn việc tang, hướng dẫn lễ hội theo nếp sống mới, tiêu chuẩn gia đình văn hoá, làng xã văn hoá trên cơ sở cụ thể hoá tài liệu của Trung ương và của tỉnh. Trên cơ sở đó, BCH Đảng bộ các xã, phuờng, thị trấn có kế hoạch chi tiết thực hiện chỉ thị của Trung ương, của tỉnh và của huyện. Tất cả các xã trên địa bàn toàn tỉnh đều xây dựng đuợc quy chế về tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng gia đình văn hoá, làng xã văn hoá, xây dựng các thiết chế văn hoá nhằm nâng cao đời sống văn hoá của nhân dân ở từng địa phương, cơ sở. Đài truyền hình và truyền thanh 3 cấp đã phát hàng nghìn tin bài về những nội dung này. Đặc biệt là ở cấp cơ sở, các đoàn thể nhân dân cùng với chính quyền thôn, xóm đã mở nhiều hội nghị phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và của huyện tới Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội phụ nữ, xã viên hợp tác xã, các bậc ông bà, cha mẹ về sự cần thiết và lợi ích của việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đảng uỷ các xã đã chỉ đạo các Ban chi uỷ, Ban Mặt trận và Ban chấp hành Đoàn thanh niên tổ chức một số đám cưới, đám tang theo mô hình mới, văn minh và tiết kiệm. Sau đó phổ biến rộng rãi trong quần chúng nhân dân.

Từ khi NQTƯ 5 (khoá VIII) và sau đó là Kết luận của Hội nghị Trung ương 10 (khoá IX) được ban hành, việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở ở Ninh Bình thực sự có bước chuyển mới. Tỉnh uỷ nhận thức rõ đây là những văn kiện hết sức

quan trọng, nếu được tổ chức và triển khai thực hiện tốt sẽ tạo nền tảng xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Từ nhận thức đó, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức quán triệt nội dung Nghị quyết và Kết luận của Trung ương đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhằm xây dựng đời sống văn hoá cơ sở có kết quả.

Thể hiện vai trò tiên phong của mình, Tỉnh uỷ đã trực tiếp đề ra Chương trình hành động, nêu rõ ý nghĩa, các giải pháp để đạt được những chuyển biến mới trong công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Thông qua Chương trình hành động, Tỉnh uỷ giao nhiệm vụ thực hiện UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh, Ban Tuyên giáo tỉnh, Sở Văn hoá Thông tin tỉnh, các cấp uỷ Đảng từ tỉnh đến cơ sở và các cơ quan thông tin đại chúng.

Trong Chương trình hành động số 07- CTr/TU, ngày 23/9/1998, Tỉnh uỷ đã nhấn mạnh công tác tuyên truyền, vận động phải đảm bảo được việc tổ chức quán triệt sâu rộng NQTƯ 5 (khóa VIII) từ tỉnh đến cơ sở. Tỉnh uỷ đã khẳng định phải “bằng nhiều hình thức phong phú tuyên truyền giáo dục làm chuyển biến nhận thức trong xã hội, trước hết là trong các cấp uỷ Đảng, cán bộ, đảng viên, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan văn hoá, văn nghệ, báo chí, đài phát thanh truyền hình, các đoàn thể về tầm quan trọng, sự cần thiết cấp bách và trách nhiệm trong việc xây dựng đời sống văn hoá, đạo đức lối sống theo tinh thần của NQTƯ 5” [107, tr. 7].

Cần phải tạo được sự chuyển biến và nâng cao nhận thức đối với cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân, trước hết là đội ngũ lãnh đạo các cấp về vị trí, vai trò của văn hoá, thống nhất trong việc đánh giá thực trạng chỗ mạnh chỗ yếu, nguyên nhân khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan về tình hình tư tưởng, đạo đức lối sống và đời sống văn hoá của toàn tỉnh, của từng cấp, từng ngành, từng cơ sở để từ đó có chương trình hành động phù hợp, ngăn chặn tình trạng xuống cấp về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...

