Kiến nghị hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự về tội nhận hối lộ

Một phần của tài liệu TỘI NHẬN HỐI LỘ THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ (Trang 41 - 45)

CHƯƠNG III THỰC TIỄN ÁP DỤNG VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ TỘI NHẬN HỐI LỘ

3.2.1. Kiến nghị hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự về tội nhận hối lộ

Thứ nhất, về dấu hiệu của chủ thể tội nhận hối lộ quy định tại Điều 279 BLHS: Điều luật nên thay cụm từ mang tính gián tiếp, chung chung “người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn” bằng cụm từ “người có chức vụ, quyền hạn nào”, như vậy sẽ chỉ rõ và cụ thể hơn dấu hiệu đặc biệt của chủ thể tội nhận hối lộ. Cần xác định rõ ràng hơn nữa phạm vi khái niệm “người có chức vụ, quyền hạn” và đặc điểm của đối tượng này với tư cách là chủ thể của tội nhận hối lộ. Khái niệm “người có chức vụ, quyền hạn” trong tội nhận hối lộ cần được xét trong phạm vi rất rộng, bao gồm tất cả những người có ba đặc điểm: được giao chức năng hoặc nhiệm vụ công do được bổ nhiệm, do được bầu cử, do được bầu, được ủy quyền hoặc thông qua hợp đồng; có quyền ra các quyết định hoặc gây ảnh hưởng tới việc ra các quyết định do việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó; đang thực thi chức

năng, nhiệm vụ đó. Khái niệm “người có chức vụ, quyền hạn” là chủ thể của tội nhận hối lộ nên được giải thích trong một văn bản hướng dẫn áp dụng luật, điều đó sẽ giúp các cơ quan áp dụng pháp luật nhận diện tội phạm và phân biệt tội phạm nhận hối lộ với các tội phạm khác một cách chính xác hơn.

Thứ hai, dấu hiệu hành vi khách quan của tội nhận hối lộ cần được cụ thể hóa và mô tả cụ thể từng dạng hành vi khách quan của tội phạm này trong luật nhằm mục đích xác định tội phạm được dễ dàng và tránh sự thiếu thống nhất trong nhận thức về thời điểm hoàn thành của tội phạm. Nên quy định các dạng hành vi cụ thể của tội nhận hối lộ như sau: Hành vi khách quan của tội nhận hối lộ là hành vi nhận của hối lộ hoặc hành vi chấp nhận lời mời nhận hối lộ hoặc hành vi đòi hỏi người khác đưa hối lộ.

Thứ ba, về “của hối lộ”: cần mở rộng phạm vi những lợi ích của thể được coi là “của hối lộ”. Theo quy định của BLHS hiện hành thì “của hối lộ” chỉ có thể là những lợi ích vật chất, tuy nhiên trên thực tế có những lợi ích mang giá trị tinh thần và tồn tại vô hình nhưng lại có thể đáp ứng được nhu cầu của con người và làm ảnh hưởng đến các quyết định đúng đắn của người có chức vụ, quyền hạn. Điều luật khi quy định về “của hối lộ” cần phải giúp phân biệt giữa “của hối lộ” với các lợi ích hợp pháp. Bên cạnh đó, nên quy định thêm tính “không chính đáng” của “của hối lộ” nhằm nhấn mạnh tính chất sai trái của tội phạm này. Vì vậy, BLHS nên sửa cụm từ quy định về vấn đề “của hối lộ” bằng cụm từ “lợi ích không chính đáng dưới bất kì hình thức nào”.

Thứ tư, vấn đề người thứ ba được lợi chưa được quy định trực tiếp trong các điều luật về tội phạm này. Từ trước đến nay việc xác định hành vi có cấu thành tội phạm nhận hối lộ hay không trong trường hợp lợi ích được thụ hưởng bởi người thứ ba chỉ dựa trên các giải thích khoa học mà cụ thể là các bình luận khoa học về Bộ luật hình sự. Hiện nay các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam vẫn chưa hanh hành văn bản nào giải thích chính thức vấn đề này. Điều đó dẫn tới việc thiếu cơ sở pháp lí cụ thể cho hoạt động áp dụng luật và vô hình chung dẫn đến sự vi phạm

nguyên tắc pháp chế. Các công ước quốc tế và luật hình sự nhiều nước trên thế giới đều quy định vấn đề người thứ ba được lợi trong các yếu tố của cấu thành tội phạm nhận hối lộ. Vì vậy, các quy định của BLHS về tội nhận hối lộ cần bổ sung thêm trường hợp của hối lộ có thể được thụ hưởng bởi bên thứ ba, cụm từ cần bổ sung có thể là “cho người đó hoặc cho bất kì người nào khác”. Văn bản giải thích về tội nhận hối lộ cũng cần chỉ rõ đây là trường hợp của hối lộ được thụ hưởng hoặc sẽ được thụ hưởng bởi một người khác với sự đồng ý hoặc theo yêu cầu của người có chức vụ, quyền hạn.

Thứ năm, các dấu hiệu định tội liên quan đến đặc điểm xấu về nhân thân của người có hành vi nhận hối lộ gồm “đã bị xử lí kỉ luật về hành vi này mà còn vi phạm” và “đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” (Điều 279 BLHS) nên bị loại bỏ khỏi cấu thành tội phạm của tội nhận hối lộ. Luật hình sự có thể quy định những dấu hiệu này là dấu hiệu định khung hình phạt nhưng không nên quy định là dấu hiệu định tội như hiện hành vì vô hình chung đã quy tội trên cơ sở đặc điểm riêng của người có hành vi nhận hối lộ.

