Phát hiện của bài nghiên cứu đó là tự do hóa tài khoản vốn làm tăng bất bình đẳng thu nhập tại các quốc gia có thu nhập trung bình thấp trong giai đoạn 1990 – 2012. Nghiên cứu cũng phát hiện được rằng, độ sâu tài chính có ảnh hưởng lên mối quan hệ giữa tự do hóa tài khoản vốn và bất bình đẳng thu nhập. Ngoài ra, mở cửa thương mại có tương quan nghịch biến, dòng vốn FDI có tương quan đồng biến đến bất bình đẳng thu nhập. Từ những phát hiện này, tác giả đề xuất một số chính sách như sau: Thứ nhất: tự do hóa tài khoản vốn nói riêng và tự do hóa tài chính nói chung đang là xu hướng toàn cầu trong giai đoạn hiện nay. Tự do hóa giúp tăng vốn đầu tư cho quốc gia, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, phân tán rủi ro, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tự do hóa tài khoản vốn sẽ làm gia tăng bất bình đẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Kết quả này cũng đã được nhiều bài nghiên cứu thực nghiệm tìm thấy. Vì vậy, các nhà hoạt động chính sách cần xem xét một cách thận trọng, những lợi ích và bất cập của việc tự do hóa, sự đánh đổi giữa lợi ích và bất cập trong ngắn và dài hạn.
Thứ hai: Các nhà hoạch định chính sách cần xem xét tổng thể các khía cạnh của chính sách tự do hóa tài chính để có những bước đi phù hợp. Như trường hợp của Ấn Độ,
việc thực hiện đồng thời những cải cách trên thị trường tài chính (bỏ lãi suất trần, bãi bỏ những yêu cầu cho vay đến nông dân và doanh nghiệp nhỏ) đã khiến những chủ thể kinh tế này không thể tiếp cận được nguồn vốn để hoạt đông và đầu tư, làm tăng bất bình đẳng thu nhập (Ang, 2010). Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách nên có lộ trình thực hiện tự do hóa tài khoản vốn, hoặc có những biện pháp hỗ trợ bổ sung làm giảm bớt tác động của tự do hóa tài khoản vốn lên bất bình đẳng thu nhập (Nghiên cứu thêm lộ trình tự do hóa tài chính đề xuất cho Việt Nam theo bài nghiên cứu của Nguyễn Khắc Quốc Bảo và cộng sự (2007), chi tiết tại phụ lục D).
Thứ ba: xem xét yếu tố phát triển tài chính. Như đã trình bày trong tổng quan các nghiên cứu, mô hình lý thuyết của Silke Bumann, Robert Lensink (2015) cũng như kết quả nghiên cứu thực nghiệm của tác giả, phát triển tài chính theo chiều sâu làm giảm bất bình đẳng thu nhập. Không dừng lại ở đó, phát triển tài chính còn ảnh hưởng lên tác động của tự do hóa tài khoản vốn và bất bình đẳng thu nhập. Cụ thể, khi sự phát triển tài chính vượt qua ngưỡng nhất định (17% theo nghiên cứu của tác giả) thì tự do hóa tài khoản vốn làm giảm bất bình đẳng thu nhập. Điều này có nghĩa là, các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng một hệ thống tài chính phát triển nhằm khai thác lợi ích hoạt động chủ chuyển vốn trong nền kinh tế, đồng thời giúp các chủ thể tiếp cận đến nguồn vốn đầu tư dồi dào khi thực hiện tự do hóa tài khoản vốn, giảm bất bình đẳng thu nhập.
Thứ tư: các nhà hoạch định chính sách nên quan tâm thêm tác động ngược chiều của độ mở thương mại và tác động cùng chiều của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến bất bình đẳng thu nhập. Với 2 yếu tố kinh tế trên cần có cái nhìn tổng quan, phân tích chi tiết kênh tác động để có thể khai thác hết những lợi ích cũng như hạn chế những mặt rủi ro đến phát triển kinh tế bền vững.
Cuối cùng: mặc dù tác giả chưa tìm thấy tác động có ý nghĩa thống kê của tăng trưởng kinh tế, lạm phát và nhóm yếu tố nhân khẩu học đến bất bình đẳng thu nhập, tuy nhiên tác giả cho rằng đây vẫn là những yếu tố vĩ mô quan trọng, nhiều nghiên cứu cho thấy
tác động có ý nghĩa thống kê của các yếu tố trên đến bất bình đẳng thu nhập. Vì vậy, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, cũng cần phải xem xét các yếu tố trên.