Nghiên cứu thực nghiệm về tác động tự do hóa tài khoản vốn đến bất

Một phần của tài liệu Tác động tự do hóa tài khoản vốn đến bất bình đẳng thu nhập (Trang 26 - 30)

2.1.3 Nghiên cứu thực nghiệm về tác động tự do hóa tài khoản vốn đến bất bình đẳng thu nhập. đẳng thu nhập.

Nếu như khung lý thuyết cho thấy rằng tự do hóa tài chính có thể làm tăng hoặc giảm bất bình đẳng thu nhập thì hầu hết những nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra tự do hóa tài chính làm tăng bất bình đẳng thu nhập.

Đầu tiên, phải kể đến nghiên cứu của Kai và Hamori (2009). Hai tác giả nghiên cứu mối quan hệ giữa toàn cầu hóa (được đo lường bằng tỷ số FDI/GDP và tỷ số thương mại/GDP), độ sâu tài chính (đại diện bằng M2/GDP) đến bất bình đẳng thu nhập. Sử dụng dữ liệu chéo của 29 quốc gia tại Châu Phi – khu vực cận Saharan từ năm 1980 – 2002, hai tác giả thấy rằng tăng dòng vốn FDI làm tăng bất bình đẳng thu nhập, giống với khung phân tích lý thuyết. Tuy nhiên, bài nghiên chưa giải quyết được vấn đế nội sinh có thể xảy ra trong mô hình nghiên cứu khi chỉ sử dụng phương pháp ảnh hưởng ngẫu nhiên Random effects và phương pháp ảnh hưởng cố định Fixed effects khi thực hiện hồi quy. Bài nghiên cứu cũng cho thấy tăng độ sâu tài chính làm giảm bất bình đẳng thu nhập. Mặc dù vậy, các tác giả mới chỉ dừng lại ở việc phân tích ảnh hưởng riêng lẻ của biến số phát triển tài chính đến bất bình đẳng mà chưa xem xét vai trò của biến số này lên sự tác động của tự do hóa tài chính đến bất bình đẳng thu nhập.

Ang (2010) đã nghiên cứu thực nghiệm mối quan hệ giữa phát triển tài chính (đại diện bằng tín dụng tư nhân/GDP), tự do hóa tài chính (được tác giả tổng hợp từ mức độ chính phủ thực hiện các biện pháp hạn chế tài chính) và bất bình đẳng thu nhập tại Ấn Độ từ năm 1951 - 2004. Bằng dữ liệu chuỗi thời gian cùng với mô hình hồi quy với biến trễ ARDL, tác giả thấy rằng: trong khi phát triển tài chính làm giảm bất bình

đẳng thì tự do hóa tài chính (giảm những can thiệp của chính phủ đến hoạt động tài chính) làm tăng bất bình đẳng tại Ấn Độ. Ang cho rằng tự do hóa đã làm tổn thương đến người nghèo. Bởi lẽ, trước khi cải cách hệ thống tài chính, chính phủ Ấn Độ quy định cấp tín dụng cho khu vực nông nghiệp cũng như những doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất ưu đãi, đồng thời các ngân hàng phải mở một số chi nhánh nhất định ở khu vực nông thôn, điều này giúp người nghèo có thể tiếp cận được dòng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi thực hiện những cải cách tài chính (bãi bỏ những quy định về trần lãi suất, những bắt buộc trong hoạt động cho vay) đã làm lãi suất tăng lên, các ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng cho những khu vực giàu có, rút các chi nhánh tại các vùng nông thôn khiến cho những người nghèo không tiếp cận được vốn và làm tăng bất bình đẳng thu nhập. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Ông khá phù hợp với khung lý thuyết: tự do hóa tài chính trong một quốc gia có thị trường tài chính chưa phát triển có thể giúp những người giàu tiếp cận dòng vốn dồi dào với chi phí rẻ hơn, nhưng những người nghèo lại không thể tiếp cận dòng vốn này, do đó làm tăng bất bình đẳng thu nhập.

Trong bài nghiên cứu về “Tự do hóa tài khoản vốn và bất bình đẳng lương”, Mauricio Larrain (2013) đã xây dựng một khung lý thuyết đơn giản về mối quan hệ bổ sung lẫn nhau giữa vốn và kỹ năng người lao động nhằm nghiên cứu tác động của tự do hóa tài khoản vốn lên tiền lương. Mẫu nghiên cứu gồm 23 quốc gia công nghiệp phát triển trong giai đoạn 1975 – 2005. Biến phụ thuộc là bất bình đẳng tiền lương được lấy từ dữ liệu EU-KLEMS8, biến độc lập đại diện cho tự do hóa tài chính là chỉ số KAOPEN do Chinn và Ito xây dựng, đồng thời sử dụng mô hình hồi quy GMM. Larrain tìm thấy rằng tự do hóa tài khoản vốn làm tăng bất bình đẳng lương khoảng 4%. Nguyên nhân được tác giả đưa ra về tác động này là do vốn và kỹ năng là hai yếu tố bổ sung cho nhau. Cụ thể, khi dòng vốn đầu tư tăng lên, chi phí sử dụng vốn

8 Bộ dữ liệu được xây dựng dựa trên vốn từ thị trường cổ phiếu (k), số giờ lao động (L), năng lượng (E), trang thiết bị (M) và dịch vụ (S) do Liên Minh Châu Âu xây dựng.

giảm xuống, các chủ thể kinh tế sẽ ưu tiên sản xuất các sản phẩm thâm dụng vốn. Vì vậy, họ đòi hỏi những lao động có kỹ năng cao để sử dụng máy móc, công nghệ mới Do đó làm tăng khoảng cách tiền lương giữa lao động có tay nghề cao và lao động phổ thông, tăng bất bình đẳng thu nhập.

