và đề ra chủ trương, biện pháp công tác tôn giáo đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, kinh nghiệm ở Bình Phước cho thấy, trước hết cấp ủy cần phải tổ chức quán triệt, triển khai kịp thời chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng đến cán bộ chủ chốt các cấp để nắm bắt kịp thời tinh thần cốt lõi, mục tiêu nhiệm vụ đặt ra. Từ đó, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể hóa nghị quyết để triển khai thực hiện trong các cấp, các ngành, các địa phương. Tỉnh ủy Bình Phước đã tổ chức 47 hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (bao gồm cả hội nghị Ban chấp hành mở rộng) để quán triệt nghị quyết của Đảng có nội dung liên quan đến công tác tôn giáo, trong đó 17 hội nghị triển khai trực tiếp các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tôn giáo, để các ủy viên, cán bộ chủ chốt của tỉnh nắm được và thực hiện.
Vấn đề tôn giáo Bình Phước hết sức phong phú, đa dạng và phức tạp. Đảng bộ tỉnh Bình Phước nhận thức rõ những mặt tích cực, hạn chế của tôn giáo, nên xác định công tác tôn giáo là công tác chính trị đặc biệt, một nhiệm vụ chiến lược cần thực hiện. Đảng bộ đã cụ thể hóa nghị quyết của Đảng cho phù hợp thực tế, đề ra những chủ trương, giải pháp thiết thực, tích cực để lãnh đạo, thực hiện công tác tôn giáo trong từng giai đoạn lịch sử.
Trong giai đoạn 2001 – 2005, thực hiện chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước về tôn giáo, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo thực hiện:
chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo; thực hiện công tác tôn giáo gắn liền với phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, đề ra 4 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện chủ trương của Đảng bộ về công tác tôn giáo, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vấn đề tôn giáo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về thực hiện chính sách tôn giáo; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo.
Từ năm 2006 đến năm 2010, trước những diễn biến của tình hình thế giới, khu vực có nhiều thay đổi, phức tạp, khó lường (mâu thuẫn sắc tộc, xung đột tôn giáo, xung đột vũ trang, khủng bố, …) và những thành quả sau 20 năm đổi mới mà Việt Nam đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã nhạy bén trước thời cuộc, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và đề ra chủ trương mới đối với công tác tôn giáo, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong thực hiện công tác tôn giáo; xây dựng lực lượng nòng cốt, cốt cán trong vùng đồng bào dân tộc – tôn giáo; tăng cường công tác tôn giáo gắn với chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Kinh nghiệm công tác tôn giáo ở Bình Phước cho thấy, để đạt được kết quả nêu trên, là do cấp ủy, chính quyền đã có nhận thức đúng đắn về vấn đề tôn giáo, đánh giá đúng vai trò tầm quan trọng của công tác tôn giáo đối với sự ổn định và phát triển của tỉnh. Vì vậy, trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị luôn quan tâm đến việc thực hiện chính sách tôn giáo, chính sách đại đoàn kết dân tộc, coi đó là một nhiệm vụ chiến lược phải thực hiện. Đây là cách nhìn nhận đúng đắn, khách quan, khoa học, cần được tiếp tục phát huy, vì trên thực tế còn không ít cán bộ, đảng viên, cơ quan nhà nước xem việc thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo chỉ là những chính sách an sinh xã hội, nên ít chú trọng quan tâm.
Những chủ trương đúng đắn của Đảng bộ đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống, vừa giải quyết tốt các nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, vừa tạo ra những động lực mới, phát huy quyền làm chủ của người dân, vận động khuyến khích đồng bào thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước và sống "tốt đời, đẹp đạo". Thực tế đã chứng minh, nhân dân Bình Phước sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo diễn ra bình thường, các nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo chính đáng, đã được chính quyền giải quyết kịp thời, nên mặc dù các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, để kích động, chống phá, nhưng Bình Phước đã không xảy ra “điểm nóng” về tôn giáo như một số địa phương khác. Đây là một thắng lợi lớn của công tác tôn giáo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Phước.
3.2.2 Phải kết hợp chặt chẽ giữa công tác tôn giáo với thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội.
Kinh nghiệm ở Bình Phước cho thấy, để làm tốt công tác tôn giáo, cần phải kết hợp chặt chẽ giữa công tác tôn giáo với thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc, đồng bào có đạo. Để rút ngắn khoảng cách chệnh lệch về trình độ phát triển, về thu nhập giữa nông thôn, miền núi với thành thị, giữa các dân tộc, ngay sau khi mới tái lập tỉnh, năm
1998 Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã ban hành Nghị quyết chuyên đề “Về phát triển kinh tế - xã hội vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước”, để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, trường học, chợ và đầu tư vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất.
