B. NỘI DUNG
3.2.3. Tập vịnh Kiều của Chu Mạnh Trinh
3.2.3.1. Quan niệm của Chu Mạnh Trinh về tài – mệnh
Truyện Kiều ra đời là sản phẩm của nền văn hóa đô thị trong đó chủ đề trung
tâm là tình và khổ. Mà ở đó như Phan Ngọc nhận xét Nguyễn Du đã chuyển sang chủ đề tài – mệnh :
Trăm năm trong cõi người ta Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Về mặt này Nguyễn Du đã nâng tác phẩm của mình thành luận đề triết học. Tư tưởng định mệnh vốn là phạm trù trung tâm của Nho giáo nó có nguồn gốc sâu xa từ lịch sử xã hội. Lịch sử bế tắc đồng nghĩa với việc con người bấn loạn, càng bế tắc thì người ta chỉ có thể tìm đến một thứ bùa mê là định mệnh, nó như liều thuốc “dỗ nín” tinh thần. Định mệnh tuy bắt nguồn từ thực tế lịch sử mang tính duy vật nhưng khi hiện thực hóa lại rơi vào duy tâm siêu hình. Gần một trăm năm sau
Truyện Kiều tư tưởng định mệnh vẫn xuất hiện ở nhiều nho sĩ, nhiều giai đoạn
nhưng với sắc thái đậm nhạt khác nhau. Người cùng thời và cận thời với Nguyễn Du cũng đã nêu quan điểm chia sẻ về tài – mệnh. Nguyễn Quý Thích (1759?–1825)
trong bài Tổng vịnh Truyện Kiều có viết:
Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan Phong ba chưa trắng nợ hồng nhan Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng Gót ngọc khôn đành giấc thủy quan Nửa gối đoạn trường tan giấc điệp Một dây bạc mệnh dứt cầm loan Cho hay những kẻ tài tình lắm Trời bắt làm gương để thế gian (Phạm Quý Thích tự dịch)
Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân Nguyễn Đăng Tuyển (1795? – 1880?) thì viết: “Thúy Kiều khóc Đạm Tiên Tố Như tử làm truyện Thúy Kiều, việc
tuy khác nhau mà lòng là một; người đời sau thương người đời nay, nguời đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thật là một cái thông lụy khắp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy”. Sang đến thế kỉ hiện đại các nhà nghiên cứu lại nhìn nhận
khác về câu chuyện tài–mệnh. Trần Đình Sử chỉ ra đóng góp quan trọng của Truyện Kiều ở thân–mệnh tương đố bởi thân bao trùm rộng cả: tài, sắc, tình đều thuộc phạm
trù một cá thể. Phan Ngọc chỉ ra vấn đề tài–mệnh của Nguyễn Du mang màu sắc thời đại. Trần Đình Hượu lại nhìn theo hướng nhà nho tài tử. Nhưng phần lớn các nhà nho trong thế kỉ XIX đều ít nhiều chịu tác động của cái gọi là tài-mệnh. Riêng Chu Mạnh Trinh ông liên tục phát biểu về sự đối kháng tài-mệnh ở nhiều câu thơ, ông coi mệnh là căn tố chi phối mọi cảm quan trong việc đánh giá Kiều:
Cuốn ngỏ rèm xuân trải mấy sương Sắc tài chi lắm để làm gương Hay:
Trời sá ghen đâu khách má hồng Đoạn trường nợ lắm phải đền xong Hoặc:
Khi biến khi thường đàn bạc mệnh
