Mặt chủ quan của tội nhận hối lộ

Một phần của tài liệu TỘI NHẬN HỐI LỘ THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ (Trang 26 - 28)

Quy định của Điều 279 BKHS không nêu cụ thể hình thức lỗi của tội nhận hối lộ. Tuy nhiên về lí luận và thực tiễn thì lỗi của tội nhận hối lộ được thừa nhận là lỗi cố ý trực tiếp [23]. Dấu hiệu hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm

của tội nhận hối lộ cũng phản ánh lỗi cố ý trực tiếp của người phạm tội. Lỗi cố ý trực tiếp là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội nhận hối lộ.

Người phạm tội ý thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Không có trường hợp nhận hối lộ nào được thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn nhận được của hối lộ. Chủ thể khi thực hiện hành vi phải nhận thức được tính chất thực tế của hành vi nhận của hối lộ để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa. Cần phân biệt trường hợp này với trường hợp người có chức vụ quyền hạn nhầm tưởng rằng mình được nhận quà biếu đơn thuần. Ví dụ, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta là biếu quà tết, nhiều người đã lợi dụng truyền thống này để hối lộ cho những cán bộ có chức vụ quyền hạn để yêu cầu họ làm một việc vì lợi ích của mình, tuy nhiên nếu người có chức vụ quyền hạn đó vẫn nghĩ rằng mình đơn thuần chỉ nhận quà biếu tết và không thực hiện việc theo yêu cầu của người biếu thì không được coi là nhận hối lộ. Ngoài ra, khi thực hiện hành vi, chủ thể phải nhận thức rõ hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn nhận tiền tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa là hành vi xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của bộ máy nhà nước. Chủ thể phải hiểu rõ tính trái quy tắc hoạt động công chức, công vụ cũng như tính trái pháp luật hình sự của hành vi của mình. Tuy nhiên chủ thể vẫn mong muốn thực hiện hành vi nhận hối lộ và tự quyết định thực hiện hành vi đó. Cho dù người có chức vụ quyền hạn nhận hối lộ theo lời đề nghị của người đưa thì lỗi của họ vẫn là lỗi cố ý trực tiếp, việc quyết định có nhận của hối lộ hay không đều do họ quyết định.

Điều 279 quy định các trường hợp “đã nhận hoặc sẽ nhận” của hối lộ nhưng điều đó không có nghĩa là ý định nhận của hối lộ của người phạm tội nảy sinh sau khi thực hiện hành vi phạm tội. Cho dù người phạm tội sẽ nhận của hối lộ sau khi

làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì ý định nhận hối lộ vẫn được hình thành trước khi người đó thực hiện hành vi phạm tội. Nếu người phạm tội không có ý định nhận của hối lộ thì dù họ có làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì cũng không phải là nhận hối lộ. Như vậy, mục đích của người phạm tội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội phạm nhận hối lộ. Ví dụ: Anh T là điều tra viên một vụ án cướp tài sản mà chị H là nạn nhân. Biết được anh T phụ trách điều tra vụ việc này, chị H tìm đến anh T đưa ra đề nghị: nếu anh T tìm được tài sản bị mất thì chị H sẽ biếu anh 2 triệu đồng. Tuy nhiên anh T chỉ nói đó là nhiệm vụ của mình và mình sẽ làm hết khả năng để tìm được tài sản cho chị H. Sau đó anh T đã tìm được tài sản cùng với thủ phạm của vụ án. Có thể thấy rằng anh T đã làm theo yêu cầu của chị H là tìm được tài sản nhưng anh T hoàn toàn không có ý định nhận hối lộ mà chỉ thực hiện theo nhiệm vụ mà mình đã phân công.

Một phần của tài liệu TỘI NHẬN HỐI LỘ THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(52 trang)
w