Kết luận phần tổng quan

Một phần của tài liệu luận án kỹ thuật dệt may nghiên cứu sử dụng chitosan việt nam như chất kháng khuẩn cho vải bông (Trang 60 - 61)

- Chitosan là một polysaccarit được sản xuất từ các phế thải của công nghiệp thủy sản (vỏ tôm, cua, sò, ốc…) có rất sẵn ở Việt Nam. Chitosan là một polyme thiên nhiên có một số đặc tính đặc biệt như khả năng phân hủy sinh học, không độc hại, đặc tính cation và đặc biệt là khả năng kháng khuẩn.

- Chitosan đã và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như trong lĩnh vực y tế, mỹ phẩm, bảo quản thực phẩm và dệt may… nhưng chitosan được ứng dụng mạnh nhất trong lĩnh vực kháng khuẩn. Các nghiên cứu ứng dụng chitosan trong dệt may bao gồm một dãy rộng các lĩnh vực: kéo sợi chitosan, ứng dụng chitosan trong xử lý trước, trong nhuộm, trong hoàn tất vật liệu dệt cũng như trong lĩnh vực xử lý nước thải nhuộm, nhưng phổ biến nhất là để tạo chức năng kháng khuẩn cho vật liệu dệt. - Việt Nam cũng đã sản xuất được chitosan chủ yểu sử dụng làm thức ăn nuôi tôm và

trong nông nghiệp.

- Tại Việt Nam cũng đã có một nghiên cứu công nghệ kháng khuẩn cho vải bông sử dụng CTS sản xuất quy mô phòng thí nghiệm [12, 84]. Mới đây (2013) một nghiên cứu khác cũng đã sử dụng CTS sản xuất theo quy mô công nghiệp để hoàn tất kháng khuẩn cho vải bông và PE-CO [11].

- Tuy nhiên việc sử dụng chitosan trong công nghiệp dệt có một số khó khăn do chitosan không tan trong nước, dung dịch chitosan có độ nhớt cao đặc biệt đối với chitosan có khối lượng phân tử lớn. Để có thể sử dụng chitosan phù hợp với các ứng dụng trong ngành dệt, đạt được các tính năng mong muốn, chitosan có thể được cắt mạch thành các phân đoạn có khối lượng phân tử thấp hơn. Việc giảm khối lượng phân tử của chitosan có thể được thực hiện bằng nhiều kỹ thuật khác nhau, trong đó kỹ thuật chiếu xạ chitosan ở trạng thái khô bằng tia gamma là kỹ thuật phù hợp để tạo ra chế phẩm chitosan sử dụng trong ngành dệt. Tuy nhiên các công bố cho thấy bằng phương pháp này mới tạo ra được CTS có MW bằng 60 kDa [44], chế phẩm này chưa tan trong nước, vẫn cần thời gian khá lâu và môi trường axit để hòa tan. Hơn nữa, chưa có nghiên cứu nào sử dụng chitosan sau chiếu xạ làm chất kháng khuẩn cho vật liệu dệt. Như vậy ngoài việc nghiên cứu tìm ra các điều kiện chiếu cần thiết để tạo ra được CTS có khối lượng phân tử nhỏ có thể tan ngay trong nước phù hợp sử dụng trong ngành dệt, thì việc nghiên cứu cấu trúc hóa lý của chitosan sau chiếu xạ và khả năng sử dụng chúng như chất kháng khuẩn cho vật liệu dệt có ý nghĩa cấp thiết đối với ngành dệt may Việt Nam.

- Phần lớn các nghiên cứu sử dụng phương pháp: ngấm ép - sấy - gia nhiệt để đưa chitosan và các hóa chất lên vải.

- Kết quả cho thấy vải sau xử lý bằng chitosan có khả năng kháng khuẩn với cả vi khuẩn Gram âm, Gram dương và nấm.

- Đánh giá khả năng kháng khuẩn của vải: Phương pháp lắc động theo tiêu chuẩn ASTM E 2149-01 được nhiều nghiên cứu sử dụng, một số ít các nghiên cứu sử dụng tiêu chuẩn AATCC 100 và AATCC 147.

48

- Đánh giá chitosan có trên vải: Các nghiên cứu đã sử dụng ảnh SEM, phổ FTIR, phổ cộng hưởng từ hạt nhân và phương pháp kjeldahl...

- Phần lớn các nghiên cứu mới nghiên cứu ảnh hưởng của các thông số công nghệ của quá trình xử lý hoàn tất đến khả năng kháng khuẩn của vải sau xử lý.

- Một số rất ít nghiên cứu (03 tài liệu tham khảo) đã đề cập đến ảnh hưởng của khối lượng phân tử và nồng độ sử dụng của chitosan đến khả năng kháng khuẩn của vải sau xử lý. Tuy nhiên các nghiên cứu đều chưa đề cập đến nguồn gốc của CTS có MW thấp.

- Độ bền kháng khuẩn của vải sau các lần giặt là một chỉ tiêu chất lượng quan trọng của vải, tuy nhiên, hiện nay mới có ít nghiên cứu đề cập đến độ bền kháng khuẩn của vải sau giặt (5/19 tài liệu tham khảo) và hầu hết các nghiên cứu này đều khảo sát ảnh hưởng của các thông số công nghệ (mức ép, nhiệt độ và thời gian gia nhiệt) đến độ bền kháng khuẩn của vải sau các lần giặt. Mới chỉ có (1/19 tài liệu tham khảo) đề cập đến mối liên hệ giữa MW của CTS đến độ bền kháng khuẩn sau các lần giặt. Trong các tài liệu đã tham khảo, chưa tìm thấy các công bố về ảnh hưởng chất liên kết ngang đến độ bền kháng khuẩn của vải sau các lần giặt.

- Đặc biệt, trong các tài liệu đã tham khảo, chưa tìm thấy các công bố nghiên cứu ảnh hưởng một cách hệ thống các đặc tính của CTS sử dụng (MW, nguồn gốc CTS) và chất liên kết ngang đến độ bền kháng khuẩn của vải sau các lần giặt.

- Một hạn chế của vải xử lý kháng khuẩn bằng chitosan thường gặp là vải bị vàng, cứng và ráp bề mặt, hiện tượng vải sau xử lý bị cứng và ráp bề mặt có thể là do chitosan sử dụng có MW cao nên dung dịch chitosan khó thấm sâu vào bên trong xơ, gây cứng và ráp bề mặt vải. Độ cứng và độ ráp bề mặt của vải có ảnh hưởng lớn đến tính tiện nghi của chúng.

- Một số nghiên cứu đã xử lý kháng khuẩn cho vải kết hợp với xử lý chống nhàu, chống thấm, chống tia UV...

Một phần của tài liệu luận án kỹ thuật dệt may nghiên cứu sử dụng chitosan việt nam như chất kháng khuẩn cho vải bông (Trang 60 - 61)