tác động đồng bộ của các chính sách, đặc biệt là việc thực hiện chính sách ruộng đất
Trong sản xuất nông nghiệp có rất nhiều yếu tố tác động làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, làm phát triển hay kìm hãm sản xuất. Các yếu tố đó bao gồm các tác động từ tự nhiên, nhưng quan trọng hơn cả đó là sự tác động của con người, từ các chính sách cụ thể của giai cấp thống trị, quá trình hoạt động trực tiếp của người sản xuất. Các yếu tố có thể kể đến như: bão lụt hay hạn hán của thiên nhiên, chính sách khuyến khích sản xuất, đầu tư cụ thể trong quá trình sản xuất, vấn đề ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp...
Ruộng đất là yếu tố quan trọng hàng đầu trong vấn đề nông dân, nông nghiệp. Do vậy, muốn giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp để cung cấp nguồn lực chủ yếu về lương thực cho cuộc kháng chiến, nhất thiết phải giải quyết tốt vấn đề ruộng đất cho nông dân, để từ đó kích thích họ hăng say tăng gia sản xuất.
Dưới chế độ thuộc địa, nạn thôn tính ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ phong kiến diễn ra thường xuyên, dưới nhiều hình thức, đã dẫn đến hậu quả hầu hết nông dân không có hoặc có rất ít ruộng đất. Chính nạn thôn tính ruộng đất đó, cùng với lối bóc lột tô, tức lỗi thời, phản động trong nông nghiệp, nông thôn đã khiến người nông dân ngày càng bị bần cùng hóa, mất hết ruộng đất hoặc còn lại rất ít và phải lệ thuộc chặt chẽ vào địa chủ. Vì vậy, họ không còn thực sự tích cực, hăng say sản xuất và càng không thể có điều kiện để đầu tư nâng cao năng suất.
Cách mạng Tháng Tám thành công đã đem lại một cuộc đổi đời thực sự cho nông dân, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phục hồi và phát triển. Quan điểm bao trùm của Đảng luôn "coi sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế kháng chiến". Từ đó trong suốt quá trình lãnh đạo kháng chiến Đảng đã có những chủ trương, chính sách phù hợp để đưa nông nghiệp phát triển, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến.
Ngay trong năm đầu tiên xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, Đảng và Chính phủ đã hết sức quan tâm phục hồi sản xuất nông nghiệp, nhằm giải quyết nạn đói, góp phần chuẩn bị các điều kiện để chống lại thực dân Pháp quay lại xâm lược sau này. Các chính sách nhằm phục hồi sản xuất nông nghiệp thời kỳ này như, khuyến khích sản xuất, tăng gia sản xuất, phục hồi các công trình thủy lợi, miễn thuế cho nhân dân những vùng bị thiên tai... bước đầu thực hiện các chính sách cải cách dân chủ như: chia ruộng đất của đế quốc và Việt gian cho nông dân, ra thông tư giảm tô 25%...
Sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, vai trò của sản xuất nông nghiệp ngày càng to lớn trong toàn bộ nền kinh tế kháng chiến vì "nước ta vốn sống bằng nghề nông, hầu hết các nhu cầu của nhân dân do nông nghiệp cung cấp...
Nước ta là một nước nông nghiệp, dù có mất các thành phố và bị địch phong tỏa, cũng vẫn có thể tự cung, tự cấp được" [12, tr.41-42].
Từ nhận thức trên Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích nông nghiệp phát triển. Về công tác thủy lợi, Đảng đã tập trung khắc phục các công trình bị địch tàn phá, xây dựng các công trình vừa và nhỏ, đáp ứng việc tưới tiêu khi các công trình đại thủy nông bị địch đánh phá. Đảng quan tâm tổ chức đắp đê phòng lũ lụt, giúp đỡ nông dân vốn, giống, phân bón, nông
cụ sản xuất. Đảng và Chính phủ ban hành chính sách thuế nông nghiệp, chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp ở những vùng đã thực hiện cải cách ruộng đất cũng như chưa thực hiện cải cách ruộng đất. Đảng và Chính phủ đã kiện toàn xây dựng các cơ quan lãnh đạo sản xuất nông nghiệp, củng cố và phát triển tổ chức Nông hội để tập hợp sức mạnh của nông dân vào sản xuất và bảo vệ quyền lợi cho nông dân trước giai cấp địa chủ. Khuyến khích nông dân thành lập các tổ đổi công, các hợp tác xã nông nghiệp...
Đặc biệt, Đảng và Chính phủ đã từng bước thực hiện chính sách về ruộng đất phù hợp với sự phát triển của cuộc kháng chiến, với các Sắc lệnh giảm tô (7- 1949), từ năm 1951 trở đi một loạt các Sắc lệnh của Chính phủ như: Tịch thu ruộng đất của đế quốc, Việt gian, ruộng đất công, nửa công, ruộng đất vắng chủ... tạm cấp cho nông dân. Từ 4-1953 Đảng đã phát động quần chúng triệt để giảm tô, giảm tức và thực hiện cải cách ruộng đất. Mặc dù quá trình thực hiện cải cách ruộng đất chúng ta còn mắc phải một số sai lầm, hạn chế, nhưng đã có tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp.
Nhờ một loạt các chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp như trên, Đảng đã khơi dậy, phát huy tính tích cực, chuyên cần của người nông dân, khiến họ hăng say sản xuất, tạo thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp trong những năm đẩy mạnh cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn. Như vậy, sản xuất nông nghiệp muốn phát triển để đáp ứng yêu cầu của đất nước ở các thời kỳ, đòi hỏi chính quyền cách mạng phải thực thi đồng bộ các biện pháp khuyến khích sản xuất nông nghiệp phát triển, đặc biệt là việc thực hiện đúng các chính sách về ruộng đất. Vấn đề này vẫn còn giá trị thực tiễn đến ngày nay.