Người dân định nghĩa môi trường như thế nào

Một phần của tài liệu Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng pptx (Trang 33 - 34)

C. Môi trường và nghèo đói

2.Người dân định nghĩa môi trường như thế nào

Ở hầu hết các vùng khảo sát, người dân địa phương có xu hướng định nghĩa môi trường là những vấn đề liên quan đến tài nguyên thiên nhiên mà có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ. Vì vậy, ở Đắk Lắk, một tỉnh vùng cao, người dân địa phương nói rằng bảo vệ rừng là mối quan tâm chính về môi trường; ở Bến Tre, một tỉnh đồng bằng sông Mê Kông, các vấn đề về nước sạch, đặc biệt là nước sạch liên quan đến nhà vệ sinh thải ra hồ cá, được nêu lên; ở những vùng ven biển, ô nhiễm môi trường từ nuôi tôm và đánh bắt cá quá mức là những vấn đề được nêu lên. Ở một số cộng đồng ở đồng bằng sông Hồng, người dân cũng đề cập đến “môi trường xã hội”, kể cả những “tệ nạn xã hội” như nghiện ma tuý, mại dâm và HIV/AIDS.

Khi ở cấp xã và thôn bản, người dân địa phương không giải thích được các khái niệm như quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững, cộng đồng dân cư ở vùng đồng bằng ít ra có vẻ ý thức được rằng nguồn tài nguyên thiên nhiên là hạn chế, biết đến các quy định pháp luật về tài nguyên thiên nhiên và sự cần thiết phải sử dụng có hiệu quả và bền vững. Ở những vùng cao như Lào Cai, hầu hết các hộ gia đình hiểu được sự cần thiết phải đa dạng hoá công tác trồng trọt. Một thửa đất điển hình được trồng cả lúa nước, cây hoa màu, rau, cây ăn quả và đào ao cá. Ở nhiều cộng đồng, phân gia súc được thu gom để làm phân bón.

Có lẽ do nghèo đói, trình độ giáo dục thấp và văn hoá truyền thống, ý thức về môi trường trong một số cộng đồng dân tộc thiểu số ở khu vực phía Bắc Việt Nam là kém nhất. Việc tiếp tục trồng ngô trên những khu đất dốc là rừng khai hoang, việc chưa biết cách sử dụng phân gia súc một cách hợp lý để làm phân bón và không quan tâm đến việc phân chia đất cho thấy sự hiểu biết về sử dụng nguồn lực một cách bền vững còn hạn chế. Tuy nhiên cũng nên nói thêm rằng những nhóm này là những nhóm nghèo nhất ở Việt Nam, họ là những người có rất ít cơ hội tăng thu nhập. Ngược lại, người dân tộc thiểu số ở xã Ea’Ral của tỉnh Đắk Lắk kêu gọi cần cấp thiết bảo vệ những cánh rừng đang bị thu hẹp ở vùng đó. Cả nhóm người dân tộc H’mong và Phù Lá ở tỉnh Lào Cai và những nhóm dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk đều có những khu rừng thiêng và họ coi việc bảo tồn những khu rừng này là một ưu tiên.

Mặc dù hầu hết người dân địa phương thể hiện sự quan tâm đến những yếu tố môi trường có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, họ thường không mấy quan tâm đến những nguồn tài nguyên thiên nhiên mà họ cho rằng không có ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Trường hợp Công viên quốc gia Tràm Chim bao trùm một phần vùng Đồng Tháp Mười là một ví dụ. Dù công viên là một nguồn động thực vật phong phú và là nơi cư trú của loài chim sếu đầu đỏ đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, các hộ dân địa phương không thấy họ có nhiệm vụ bảo vệ vì họ không được phân đất cho việc bảo vệ Công viên Quốc gia đó.

Đối với những yếu tố môi trường có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương, dường như họ thấy bản thân họ khó có thể làm gì ngoài việc kêu với chính quyền địa phương. Có lẽ do không có các tổ chức dân sự, người dân cho rằng chỉ có Chính phủ mới cải thiện được điều kiện môi trường. Các hoạt động trong cộng đồng nhằm làm sạch và bảo vệ môi trường không được tổ chức. Hơn nữa, người dân hiếm khi thừa nhận rằng chính họ góp phần gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Điều này rõ nhất trong trường hợp những người được coi là góp phần làm ô nhiễm thêm môi trường như những người nuôi tôm. Dù có chứng cứ rõ ràng, những người nuôi tôm ở tỉnh Nghệ An vẫn khăng khăng “Tôi nghĩ rằng nuôi tôm không ảnh hưởng đến các gia đình khác. Các hoạt động nuôi tôm của tôi không ảnh hưởng và không gây ra ô nhiễm môi trường”.

Một phần của tài liệu Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng pptx (Trang 33 - 34)