Tiếp sau đó, Davide Furceri và Prakash Loungani (2015) khi nghiên cứu tự do hóa

tài khoản vốn và bất bình đẳng thu nhập bằng dữ liệu bảng của 149 nước từ năm 1970 – 2010, sử dụng hồi quy OLS, WLS và ARDL để phân tích và kiểm tra tính vững trong mối quan hệ giữa các biến. Kết quả cho thấy rằng: những cải cách làm tăng tự do hóa tài khoản vốn thì làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập. Bình quân, cải cách tự do hóa tài khoản vốn thường tăng hệ số Gini khoảng 0,8 % trong ngắn hạn (1 năm sau cải cách) và khoảng 1,4% trong trung hạn (5 năm sau khi cải cách). Ngoài ra, những cải cách tự do hóa tài khoản vốn dẫn đến sự gia tăng lớn hơn trong bất bình đẳng ở các nước có trình độ tổ chức tài chính yếu kém.

Cũng trong năm 2015, Silke Bumann và Robert Lensink đã xây dựng một mô hình lý thuyết về mối quan hệ giữa tự do hóa tài khoản vốn và bất bình đẳng thu nhập, trên cơ sở kế thừa bài nghiên cứu của chính các tác giả về tác động của tự do hóa tài chính và bất bình đẳng thu nhập năm 2012. Với dữ liệu 106 quốc gia trong giai đoạn 1975 – 2008, sử dụng phương pháp hồi quy DGMM và dữ liệu dạng bảng, hai tác giả tìm thấy một mối quan hệ đồng biến giữa tự do hóa tài khoản vốn và bất bình đẳng thu nhập trong mẫu nghiên cứu. Cụ thể, ở những quốc gia có độ sâu tài chính thấp (nhỏ hơn 25%), tự do hóa tài khoản vốn sẽ làm gia tăng bất bình đẳng trong thu nhập, trong khi đó ở những quốc gia có độ sâu tài chính cao (lớn hơn 25%), tự do hóa tài khoản vốn có thể cải thiện vấn đề bất bình đẳng.

Cuối cùng, Oussama Kanaan (2016) khi nghiên cứu về sự phát triển tài chính, bất bình đẳng thu nhập và sự giàu có trên một mẫu 143 quốc gia từ năm 1961 – 2011 đã chỉ ra rằng tự do hóa tài chính là có xu hướng trầm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng thu nhập.

Các nghiên cứu của Davide Furceri và Prakash Loungani (2015), Silke Bumann và Robert Lensink (2015), Oussama Kanaan (2016) có số lượng mẫu lớn, tận dụng được những ưu thế về bộ dữ liệu. Tuy nhiên, những kết quả thực nghiệm khó có thể áp dụng cho các quốc gia do sự không tương đồng về sự phát triển kinh tế, hệ thống tài chính, môi trường và văn hóa giữa các nhóm nước.

Nói tóm lại, có nhiều kênh mà tự do hóa tài chính nói chung và tự do hóa tài khoản

vốn nói riêng có thể tác động đến bất bình đẳng thu nhập. Trong khi khung lý thuyết thể hiện mối quan hệ chưa rõ ràng về tác động này (có thể đồng biến hoặc nghịch biến), thì hầu hết các nghiên cứu thực nghiệm lại chỉ ra tự do hóa tài khoản vốn làm tăng bất bình đẳng thu nhập. Ngoài ra, cả lý thuyết và thực nghiệm đều cho thấy vai trò quan trọng của một biến số khác trong việc dẫn truyền kênh tác động, đó là độ sâu tài chính. Từ khung lý thuyết thấy rằng, độ sâu tài chính có thể làm đổi dấu tác động của tự do hóa tài chính lên bất bình đẳng thu nhập. Và trong nghiên cứu thực nghiệm của Silke Bumann và Robert Lensink (2015) một lần nữa chứng minh luận điểm trên. Với những quan điểm khác nhau được đưa ra như trên, để có thể đánh giá đúng đắn mối quan hệ giữa tự do hóa tài khoản vốn và bất bình đẳng thu nhập đòi hỏi cần có những nghiên cứu cụ thể với từng nhóm quốc gia (có sự tương đồng về trình độ phát triển kinh tế tài chính/văn hóa/các điều kiện kinh tế…). Việc nghiên cứu với biến tự do hóa tài khoản vốn sẽ giúp các kết quả có cái nhìn chi tiết hơn, để từ đó có những nhận định và chính sách phù hợp hơn so với nghiên cứu trên biến tự do hóa tài chính. Đây chính là động lực để tác giả thực hiện bài nghiên cứu này với một mẫu 35 quốc gia có thu nhập trung bình thấp, tạo điều kiện cho việc đưa ra những kết luận phù hợp với tình hình tài chính và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Một phần của tài liệu Tác động tự do hóa tài khoản vốn đến bất bình đẳng thu nhập (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)