Bình, vịnh Kiều

Một phần của tài liệu Chu mạnh trinh trong đời sống văn hóa và văn học việt nam những thập niên cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX (Trang 35 - 36)

B. NỘI DUNG

2.1.3.Bình, vịnh Kiều

Tập Thanh Tâm Tài Nhân thi tập được Chu Mạnh Trinh viết, gửi dự cuộc thi

thơ do Lê Hoan khởi xướng năm 1905. Tập thơ gồm một bài tựa viết bằng chữ Hán

thể văn tứ lục, một bài tổng vịnh, hai Bài thơ đầu Truyện Kiều và 20 bài tương ứng 20 hồi trong Kim Vân Kiều truyện. Tuy là tác phẩm dự thi nhưng cảm xúc, suy nghĩ

của nhà thơ đều hết sức chân thật. Với đề tài ngâm vịnh lại cuốn truyện tiểu thuyết

mà Nguyễn Du dựa vào khi sáng tác Truyện Kiều, Chu Mạnh Trinh đã thể hiện thái độ, suy nghĩ của mình đối với những vấn đề nổi bật trong Truyện Kiều. Đó là đánh

giá về hình tượng Thúy Kiều cùng với quan niệm tài - mệnh. Cái nhìn xuất phát từ tấm lòng đồng điệu của những người cùng cảnh ngộ nên nhà thơ kêu gọi công bằng với họ. Về điều này, Chu Mạnh Trinh mang tính cách, phẩm chất của người tài tử “tự xác định mình đứng ở một tầm cao hơn hẳn so với thế tục, với “người đời” [60]. Ông viết về Kiều bằng giọng đầy ngợi ca, say mê để thể hiện sự trọng thị với tài, đức của Kiều với một cảm hứng lãng mạn đắm đuối. Chủ đề của tập vịnh Kiều của

ông cũng không vượt ra ngoài khuôn khổ của những tác phẩm vịnh Kiều trước đó. Vẫn là cái nhìn đánh giá các nhân vật trong truyện bằng chính kiến của mình. Nhưng vấn đề là đề tài ngâm vịnh Kiều thời điểm bấy giờ không được cộng đồng dân tộc tán thưởng. Người ta lấy đó là căn cứ để đánh giá lập trường, thái độ của người tham dự thi. Họ bị coi là quên đi thực tại nước đang mất, dân đang lầm than. Thực tế, người khởi xướng cuộc thi có lẽ muốn tạo nên một thế giới khác – thế giới của quá khứ, thế giới của văn chương như một ảo giác để các văn nhân thi sĩ có tiếng khắp đất Bắc tập trung vào đó. Cuộc thi mang tính chất xử trí tình thế làm xoa dịu không khí xã hội căng thẳng khi phong trào Cần Vương vừa bị dập tắt. Nhưng những chủ đề, tư tưởng trong tập vịnh Kiều của Chu Mạnh Trinh là những trăn trở suốt cuộc đời. Cuộc thi chỉ là một duyên cớ để nhà thơ thể hiện nó bằng ngôn ngữ văn học.

Đề tài vịnh Kiều cùng với những chủ đề mang tính chất nhân văn nhân đạo là điển hình cho nội dung thơ Chu Mạnh Trinh. Nó cũng là một minh chứng trong sự lựa chọn khuynh hướng sáng tác của nhà thơ - khuynh hướng thoát li. Tập thơ thể hiện sự kiếm tìm, trăn trở về những giá trị xưa cũ trong đời sống văn chương xa rời đời sống thực tại, qua đó ca ngợi, bênh vực đồng cảm những con người bất hạnh theo cách của riêng mình. Có thể nói Chu Mạnh Trinh đã tiếp tục mạch nhân đạo chủ nghĩa trước đó nhưng trong tình thế lịch sử đã đổi thay. Đó là căn nguyên khiến cho chùm sáng tác này của ông phải chịu cả lời khen lẫn sự chỉ trích.

Một phần của tài liệu Chu mạnh trinh trong đời sống văn hóa và văn học việt nam những thập niên cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX (Trang 35 - 36)