Bên cạnh tăng trưởng kinh tế thì những yếu tố ảnh hưởng đến bất bình đẳng thu nhập tại quốc gia luôn là mối quan tâm của nhiều nhà kinh tế học và các nhà hoạch định chính sách, bởi lẽ, mục tiêu cuối cùng của xã hội là sự phát triển kinh tế bền vững. Dựa trên lý thuyết được xây dựng bởi Silke Bumann, Robert Lensink (2015) và nhiều nghiên cứu thực nghiệm khác, tác giả thực hiện nghiên cứu tác động của tự do hóa tài khoản vốn đến bất bình đẳng thu nhập. Tổng quan các lý thuyết cũng như các kết quả thực nghiệm cho thấy rằng tự do hóa tài khoản vốn có tác động làm tăng bất bình đẳng thu nhập, và sự tác động này có bị ảnh hưởng bởi sự phát triển tài chính theo chiều sâu.
Bằng phương pháp ước lượng với biến công cụ GMM sai phân, phân tích trên bộ dữ liệu bảng năng động của 35 quốc gia có thu nhập trung bình thấp trong đó có Việt Nam, đã cho thấy tự do hóa tài khoản vốn làm tăng bất bình đẳng thu nhập, phù hợp với kết quả nhiều bài nghiên cứu thực nghiệm trong thời gian gần đây. Kết quả này vẫn tồn tại khi tác giả thêm các biến kiểm soát. Cũng theo kết quả thực nghiệm, tự do hóa tài khoản vốn chỉ có xu hướng làm giảm bất bình đẳng thu nhập nếu mức độ sâu tài chính, được đo bằng tín dụng tư nhân/GDP, vượt quá 17%. Như vậy, đối với hầu hết các nước đang phát triển, nơi mà độ sâu tài chính là thấp, điều này có nghĩa là tự do hóa tài khoản vốn có thể sẽ tăng sự bất bình đẳng thu nhập. Vì vậy, để đảm bảo điều kiện sống của người nghèo ở các nước có mức độ thấp của độ sâu tài chính không tiếp tục xấu hơn nếu một chính phủ quyết định tự do hóa tài khoản vốn, chính phủ nên có những biện pháp hỗ trợ bổ sung nhằm giảm tác động xấu này.
Mối quan hệ của một số yếu tố kinh tế vĩ mô khác đến bất bình đẳng thu nhập cũng được xem xét trong bài nghiên cứu. Sự mở cửa của thương mại có vai trò tích cực
trong giảm vấn đề bất bình đẳng thu nhập tại quốc quốc gia nghiên cứu. Trong khi đó, dòng vốn FDI làm tăng bất bình đẳng thu nhập tại các quốc gia nghiên cứu, tác động này khá yếu. Ngoài ra, tác giả không tìm thấy mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát và nhóm các yếu tố nhân khẩu học (tỷ lệ người phụ thuộc, giáo dục, tốc độ tăng trưởng dân số) đến bất bình đẳng thu nhập. Những kết quả này có thể là một căn cứ thực nghiệm đáng kể trong việc định hướng hoạch định các chính sách liên quan trong tương lai, kết hợp với sự tự do hóa tài khoản vốn để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong các tầng lớp dân cư, tận dụng tốt hơn những lợi thế, cũng như hạn chế những mặt tiêu cực của yếu tố này.