Từ năm 2001 – 2010, Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện 5 chương trình đột phá: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả nền kinh tế, thúc đẩy nhanh phát triển công nghiệp; Giải quyết di dân tự do, ổn định dân cư gắn với bảo vệ rừng, phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi đại gia súc; Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và xuất khẩu; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực. Trong quá trình triển khai 5 chương trình đột phá, Đảng bộ tỉnh Bình Phước đặc biệt chú trọng đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, vốn để thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở vùng sâu, biên giới, vùng đồng bào DTTS, đồng bào có đạo. UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Chương trình số 32/CT-UB ngày 17/9/2002 về thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 2001 – 2005 và Quyết định 04/QĐ-UBND ngày 11/1/2006 về phê duyệt Đề án chương trình xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010.
Đảng bộ cũng đã quan tâm đến việc phát triển văn hóa, giáo dục, y tế trong vùng đồng bào dân tộc, vùng có nhiều người theo đạo. Từ năm 2001 – 2010 đã cho xây dựng 01 Trường THPT Dân tộc Nội trú của tỉnh; 5 Trường THCS Dân tộc nội trú ở 5 huyện, thị (Lộc Ninh, Đồng Phú, Bù Đăng, Phước Long, Bình Long); xây dựng chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông từ tỉnh đến cơ sở, toàn tỉnh đã phủ sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Bình Phước, 10/10 huyện, thị có đài truyền thanh và 111 xã, phường, thị trấn có trạm truyền thanh, để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước đến người dân kịp thời.
Về phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được chú trọng đẩy mạnh. Trong 10 năm, cấp ủy, chính quyền đã đầu tư xây dựng kiện toàn hệ thống mạng lưới y tế từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn, xây dựng 01 Bệnh viện đa khoa tỉnh, 5 Bệnh viện và 01 trung tâm y tế cấp huyện, thị và 100% các trạm xá đều có bác sĩ. Bình Phước đã thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. Số giường bệnh năm 2010 đạt 20/vạn dân, tăng 6,69 giường so với năm 2005 (13,31 giường/vạn dân) và 5 bác sĩ/vạn dân.
Nhờ thực hiện tốt chủ trương gắn công tác tôn giáo với phát triển kinh tế - xã hội, đã làm cho đời sống của nhân dân ngày càng nâng cao, đồng bào các tôn giáo nhận thức sâu sắc sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đối với bà con có đạo, càng thêm phấn khởi, tin tưởng chấp hành và ủng hộ các chính sách, chương trình, dự án của chính quyền triển khai ở địa phương.
3.2.3 Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện công tác tôn giáo
Kết quả công tác tôn giáo ở Bình Phước từ 2001- 2010 cho thấy, muốn làm tốt công tác tôn giáo, điều quan trọng là phải có nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng chiến lược của công tác tôn giáo đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, xã hội. Từ đó, Tỉnh ủy sớm xác định công tác tôn giáo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị phải thực hiện và phải phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra đối với công tác tôn giáo. Trong đó, cần phải thực hiện tốt một số nội dung sau:
Về công tác tuyên truyền: cần đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chương trình của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo hướng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, gắn nội dung chính trị, pháp lý với các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, dân tộc, tôn giáo, làm cho công tác tuyên truyền của Mặt trận
Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có sự thuyết phục cao, lan tỏa rộng, động viên, khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân, ra sức thi đua biến các mục tiêu của Nghị quyết thành hành động cách mạng của toàn dân, tạo sự đồng thuận cả về nhận thức và hành động trong xã hội.
Về quản lý nhà nước và công tác đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo:
các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, giải quyết kịp thời các nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng, hợp pháp của nhân dân, đồng thời đấu tranh xử lý kịp thời những vấn đề tôn giáo phát sinh, nhất là những vấn đề tôn giáo nổi cộm. Muốn vậy, cần làm tốt công tác nắm bắt tình hình, phát hiện và xử lý ngay từ khi có phát sinh. Trong xử lý các vấn đề tôn giáo cần coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, bởi vì qua thực tế tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 25 – NQ/TW (khóa IX) về công tác tôn giáo ở Bình Phước, phần lớn những kết quả đạt được trong giải quyết tranh chấp khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo liên quan đến cơ sở thờ tự, đất đai tôn giáo,… đều có sự đóng góp rất lớn của công tác vận động quần chúng.