Các từ, cụm từ “sắc tài’, “trời”, “khách má hồng”, “đoạn trường”, “mệnh bạc”, “ghen”, đã nêu lên tính chất, đối tượng, số phận của tài–mệnh. Đi qua mấy thế kỉ từ khi Nho giáo xuất hiện ở Việt Nam và qua hàng loạt các số phận, cảnh ngộ của người hồng nhan. Có thể nói Chu Mạnh Trinh đã lĩnh hội được trọn vẹn quan niệm mà xưa nay giới danh sĩ vẫn thường hay đề cập: không phải chỉ riêng Kiều mệnh bạc mà thực tế những người phụ nữ tài sắc ở xã hội phương Đông đều rơi vào cảnh đa truân. Ngay cả những giai nhân được liệt vào hàng quốc sắc như Vương Chiêu Quân cũng không tránh khỏi gió bụi nơi đất khách, Dương Quý Phi phải nhận một cái chết đầy oan khuất, rồi Tây Thi sống hay chết người đời cũng chẳng hay… đến Đạm Tiên một phiên bản của Thúy Kiều khi sống lắm đoạn trường khi chết chết trong cô quạnh. Họ tuy cách trở về không gian, thời gian nhưng cùng ghi tên vào sổ đoạn trường. Như vậy một hiện thực được hiện diện là những người hồng nhan đều bị xã hội phong kiến chà nát, đày ải theo những cách khác nhau, cái tài, cái sắc bị xâm hại, trở thành công cụ cho mục đích chính trị hoặc nhằm thỏa mãn nhục dục
của đấng nam nhi, thậm chí bị hắt hủi, nguyền rủa và bị coi là nguy cơ trong việc thay đổi vận nước. Đó là tiền đề ra đời thuyết hồng nhan bạc mệnh. Trong toàn tập vịnh Kiều, Chu Mạnh Trinh liên tục đưa ra dẫn dụ về sự đày ải của mệnh như: “sầu chín khúc”, “phong trần”, “bể trầm luân”, “đoạn trường”. Mệnh luôn tương khắc với tài – sắc của người má đào tạo nên sự đố kị rồi nhấn chìm Kiều tới tận cùng của sự đau khổ. Trong quan niệm của Chu Mạnh Trinh thì sự đau khổ dày vò cả xác lẫn hồn không phải chỉ ở mười lăm năm lưu lạc mà dường như đó mới chỉ là sự bắt đầu của một đoạn trường mới. Đó là hệ lụy trong nỗi đau tinh thần mà Kiều phải đeo đẳng suốt quãng đời còn lại:
Mười lăm năm ấy người trong mộng Chẳng những từ đây mới đoạn trường
(Hồi thứ 19. Từ Hải ra hàng)
Sự đoàn tụ với Kiều có lẽ chỉ có được sự yên ổn về mặt thân xác hoặc yên thân theo nghĩa đen còn tinh thần thì nỗi đau đớn vẫn còn âm ỉ, dai dẳng chưa biết đến chừng nào. Như vậy số phận người hồng nhan mãi mãi không có hồi kết. Và Chu Mạnh Trinh đã vận thuyết đó vào chính mình. Ở những người tài tử, phẩm chất nổi bật của họ là thị tài, và có yêu cầu tài cần phải được đãi ngộ xứng đáng. Song hiện thực cuộc đời quan Án Chu lại đi ngược với mong muốn. Sau mười lăm năm làm quan triều đình trả ông về trở thành người lắm thị phi. Từ những trải nghiệm của cuộc đời Chu Mạnh Trinh tìm thấy mình trong bóng của Kiều. Nàng Kiều sau mười lăm năm lưu lạc cuộc sống bên ngoài đã nhào nặn tiểu thư họ Vương “tan nát” cả xác lẫn hồn. Như vậy rốt cuộc những danh sĩ, giai nhân đều hứng mũi chịu sào của cuộc hỗn chiến giữa tài và mệnh. Số phận họ bi đát không phải do ý thức chủ quan của bản thân mà do một lực lượng siêu nhiên bên ngoài chi phối, đó là mệnh:
