Ngay trong quá trình lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu vấn đề tự do tín ngưỡng của nhân dân và chủ trương đoàn kết toàn dân, kể cả đồng bào tôn giáo trong Mặt trận dân tộc thống nhất để đấu tranh giành quyền độc lập.
Từ khi giành được chính quyền (1945), nhất là sau khi thống nhất đất nước (1975), Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định một nguyên tắc bất di bất dịch là đoàn kết, bình đẳng và tự do tín ngưỡng tôn giáo, bảo vệ các cơ sở thờ tự, nơi đất thiêng của các tôn giáo; đồng thời chống lại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo. Nguyên tắc đó đã được thể hiện ngày càng đầy đủ, cụ thể trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước và được thực hiện nhất quán trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm đến công tác tôn giáo. Đại hội VI của Đảng (1986) nêu lên cách
tiếp cận mới về công tác tôn giáo là: “Trong việc phát huy yếu tố con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của mọi hoạt động, cần có kế hoạch chủ động xây dựng cơ cấu giai cấp cho xã hội mới, cụ thể hoá và thực hiện đúng chính sách dân tộc và chính sách tự do tín ngưỡng” [27, tr.50]. Điều đó khẳng định quan điểm của Đảng về tầm quan trọng của công tác tôn giáo trong tình hình mới.
Tiếp đó, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 24 – NQ/TW (16/10/1990) về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới, Nghị quyết xác định “tôn giáo là một vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”[8]. Nội dung đó không chỉ đánh dấu sự đổi mới về nhận thức luận tôn giáo mà còn thể hiện rõ quan điểm của Đảng về công tác tôn giáo. Nghị quyết 24 khẳng định: “Làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị phối hợp chặt chẽ với nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng”[8]. Do tính đặc thù, nên theo quan điểm của Đảng, trọng tâm công tác tôn giáo là “vận động tín đồ, chức sắc, nhà tu hành tôn giáo” để họ sống “tốt đời, đẹp đạo” có những đóng góp tích cực đối với đất nước, đối với đạo pháp. Như vậy, Đảng luôn coi công tác tôn giáo là công tác chính trị đặc biệt, là một bộ phận của đường lối chính trị của Đảng, thực hiện bằng cả hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp lãnh đạo.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 24 – NQ/TW (1990), công tác tôn giáo tuy đạt được nhiều thành tựu nổi bật, song cũng còn nhiều hạn chế. Để tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách tôn giáo theo hướng thế tục hóa, Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết 25 – NQ/TW (12/3/2003) về công tác tôn giáo.
Nghị quyết 25 đã bổ sung nhiều nội dung cụ thể hơn, như coi tín ngưỡng tôn giáo không chỉ là vấn đề còn tồn tại lâu dài mà còn được xác định là “đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Điều này thể hiện sự đổi mới quan trọng trong tư duy của Đảng về
tôn giáo. Trước đây quan điểm của những người cộng sản trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của tư tưởng tả khuynh cho rằng khi xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, tôn giáo sẽ tiêu vong, thì đến đây Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định tôn giáo đồng hành với chủ nghĩa xã hội.
Đảng và Nhà nước Việt Nam rất coi trọng yếu tố đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong hoàn cảnh lịch sử mới. Nghị quyết 25 nhấn mạnh: “Hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo phải nhằm tăng cường khối đại đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc…Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo”[30].
Nghị quyết 25 cũng quy định rõ hơn về vấn đề truyền đạo, xác định “việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không được ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo và các cách thức truyền đạo trái phép, vi phạm các quy định của hiến pháp và pháp luật”[30]. Qua đây thể hiện chủ trương, chính sách tôn giáo nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là hoạt động tôn giáo được pháp luật bảo đảm, nhưng phải đúng quy định pháp luật.
Về nhiệm vụ công tác tôn giáo, Nghị quyết 25 đề ra các yêu cầu nhằm tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động bình thường theo đúng chính sách và pháp luật Nhà nước, như: tạo điều kiện để các cơ sở tôn giáo tổ chức giảng đạo, tổ chức lễ nghi, cầu nguyện; các hoạt động tri ân cầu siêu – tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; tham gia mở trường mầm non; xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư… Điều đó, không chỉ thể hiện sự quan tâm của chính quyền đối với tôn giáo, mà qua đó còn động viên, khích lệ chức sắc, tín đồ tôn giáo tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nếp sống “tốt đời, đẹp đạo” ở các địa phương.
Những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về công tác tôn giáo nói trên là định hướng chiến lược cho các cấp ủy
Đảng, chính quyền ở các địa phương trong cả nước, trong đó có Bình Phước phấn đấu thực hiện.