Từ kết quả công tác tôn giáo của Bình Phước cho thấy, muốn triệt tiêu xu hướng lợi dụng tôn giáo, cần phải giúp các giáo hội giữ gìn phẩm hạnh của đội ngũ chức sắc trên cơ sở thực hiện nghiêm minh giáo luật của tôn giáo. Mặt khác, muốn xóa bỏ xu hướng lợi dụng tôn giáo để hoạt động chính trị phản động, phải tăng cường tuyên truyền, vận động, quản lý chức sắc tôn giáo từ cơ sở trở lên; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm với các phần tử phản động lợi dụng tôn giáo. Tranh thủ và thông qua tổ chức giáo hội, để tác động, vận động các chức sắc, nhà tu hành có tư tưởng lệch lạc, đi nhầm đường, lạc lối sửa chữa để hòa nhập cuộc sống. Những kết quả công tác tôn giáo ở Bình Phước đạt được có nhiều nguyên nhân, song bài học có tính nguyên tắc mà Đảng bộ thực hiện khi giải quyết vấn đề tôn giáo, là coi trọng công tác giáo dục tuyên truyền, không can thiệp vào công việc nội bộ tôn giáo, trong đấu tranh dùng tôn giáo để giải quyết vấn đề tôn giáo; xử dụng lực lượng, sức
mạnh của quần chúng là chủ yếu; phương châm giải quyết các vấn đề tôn giáo phức tạp là “Dễ trước – khó sau”, chọn vấn đề dễ làm trước, khó làm sau; biến vụ việc to thành nhỏ, từ nhỏ thành không có gì để xử lý, giải quyết.
Qua công tác lãnh đạo, xử lý những vấn đề tôn giáo nổi cộm ở Bình Phước cho thấy, cần phải nắm vững các yếu tố sau: Thứ nhất, chủ động phát hiện kịp thời âm mưu và hành động của họ, từ đó triển khai các phương án, biện pháp thích hợp; Thứ hai, nhận thức đúng đắn bản chất của vấn đề, xác định rõ nguyên nhân, nguồn gốc, để tìm cách giải quyết mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh; Thứ ba , thu hẹp phạm vi ảnh hưởng để giải quyết (không để lây lan nơi khác); Thứ tư, kiên trì gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người đứng đầu để tuyên truyền, vận động thuyết phục hoặc cô lập họ, tách khỏi giáo hội và tín đồ; Thứ năm, tranh thủ tiếng nói của tổ chức giáo hội, các tín đồ tiêu biểu, để đấu tranh với các chức sắc, nhà tu hành có hành vi lợi dụng tôn giáo làm những điều trái với đạo, với đời, vi phạm pháp luật.
Về cơ chế phối hợp: cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong giải quyết vấn đề tôn giáo. Nhất là ở ba mảng công tác tuyên truyền; quản lý nhà nước và đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo. Đồng thời, cần xác định rõ, quy định cụ thể chức năng của các cơ quan, đơn vị trong công tác tôn giáo, vì thực tế cho thấy vừa có tình trạng chồng chéo, lấn sân giữa các bộ phận của hệ thống chính trị, vừa có tình trạng có một số mặt còn bỏ trống do không phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, dẫn đến hoạt động hiệu quả còn thấp, thậm chí hạn chế tác dụng của nhau. Kinh nghiệm ở Bình Phước cho thấy, cần phải sớm xác lập cơ chế phối hợp công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở các cấp của địa phương theo đúng nguyên tắc: “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt trong các phong trào”, vì một thời gian các cơ quan Đảng làm thay chính quyền về quản lý tôn giáo, mọi vấn đề xử lý thuộc thẩm quyền của Nhà nước, nhưng đều xin ý kiến của Ban chỉ đạo công tác tôn giáo.
Việc cụ thể hóa nguyên tắc trên đây cần có quy định chung: Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo công tác chính trị tôn giáo, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Tôn
giáo thực thi chức năng quản lý hành chính nhà nước về hoạt động tôn giáo theo quy định của luật pháp. Mặt trận, đoàn thể tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, các tín đồ quần chúng thuộc đối tượng của mình (theo lứa tuổi hoặc theo giới tính), công an nhân dân trực tiếp chống lợi dụng tôn giáo.
3.2.4 Phải thường xuyên tăng cường củng cố tổ chức, đội ngũ cán bộ