B. NỘI DUNG
3.2.1. Lịch sử bình, vịnh Kiều
3.2.1.1. Lịch sử bình Kiều
Truyện Kiều đến nay chưa biết chính xác ra đời vào năm nào, nhưng theo Đại nam chính biên liệt truyện thì truyện được viết sau khi ông đi sứ nhà Thanh về
năm 1814. Tương truyền sau khi sáng tác Nguyễn Du đưa Phạm Quý Thích xem,
Phạm tán dương, nhuận sắc, viết Đề tựa Thanh Tâm Tài Nhân thi tập, cho khắc ván in và đổi tên thành Đoạn trường tân thanh tân truyện, nhưng trong truyền ngôn tác phẩm được gọi là Truyện Kiều. Truyện Kiều ra đời đã khuấy động đời sống văn học sau đó. Trên văn đàn sôi nổi với những cái tên Nguyễn Du, Đoạn trường tân thanh, Thúy Kiều, Từ Hải… Gần 200 năm các vấn đề trong Truyện Kiều từ văn bản đến
nội dung tư tưởng tác giả, tác phẩm đều được đem ra bàn luận. Những cuộc bút chiến gay gắt về quan điểm của các nhà nho thế kỉ XIX lấy tư tưởng đạo đức phong kiến làm hệ quy chiếu để xét người, xét việc và đem các nhân vật ra bàn luận đặc biệt là nhân vật trung tâm: Thúy Kiều. Cuộc chiến ấy kéo dài sang thế kỉ XX nhưng mang màu sắc khác, đó là ở đầu thế kỉ cuộc bút chiến Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc
Kháng và Phạm Quỳnh đậm màu chính trị. Khoảng thời gian sau đó Truyện Kiều
được nhìn nhận ở nhiều góc độ như: xã hội học, lịch sử, phân tâm học… Và gần đây
nhận diện tác phẩm mang tính chất đa tuyến: Trần Đình Sử nhìn Truyện Kiều dưới góc độ thi pháp, Trần Nho Thìn nhìn Truyện Kiều dưới góc văn hóa học… Như vậy từ khi Đoạn trường tân thanh ra đời đến nay thì tác phẩm và những vấn đề quanh
nó đã có một đời sống phong phú, cả trong sáng tác và phẩm bình, nghiên cứu. 3.2.1.2. Lịch sử vịnh Kiều
Xét về phương diện hình thức, đời sống văn học hậu Truyện Kiều thực sự sôi
động với nhiều biểu hiện khác nhau như: đố Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều,
vịnh Kiều, có tác giả đem các nhân vật Kiều ra xử án. Có tác giả từ Truyện Kiều thơ
Nôm viết thành tiểu thuyết chương hồi chữ Hán khiến người đời sau ngộ nhận là
xuôi quốc ngữ, truyện tranh cho thiếu nhi đọc. Riêng ở thế kỉ XIX đặc biệt phát triển với phong trào ngâm vịnh Kiều, bình Kiều, nhất là vịnh Kiều.
Bài thơ luật vịnh Kiều đầu tiên là của Phạm Quý Thích, từ đó Truyện Kiều
trở thành đề tài ngâm vịnh trong môn sinh họ Phạm, rồi lan rộng trong tầng lớp nho
sĩ. Ngay cả các vị vua đầu triều cũng ham say với Truyện Kiều. Vua Minh Mệnh mở
đợt bình Kiều đầu tiên – nhà vua đứng ra chủ trì mở văn đàn ngâm vịnh và sai các quan ở Hàn Lâm viện chép lại truyền đời sau. Đời vua Tự Đức, nhà vua thường triệu tập các nhà khoa bảng trong triều bình vịnh Kiều. Văn đàn mở tại Phú Văn Lâu, nơi nhà vua ban bố những sự kiện có tính chất quốc gia đại sự. Đề vịnh không phải là chuyện mới lạ nhưng hầu như chưa có một tác phẩm nào tạo nên một phong trào ngâm vịnh rộng khắp tới hàng nghìn bài như vậy. Ban đầu vịnh Kiều chỉ là lối tiêu khiển văn chương của tầng lớp quý tộc nho sĩ sau được mở rộng ra các tầng lớp khác. Tất cả họ đều thông qua điều mình viết để gửi gắm vào đó ít nhiều tâm sự,
cảm xúc của mình trong cảm nhận và thưởng thức Truyện Kiều. Vịnh Kiều gắn liền
với những tên tuổi như: Phạm Quý Thích, Hà Tôn Quyền, Nguyễn Văn Chi, Tự Đức… vịnh Kiều bằng chữ Hán và Hà Tôn Quyền, Nguyễn Văn Chi, Nguyễn Công Trứ, Tôn Thọ Tường, Nguyễn Khuyến… vịnh Kiều bằng chữ Nôm. Trong đó có
người viết vài chục bài như Nguyễn Hữu Khanh có tập Vịnh các nhân vật Truyện Kiều gồm 56 bài, Hà Tôn Quyền có 30 bài lục bát bằng quốc âm, 15 bài tuyệt cú trong tập Ứng chế vịnh Kim Vân Kiều, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến và các thí
sinh tham dự cuộc thi vịnh Kiều năm 1905 mỗi người có tổng 23 bài.