Các hoạt động tuyên truyền phải gắn với quản lý xã hội bằng pháp luật, với các phong trào hành động của quần chúng, với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội,

vừa chú ý phát huy sức mạnh dư luận xã hội vừa chú ý lợi ích thiết thực thiết thân của mỗi gia đình. Phải tích cực động viên các tầng lớp nhân dân tham gia một cách mạnh mẽ, rộng rãi, thường xuyên đối với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở trở thành nhiệm vụ của tất cả các cơ quan ban ngành các cấp và toàn thể nhân dân trong tỉnh. Chính điều này đã tạo ra một xung lực tổng hợp cho công cuộc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở của tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn mới.

Thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy, các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh đã nghiêm túc chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tổ chức quán triệt NQTƯ 5 (khóa VIII) và xây dựng Chương trình hành động của mỗi cấp, ngành. Ngay sau khi Ban thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt NQTƯ 5 (khóa VIII) cho cán bộ chủ chốt trong tỉnh (9/1998), đến tháng 11/1998, 100% các cấp uỷ Đảng hoàn thành việc tổ chức quán triệt NQTƯ 5 đến cán bộ và đảng viên. Tất cả cán bộ, đảng viên đều tham gia nghiên cứu học tập nghị quyết với thái độ nghiêm túc, đạt 91%[145, tr. 2].

Sau khi Ban thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất Chương trình hành động và đưa về các huyện, thị xã để căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương mình tổ chức triển khai Chương trình hành động. Kết quả là tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh đều đã cụ thể hoá Chương trình hành động của Tỉnh uỷ về xây dựng đời sống văn hoá cơ sở và đưa xuống triển khai sâu rộng ở các cơ sở.

Đặc biệt, ngay sau khi NQTƯ 5 (khoá VIII) được công bố, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Văn hoá Thông tin, Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Ninh Bình đã triển khai rộng rãi công tác tuyên truyền Nghị quyết trên địa bàn toàn tỉnh. Mục tiêu tuyên truyền trước hết là để mọi người hiểu được “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Qua đó nhằm phổ biến và từng bước nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân, nhất là nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, Sở Văn hoá Thông tin Ninh Bình cũng chủ động phối kết hợp với các cơ quan, ban ngành trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động văn hoá thông tin, văn

hoá nghệ thuật theo định kỳ với nhiều chủ đề để góp phần quan trọng đưa NQTƯ 5 đi vào cuộc sống của nhân dân.

Cùng với việc triển khai học tập Nghị quyết, những chủ trương, giải pháp cơ bản của Trung ương và Tỉnh uỷ cũng được triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Các cơ quan báo chí của tỉnh (Báo Ninh Nình, Báo điện tử), Đài phát thanh truyền hình tỉnh, hệ thống truyền thanh 3 cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên hoạt động tích cực. Hoạt động tuyên truyền trực quan trong tỉnh đã góp phần đưa nội dung Nghị quyết của Trung ương và nội dung Chương trình hành động của Tỉnh uỷ đến nhân dân trong tỉnh. Nhiều cán bộ, đảng viên đã phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu, trở thành những tuyên truyền viên tích cực. Qua khảo sát và thăm dò dư luận xã hội, qua thực tế xây dựng đời sống văn hoá cơ sở cho thấy nhận thức của nhân dân trong tỉnh về NQTƯ 5 và chương trình hành động của Tỉnh uỷ đã được nâng lên một bước. Đây là cơ sở để đưa những mục tiêu của việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở đi vào đời sống nhân dân.

Đối với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Ninh Bình, Ban Tuyên giáo đã chỉ đạo xuống cơ sở và phối kết hợp với ngành văn hoá thông tin tập trung đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú: tuyên truyền trực quan, tuyên truyền thông qua Hội nghị, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh 3 cấp và qua bản tin nội bộ... Phương pháp và hình thức tuyên truyền luôn được đổi mới phù hợp với từng loại đối tượng và tính chất hoạt động. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn sinh hoạt Đảng, chính quyền, đoàn thể, các hội thi, hội thao, hội diễn, các cuộc thi tìm hiểu, kể chuyện truyền thống, hoạt động giao lưu, sinh hoạt câu lạc bộ; Các cấp, các ngành và đoàn thể đã giúp cho đông đảo các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên, đảng viên trong tỉnh hiểu được ý nghĩa và sự cần thiết phải xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và xây dựng đời sống văn hoá cơ sở vững mạnh.

