CHƯƠNG III THỰC TIỄN ÁP DỤNG VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ TỘI NHẬN HỐI LỘ
3.2.2. Kiến nghị hoàn thiện văn bản áp dụngcác quy định của Bộ luật hình sự về tội nhận hối lộ
về tội nhận hối lộ
Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác áp dụng luật cũng như để hoạt động áp dụng luật được thống nhất, trước mắt các cơ quan hữu quan cần ban hành văn
bản hướng dẫn áp dụng Chương XXI của BLHS 1999 trong đó có quy định về tội nhận hối lộ (Điều 279).
Thực tiễn áp dụng luật hình sự Việt Nam trong những năm gần đây, đối chiếu với những vấn đề lí luận cùng với quy đinh của LHS hiện hành là cơ sở để kiến nghị được đưa ra. Trên thực tế, hoạt động áp dụng pháp luật của Việt Nam trong những năm gần đây vẫn còn những hạn chế nhất định. Các cơ quan áp dụng luật gặp khó khăn vướng mắc và sai sót trong việc xác định những vấn đề liên quan đến tội nhận hối lộ như vấn đề chủ thể của tội nhận hối lộ, vấn đề tính chất của “của hối lộ” (xác định của hối lộ có thể là những vật, những tài sản bị cấm lưu thông như ma túy, hàng cấm, dịch vụ mại dâm không?), vấn đề xác định giai đoạn thực hiện tội phạm, vấn đề xác định dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng”, vấn đề quyết định hình phạt và miễn trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này, vấn đề phân biệt tội nhận hối lộ với một số tội phạm về chứ vụ khác...
Một trong những nguyên nhận quan trọng dẫn đến sai sót hay vướng mắc nêu trên là do sự thiếu cụ thể, thiếu rõ ràng của các quy định của luật hình sự hiện hành. Việc ban hành văn bản giải thích luật đặc biệt có ý nghĩa ở thời điểm hiện tại vì những quy định về các tội phạm về chức vụ đã được duy trì khá ổn định từ khi được ban hành và việc sửa đổi, bổ sung các quy định này là điều khó có thể thực hiện ngay. Trong khi đó thực tiễn lại chỉ ra rất nhiều vấn đề có liên quan đến nhóm tội phạm này. Hơn nữa hầu hết wuy định trong BLHS về các nhóm tội phạm khác đã có văn bản hướng dẫn thực hiện. Trước đòi hỏi của thực tiễn áp dụng luật cũng như yêu cầu của việc đấu tranh chống các tội phạm về chức vụ nói chung và tội phạm nhận hối lộ nói riêng, việc ban hành văn bản này càng trở nên cấp thiết.
Văn bản này cần giải quyết được một số khó khăn vướng mắc sau:
Trước hết là vấn đề liên quan đến dấu hiệu “của hối lộ”. Thực tiễn đang đặt ra vấn đề hành vi nhận các đối tượng vật chất bị cấm lưu hành như ma túy, hàng cấm, hàng lậu... để không xử lí người có hành vi mua bán hay vận chuyển các đối tượng đó có cấu thành tội nhận hối lộ hay không. Việc áp dụng luật hình sự trong
trường hợp này cần dựa trên hai luận điểm: thứ nhất, người nhận những đối tượng đặc biệt trên có thể khai thác được lợi ích vật chất từ chúng; thứ hai, việc người có chức vụ, quyện hạn nhận những đối tượng này có thể khiến cho người nhận làm hoặc không làm một vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa. Từ đó có thể thấy rằng hành vi nhận các đối tượng vật chất được lưu hành hoặc lưu thông bất hợp pháp của người có chức vụ quyền hạn để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa đều cấu thành tội nhận hối lộ.