Giống đa tình luống những sầu chung, giọt lệ Tầm Dương chan chứa Lòng cảm cựu ai xui thương mướn, nghe câu ngọc thụ não nùng Cho hay danh sĩ giai nhân cùng một kiếp nghiêm hoa nặng nợ Ngán nỗi non xanh đất đỏ, để riêng ai luân lạc đau lòng
Về điều này Chu Mạnh Trinh vừa chia sẻ với Nguyễn Du trong câu chuyện tài–mệnh vừa đưa vào đó những suy tư của riêng mình. Những năm làm quan Chu
Mạnh Trinh đã thấu hiểu bản chất xã hội mình đang sống nên ông mang tâm lí bất mãn thực tại, thoát li thực tại, ông đã tìm được sự liên quan giữa cuộc đời mình, cuộc đời Thúy Kiều ở sự ê chề. Tất cả quy về chế độ với cả một hệ thống bọn vô lại bát nháo nhưng trong suy luận của ông cũng như của Nguyễn Du những tác nhân trực tiếp đó chẳng qua là công cụ vô thức, bị động dưới sự chi phối của cái gọi là mệnh. Từ đây Chu Mạnh Trinh bắt nhịp ngay với sự đồng cảm gan ruột với Thúy Kiều:
Ta cũng nòi tình
Thương người đồng điệu
Đó là sự đồng điệu của những kẻ chịu ám ảnh của định mệnh bởi tạo vật ghét sự hoàn toàn. Là tiếng nói đồng vọng của những kẻ cùng cảnh ngộ nên bao giờ cũng thiết tha, sâu sắc. Những suy luận logic nhưng kết quả lại rơi vào siêu hình duy tâm. Từ đây có thể nói cụm từ “tài mệnh tương đố” trong Truyện Kiều không phải là câu nói lấy vì mà nó đã tác động tới nhất loạt giới danh sĩ.
Ở đây Chu Mạnh Trinh cũng giống như Nguyễn Du đều sử dụng tư tưởng mệnh như một triết luận để lí giải quan điểm của mình về tài, tình mà ở đó “tư tưởng định mệnh của Nguyễn Du có vẻ như bắt nguồn từ Nho giáo” [25, tr. 379]. Cả hai tác giả đều lí giải “mâu thuẫn giữa tài và mệnh là biểu hiện của tư tưởng định
mệnh Nho giáo” [25, tr. 397]. Nhưng trong Thanh Tâm Tài Nhân thi tập Chu Mạnh
Trinh đã làm “rỗng nghĩa” khái niệm “mệnh” của Nho giáo bằng việc chêm xen vào đó khái niệm Kiếp, Nghiệp – khái niệm thuần túy Phật giáo. Giai đoạn Nguyễn Du và Chu Mạnh Trinh sống là thời kì biến động của lịch sử khi mà giá trị đạo đức theo Khổng giáo đã bộc lộ những bất cập, lạc điệu. Đây là cơ hội để các tư tưởng Lão Trang, Phật giáo xâm lấn và mở rộng vùng ảnh hưởng. Và Chu Mạnh Trinh vẫn chưa thoát khỏi được ảnh hưởng tư tưởng của Nguyễn Du, ông dần rơi vào chính
hạn chế của Nguyễn Du khi giải quyết vấn đề Truyện Kiều. Rõ ràng lấy Nho giáo để
lí giải cái tài ẩn chứa nguyên nhân tai họa vì tài khó tránh khỏi đố kị “chữ tài liền với chữ tai một vần” rồi đi đến khẳng định “tài mệnh tương đố”, nhưng Chu Mạnh Trinh vẫn lên tiếng:
Quả kiếp còn đeo nợ má đào
Hay:
Mười nguyền rầy đã phỉ ba sinh
(Hồi thứ 20. Kim Kiều tái hợp)
Rõ ràng theo Chu Mạnh Trinh thì trong ý thức Kiều vẫn chịu ảnh hưởng bởi
cái gọi là Nghiệp mà kiếp trước để lại.