Thứ sáu, BLHS nên xem xét tội phạm hóa hành vi nhận lợi ích vật chất có giá trị lớn dưới dạng quà biếu. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp nhận hối lộ trá hình dưới hình thức nhận quà biếu. Tội phạm cấu thành khi hành vi nhận quà (ở một giá trị nhất định) có khả năng gây ảnh hưởng đến hoạt động thực thi công vụ. Quà biếu bất hợp pháp cần được quy định với một giá trị cao hơn so với giá trị của hối lộ ở tội nhận hối lộ. Nên quy định động cơ vụ lợi là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội phạm này.

Ngoài ra, BLHS nên quy định bổ sung về hành vi nhận hối lộ trong khu vực tư. Theo quy định hiện hành của luật hình sự Việt Nam, tội nhận hối lộ chỉ cấu thành trong trường hợp người có hành vi nhận hối lộ là chủ thể đặc biệt – những người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực công. Quy định đó hiện nay đã trở nên thiếu thực tế bởi hành vi nhận hối lộ còn diễn ra trong khu vực tư và hoàn toàn có

khả năng được thực hiện bởi các chủ thể hoạt động trong khu vực tư. Luật hình sự Việt Nam nên quy định thêm tội nhận hối lộ trong khu vực tư với hành vi nhận hối lộ trong BLHS hiện hành. Vấn đề này cũng đã được khuyến nghị trong các công ước quốc tế và được luật hình sự của nhiều quốc gia quy định trên thực tế. Việt Nam đã phê chuẩn công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng và công ước này khuyến nghị các quốc gia thành viên tội phạm hóa các hành vi tham nhũng trong khu vực tư. Vai trò kinh tế của khu vực tư ngày càng trở nên quan trọng và việc sử dụng pháp luật hình sự bảo vệ một số giá trị có ý nghĩa đối với sự phát triển của khu vực này là cần thiết. Tính liêm chính của viên chức trong khu vực tư cũng cần được xem là quan trọng và cần được bảo vệ. Việc hình sự hóa hành vi nhận hối lộ trong khu vực tư còn có ý nghĩa bảo vệ lợi ích của người sử dụng lao động trong khu vực này. Luật hình sự Việt Nam nên quy định tội danh riên cho hành vi nhận hối lộ trong khu vực tư vì: hình thức nhận hối lộ có những đặc điểm riêng, do đó dấu hiệu pháp lí cũng khác với tội nhận hối lộ trong khu vực công; tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi nhận hối lộ trong khu vực tư khác so với nhận hối lộ trong khu vực công nếu đặt trong hoàn cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam, do đó hình phạt được quy định đối với tội nhận hối lộ trong khu vực tư sẽ không giống như hình phạt đối với tội nhận hối lộ trong khu vực công.

Bộ luật hình sự nên quy định trường hợp hành vi nhận hối lộ được thực hiện bởi công chức nước ngoài. Hiện nay, về mặt nguyên tắc, luật hình sự Việt Nam có thể áp dụng đối với hành vi nhận hối lộ bởi công chức nước ngoài. Xét về hiệu lực, quy định về tội nhận hối lộ được áp dụng đối với mọi hành vi thỏa mãn các dấu hiệu pháp lí của tội phạm này, bao gồm cả hành vi nhận hối lộ của công chức nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên việc áp dụng các điều luật hiện hành để truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ gặp trở ngại về cơ sở pháp lí: Điều 279 BLHS quy định người nhận hối lộ là người có chức vụ quyền hạn trong khi khái niệm người có chức vụ quyền hạn vẫn được hiểu là chỉ bao gồm cán bộ, công chức Việt

Nam và chỉ giới hạn trong phạm vi các cơ quan, tổ chức của Việt Nam. Trong khi đó cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành một văn bản nào hướng dẫn việc áp dụng luật trong trường hợp này. Do đó hành vi nhận hối lộ bởi công chức nước ngoài thường được cho là không có tội theo luật hình sự Việt Nam. Chính vì vậy mà BLHS Việt Nam nên quy định vụ thể hành vi nhận hối lộ bởi công chức nước ngoài. Quy định này sẽ vừa có ý nghĩa khẳng định về mặt pháp lí sự tồn tại của loại tội phạm này trong luật vừa phù hợp với xu thế lập pháp của nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó quy định này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đấu tranh chống hành vi nhận hối lọ trên bình diện quốc tế, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế và quan trọng là phù hợp với tinh thần của công ước của liên hợp quốc về chống tham nhũng. BLHS Việt Nam nên xây dựng một tội danh riêng và độc lập đối với hành vi nhận hối lộ bởi công chức nước ngoài, quy định này còn bao gồm những giải thích thuật ngữ có liên quan và các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự phù hợp với tính chất của tội phạm.

Đường lối xử lý tội phạm nhận hối lộ cần sửa đổi, bổ sung một số điểm sau: Hình phạt đối với tội nhận hối lộ trong khu vực tư cần được quy định nghiêm khắc hơn so với tội nhận hối lộ trong khu vực công; Hình phạt quy định đối với tội nhận hối lộ của công chức nước ngoài cần được quy định tương đương với hình phạt dành cho tội nhận hối lộ đã được quy định trong BLHS; Hình phạt đối với hành vi nhận quà biếu bất hợp pháp cần được quy định nẹh hơn ở một mức độ tương đối so với hình phạt quy định cho tội nhận hối lộ; BLHS cần quy định trường hợp nhận hối lộ để làm trái nhiệm vụ, trái pháp luật hoặc để che giấu tội phạm hoặc để phạm tội khác là tình tiết tăng nặng khung hình phạt.

Một phần của tài liệu TỘI NHẬN HỐI LỘ THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ (Trang 41 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(52 trang)
w