Sự phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động giữa Ban Tuyên giáo, Phòng Văn hoá Thông tin cấp huyện và các cấp, các ngành được duy trì thường xuyên và đảm bảo tính thống nhất. Trong quá trình thực hiện đều có sự phối kết hợp nhịp nhàng, từ phân công trách nhiệm, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc viết báo cáo định

kỳ đến giao ban, tuyên truyền. Trong đó Phòng Văn hoá Thông tin là cơ quan thường trực, chủ động tham mưu cho BCĐ soạn thảo ra các văn bản, xây dựng kế hoạch và phân công cán bộ phụ trách về cơ sở để kết hợp với các thành viên BCĐ phong trào xây dựng đời sống văn hoá bám sát cơ sở, chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc cơ sở tuyên truyền, vận động về vai trò rất lớn của gia đình văn hoá, làng bản, phố phường văn hoá, cơ quan, trường học văn hoá đối với đời sống của mỗi người và sự phát triển chung của xã hội.

Để đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội, ngày 30/10/2007 Sở Văn hoá Thông tin tỉnh đã ra Báo cáo số 641/BC – SVHTT, trong đó nhấn mạnh phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền như là một trong những giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của việc thực hiện nếp sống văn minh. Theo đó, Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo, UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí ở tỉnh, đài truyền thanh các huyện, thành phố, thị xã xây dựng những chuyên trang, chuyên mục về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Tỉnh uỷ cũng đã chỉ đạo UBND tỉnh phải đưa được thông tin pháp luật về được cơ sở, hướng nhân dân trong tỉnh sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, ngày 27/03/2007 UBND tỉnh đã ra Quyết định số 710/QĐ – UBND về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện đề án “đưa thông tin pháp luật đến cán bộ, nhân dân qua phương tiện thông tin đại chúng và các thiết chế văn hoá thông tin cơ sở ở xã, phường, thị trấn” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. UBND tỉnh đã cùng với Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật và Sở Văn hoá Thông tin xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai xuống các huyện và thành thị trong tỉnh; đồng thời Sở Văn hóa Thông tin chỉ đạo các phòng Văn hoá thể thao – tuyên truyền các huyện, thành, thị đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân trong tỉnh thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ – CP của Chính phủ về việc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy và đẩy mạnh tuyên truyền chiến dịch phòng chống HIV/AISD. Công tác tuyên truyền thời gian này được thực hiện với nhiều hình thức phong phú như việc kẻ vẽ các băng rôn, khẩu hiệu, phát tin, bài, tiếp âm các chương trình trên đài truyền thanh 3 cấp, tổ chức mít tinh, cổ động, diễu hành.

Riêng những vùng có đồng bào công giáo và đồng bào dân tộc (tập trung chủ yếu ở huyện Kim Sơn và huyện Nho Quan), Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cùng với các ban ngành chức năng khác đã có sự chú ý hơn tới công tác tuyên truyền, vận động đồng bào xây dựng đời sống văn hoá. Đội ngũ cán bộ văn hoá, thông tin cấp huyện và cấp cơ sở được đào tạo với trình độ chuyên môn đảm bảo về chất lượng và tăng cường về số lượng. Riêng huyện Kim Sơn đã có 72 cán bộ văn hoá thông tin cơ sở, trong đó có 19 người theo đạo Công giáo và huyện Nho Quan có 54 cán bộ văn hoá thông tin cơ sở, trong đó có 4 cán bộ là người Công giáo và 6 cán bộ là người dân tộc Mường [123, tr. 31-32]. Bên cạnh những cán bộ văn hoá thông tin cơ sở, những vùng đồng bào công giáo và đồng bào dân tộc còn xây dựng được một đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên hùng hậu (huyện Kim Sơn là 331 và Nho Quan là 239 người) [123 tr. 32]. Đây là lực lượng sẽ triển khai công tác tuyên truyền miệng, trực tiếp tuyên truyền, giải thích cho nhân dân biết được về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hiểu những lợi ích của đời sống văn hoá và làm cách nào để xây dựng được đời sống văn hoá.

Một phần của tài liệu Đảng bộ tỉnh ninh bình lãnh đạo xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở 1998 2007 (Trang 54 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)