Thứ hai, việc xác định dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” có thể dựa vào những thiệt hại về vật chất do hành vi nhận hối lộ gây ra. Tuy nhiên khi xác định dấu hiệu “hậu quả nghiêm trọng” cần lưu ý rằng đó phải là hậu quả phát sinh trực tiếp từ hành vi nhận hối lộ chứ không nên là những hậu quả mang tính suy diễn chủ quan. Việc xác định hậu quả của hành vi phạm tội nhận hối lộ cần dựa vào các tác hại tổng hợp của hành vi mà chủ yếu là tác hại gây ra cho hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và sự suy giảm uy tín của người có chức vụ, quyền hạn cũng như các thiết chế này đối với người dân. Những tình tiết có giá trị nhất đối với việc đánh giá dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” ở đây là các tình tiết sai trái của việc làm hay không làm mà người nhận, chấp nhận là thực hiện theo yêu cầu của người đưa hối lộ, vị trí của công tác trái và tầm ảnh hương đến người nhận hối lộ trong cơ quan, tổ chức hoăc trong bộ máy nhà nước.
KẾT LUẬN
Qua quá trình nghiên cứu và tìm hiểu về đề tài “Tội nhận hối lộ theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam” em đã đã rút ra được một số kết luận sau:
1. Khóa luận đã khái quát được các quy định của pháp luật quốc tế về hành vi nhận hối lộ thông qua một số Công ước quốc tế điển hình như: Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Công ước của Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển về chống hối lộ công chức nước ngoài trong các giao dịch thương mại quốc tế và Công ước Luật hình sự của Hội đồng Châu Âu về chống tham nhũng... Những quy định này của pháp luật quốc tế sẽ là những gợi mở và định hướng cho pháp luật hình sự Việt Nam trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các quy định về tội nhận hối lộ về mặt dấu hiệu pháp lý cũng như hình phạt áp dụng đối với tội phạm này; Khóa luận cũng đưa ra một số quy định của luật hình sự Hoa Kỳ và Thụy Điển về hành vi nhận hối lộ, qua đó có sự so sánh với các quy định của luật hình sự Việt Nam để thấy được xu hướng lập pháp của các nước và rút ra kinh nghiệm cho việc quy định của pháp luật Việt Nam về hành vi nhận hối lộ; Khái niệm về tội nhận hối lộ cũng như quy định về tội nhận hối lộ trong lịch sử lập pháp Việt Nam cũng được nghiên cứu trong khóa luận này. Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến nay, các quy định về tội nhận hối lộ được pháp luật hình sự Việt Nam ngày càng hoàn thiện và phù hợp với điều kiện đổi mới của đất nước.
2. Khóa luận nghiên cứu một cách cụ thể và đầy đủ về các dấu hiệu pháp lý của tội nhận hối lộ như chủ thể, khách thể, mặt chủ quan, mặt khách quan của tội phạm. Đây là những dấu hiệu đặc biệt quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền xác định tội danh, áp dụng hình phạt đối với tội phạm nhận hối lộ. Đặc biệt trong khóa luận này, em đã so sánh những điểm giống và khác nhau về dấu hiệu pháp lý của tội nhận hối lộ với một số tội phạm về chức vụ khác như: Tội tham ô tài sản,
Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Sự so sánh này là cần thiết để nhận ra những điểm đặc trưng trong dấu hiệu pháp lý của tội nhận hối lộ, tránh nhầm lẫn trong quá trình xác định tội danh đối với những người làm công tác thực thi pháp luật.
3. Trong khóa luận này, dựa trên số liệu về tình hình tội nhận hối lộ trong những năm gần đây, em đã phân tích và đưa ra một số đánh giá về thực tiễn áp dụng quy định của BLHS về tội nhận hối lộ, qua đó em xin đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của BLHS cũng như hoàn thiện các văn bản áp dụng luật về tội nhận hối lộ. Các kiến nghị được đưa ra dựa trên việc phân tích tình hình thực tiễn của tội phạm nhận hối lộ; qua quá trình nghiên cứu và tham khảo các bài viết, cồng trình nghiên cứu về tội nhận hối lộ của một số tác giả; dựa trên quan điểm của cá nhân người viết... do đó không tránh khỏi những điểm còn sai sót, chưa hoàn thiện. Em mong nhận được sự góp ý chân thành của thầy cô và các bạn để khóa luận của mình được hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!