Ở đây cả Nguyễn Du và Chu Mạnh Trinh có sự lúng túng trong việc lí giải cái số phận đoạn trường của Kiều và lún sâu vào duy tâm siêu hình. Song trong lời cắt nghĩa lí giải về nguyên nhân sâu sa của bấy nhiêu khổ đau trong cuộc đời Kiều cũng như cái chết của Từ Hải thì Chu Mạnh Trinh cao hơn một mức so với nhiều người khác. Nếu như Phạm Quý Thích chỉ than thở:
Đoạn trường mộng lí căn duyên liễu Bạc mệnh cầm chung oán hận trường
(Trong giấc mộng đoạn trường hiểu rõ căn nguyên của cuộc đời nàng Tiếng đàn bạc mệnh tuy đã gẩy xong mà nỗi oán hận vẫn còn dai dẳng)
Mộng Liên Đường chủ nhân cắt nghĩa “Tài mà không được gặp gỡ, tình mà không được hả hê. Đó là cái căn nguyên của hai chữ đoạn trường vậy”. Chu Mạnh Trinh lại lí giải nguyên nhân ấy có manh nha từ những bất công xã hội tức là đã có cảm quan của hiện thực:
Giá thử ngay khi trước
Liêu Dương cách trở, duyên chàng Kim đừng dở việc ma chay Quan lại công bằng, án viên ngoại tỏ ngay tình oan uổng Thì đâu đến nỗi
Son phấn mấy năm lưu lạc, đem thân cho thiên hạ mua cười
Như vậy Chu Mạnh Trinh đã giải quyết câu chuyện tài - mệnh theo ý thức chủ quan của mình. Nó ảnh hưởng trực tiếp từ tư tưởng triết học của Nguyễn Du
trong Truyện Kiều. Đó là sự kết hợp tư tưởng Nho, Phật và một cảm quan hiện thực.
Trong tập vịnh Kiều của ông người ta tìm được mối nối giữa Nguyễn Du – Thúy Kiều – Chu Mạnh Trinh ở thân phận con người. Hệ lụy của những kẻ tài tử đa cùng, hồng nhan đa truân đã có lịch sử trước Nguyễn Du và kéo dài từ Nguyễn Du đến Chu Mạnh Trinh.
Toàn bộ tập vịnh Kiều của Chu Mạnh Trinh đều xoay quanh việc nhìn nhận đánh giá Thúy Kiều, hay đúng hơn Chu Mạnh Trinh chỉ say mê mỗi Thúy Kiều. Tại sao lại như vậy? Phải chăng vì Thúy Kiều là nhân vật trung tâm là linh hồn của truyện, là toàn bộ tư tưởng mà Nguyễn Du gửi gắm và đó là nhân vật đã đặt ra bao chất vấn trong cuộc đối thoại ở làng nho? Nhưng nếu như thế thì lại vấp phải ngay một nghi vấn rằng Từ Hải cũng thuộc vào loại nhân vật rất đáng để đem ra mà “bắc đồng cân” nhưng Chu Mạnh Trinh vẫn không mặn mà. Điều này có lẽ phải được lí giải từ chính con người quan Án. Ông đã mang nặng cái tâm lí của kẻ sĩ lãng mạn trong thời vong quốc, một nhà nho yếm thế là đại diện cho một thế hệ nho sĩ suy tàn ép mình dưới chính quyền thống trị ngoại lai nên Chu Mạnh Trinh thật khó tìm được sự đồng cảm trong ước mơ “chọc trời khuấy nước” của Từ Hải, mà chỉ thấy bóng mình thấp thoáng trong nàng Kiều. Thế nên Chu Mạnh Trinh trút toàn bộ tâm sự gửi gắm tất cả những suy tư vào Thúy Kiều. Quan trọng hơn nàng Kiều khi xảy chân khỏi gia tộc là rơi ngay vào nhà chứa rồi chịu cảnh đoạn trường lưu lạc. Suốt mười lăm năm Kiều ôm mối cô trinh đó cũng là sự cô độc của chính Nguyễn Du khi phải ép mình ra làm quan cho tân triều, và rồi tâm trạng ấy đồng dạng với nỗi cô đơn không tỏ cùng ai của Chu Mạnh Trinh khi phải ra làm quan cho một chính thể đã bị tước đoạt quyền tự trị. Và giữa chốn quan trường xô bồ, Chu Mạnh Trinh tìm đến tư tưởng độc thiện giữ lòng trong sạch với thú vui điền viên, cây cỏ nhưng lại bị người đời ghét bỏ thậm chí bị gán cho là kẻ “tai mắt” của chính quyền thực dân. Nên ông luôn mang trong mình một nỗi buồn. Từ những trải nghiệm của số phận, Chu Mạnh Trinh đã tìm được sự đồng điệu với cô Kiều. Bởi vậy toàn bộ quyển vịnh Kiều ông Nghè Phú Thị đã trút toàn bộ bút lực, tình cảm để say mê riêng nàng Kiều.
Đến cuối thế kỉ XIX việc đánh giá Truyện Kiều của các nhà nho đã mang tính đặc trưng của một thế kỉ sau Truyện Kiều. Nhìn nhận về nghệ thuật biểu hiện,
tư tưởng Nguyễn Du đã khá thống nhất, song vấn đề đánh giá các nhân vật, đặc biệt là nhân vật trung tâm Thúy Kiều vẫn bị phân luồng với hai thái cực khen chê. Các nho sĩ bằng lập luận của mình đã đi đến khẳng định Kiều dâm hay không dâm xét ở phạm trù “đức”. Nhóm những nhà nho ca ngợi Kiều thì phương thức đánh giá ở họ là lấy những quy chuẩn đạo đức mang tính khuôn vàng thước ngọc của Nho giáo là
hiếu, trung, tiết, nghĩa làm thước đo những biến cố của đời Kiều. Họ coi những trò chơi của số phận đã dìm đẩy Kiều xuống nơi tối tăm là chất nền để làm bật lên phẩm chất của một phụ nữ tuyệt vời. Điển hình cho nhóm này có Phạm Quý Thích, Nguyễn Văn Thắng, Vũ Tông Phan. Nhưng việc ca ngợi Kiều như tấm gương đạo đức của người phụ nữ phong kiến cũng gặp phải một phản ứng ngược lại. Rất nhiều nhà nho lên tiếng chê bai Kiều bằng ngôn ngữ thậm tệ. Tình cảm con người mang tính cách cộng đồng những hành động đi ngược với mẫu số chung của đa số người sẽ bị xã hội lên án, đả kích. Thúy Kiều thuộc trường hợp ấy. Điều đó thật dễ hiểu với các nhà nho từ chính thống đến phi chính thống như Nguyễn Khuyến, Tản Đà đều không tiếc lời thoá mạ Kiều nhưng gay gắt nhất là Nguyễn Công Trứ ông sáng
tác hẳn một bài hát nói Trách Kiều:
Đã biết má hồng thì phận bạc
Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng Chiếc quạt thoa đành phụ nghĩa Kim Lang Nặng vì hiếu nhẹ vì tình thời cũng phải Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu Bấy giờ Kiều còn hiếu vào đâu?
Mà bướm chán ong chường cho đến thế Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm Bán mình trong bấy nhiêu năm Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai Nghĩ đời mà ngán cho đời.
Nguyễn Công Trứ ông thẳng thắn phán “đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm”, nói Kiều “cành đưa lá đón quen thân” là đĩ, là dâm, yêu Kim Trọng thề thốt với chàng, thất thân với chàng họ Mã, dan díu với Thúc Sinh, làm vợ Từ Hải bởi dẫu sao Kiều cũng là “cành hoa hạnh cũng đã xuất ngoài tường” không thể chấp nhận kẻ “trên bộc trong dâu”. Kiều đã phạm vào hai chữ “trinh tiết”. Đây là quan niệm khá nặng nề trong xã hội nam quyền. Theo cách nhìn này, trong quan hệ nam nữ trinh tiết là biểu hiện của đạo đức và trinh tiết chỉ áp cho người phụ nữ. Đó là phạm trù
để đánh giá đức hạnh người phụ nữ. Đây là chuẩn mực đạo đức một chiều bởi vậy