Tôn giáo, tín ngưỡng

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Văn hóa làng Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội (Trang 50 - 58)

Tôn giáo tín ngưỡng, nói như Mác nói đó là “ thuốc phiện của nhân dân”. [9, tr. 1843-1844] Nó có chức năng an ủi, che chở, bảo vệ nhân dân đồng thời nó có một chức năng lớn khác nữa là giảm bớt nỗi đau về tinh thần cho con người khi con người cảm thấy trong tâm hồn mình có sự đau đớn, mất mát. Tín ngưỡng được hiểu là sự ngưỡng mộ của con người vào một niềm tin nào đó, những niềm tin mang tính trừu tượng, vô hình, nhưng lại có một sức mạnh tác động đến đời sống tâm linh con người.

Tôn Giáo

Tôn giáo trong văn hóa làng là “tam giáo đồng nguyên Nho – Phật – Đạo ” là những yếu tố ngoại sinh nhưng Phật giáo , Nho giáo và Đạo giáo được kết hợp với tín ngưỡng dân gian bản địa , phong tục tập quán làng xã tạo ra nét mới trong phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người Việt .

Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 2 sau công nguyên, trong bước đầu phát triển ở Việt Nam, Đạo phật đã kết hợp với những tín ngưỡng dân gian . Trải qua nhiều thăng trầm biến cố nhưng tư tưởng Đạo Phật vẫn luôn ăn sâu trong tiềm thức Việt. Đến thế kỷ thứ IX đã phát triển mạnh và hình thành những trung tâm lớn như : trung tâm Luy Lâu ở Thuận Thành – Hà Bắc (thuộc dòng Thiên Đàng), trung tâm ở Hoa Lư thuộc dòng Vô ngàn Thương (dòng Thịnh Đạt). Khi đạo Phật đã trở thành Quốc giáo thì ảnh hưởng của đạo Phật xuống tận các làng xã, khắp nơi xây chùa thờ Phật. Đạo Phật ở làng Cựu phát triển mạnh và có tầm ảnh hưởng sâu sắc tới bà con dân làng.

Đạo Phật là một đạo hướng thiện, khuyên con người ta tu nhân tích đức, sống từ bi bác ái, nó phù hợp với đạo lý truyền thống của con người Việt Nam nói chung, của các cư dân làng Cựu nói riêng. Đó là lòng “thương người như thể thương thân”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”…nên giáo lý đạo Phật đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cả dân tộc nói chung, của văn hóa làng Cựu nói riêng.

Chùa Phúc Duệ là nơi kết tinh những tinh hoa văn hóa vật chất và tinh thần của làng . Nó có quy mô kiến trúc cổ quý có giá trị về nghệ thuật, thẩm mỹ cao , được gìn giữ đến ngày nay là một minh chứng rõ nét về sức sống Phật giáo ở làng Cựu.

Từ xa xưa đến nay, ngày rằm, mồng một, người dân thường vào chùa thỉnh cầu đức Phật phù hộ độ trì cho họ gặp may mắn, vượt khó khăn trong cuộc sống . Chùa làng Cựu có các sư thầy trụ trì nên việc cúng lễ hàng ngày đều do các thầy đảm nhiệm . Những ngày đầu tháng ai vào chùa thắp hương có lòng thì công đức cho nhà chùa . Với tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian pháp” các sư thầy mỗi buổi sáng thường đọc kinh cầu nguyện và có nhiều đóng góp giúp truyền tải giáo lý đạo phật tới người dân làng cựu. Chùa là nơi tâm linh của những người dân làng Cựu cũng như người dân trong vùng.Chùa là nơi mà

người dân làng cựu luôn tìm tới để gửi gắm niềm tin cũng như cầu mong an bình cho gia đình, làng xóm…Vào những ngày rằm, mồng một hay ngày lễ tết chùa lúc nào cũng nghi ngút hương khói.

Chùa làm lễ vào các ngày: Lễ mẫu ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch, lễ vào hè mồng 1 tháng 4, lễ phật đản mồng 10 tháng 4. Đạo Phật ngày càng được đề cao trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Họ luôn giữ Phật trong tâm mình .

Qua khảo sát thấy rằng đạo phật tuy là một tôn giáo ngoại lai nhưng nó đã dung hòa với các tín ngưỡng, tập tục của Việt Nam nói chung và của làng Cựu nói riêng. Người làng Cựu rất sùng đạo phật và ngôi chùa có vai trò quan trọng trong đời sống của họ. Sở dĩ đạo phật phát triển mạnh ở làng Cựu vì do ngôi chùa được cho rằng rất thiêng cầu gì được nấy. Ngày nay khi xã hội phát triển Chùa Phúc duệ còn là nơi gửi vong đáp ứng nhu cầu tâm linh của dân làng ngoài ra trong các đám tang ma vai trò của sư thầy và các già là vô cùng quan trọng họ đóng vai trò giúp siêu thoát và bắc cầu cho người quá cố về thế giới bên kia.

*Nho giáo

Theo các nhà nghiên cứu Nho giáo xâm nhập vào Việt Nam từ thời Đông Hán, bắt đầu được đề cao vào thời Lý – Trần và hưng thịnh vào thời Lê. Biểu hiện là dòng họ Trần và dòng họ Nguyễn đều có những người đỗ đạt cao.

Nho giáo còn thể hiện ở việc người dân làng Cựu rất trọng chữ nghĩa. Trong các vế đối của làng sử dụng chữ nho, các hoành phi, các bức đại tự thể hiện tư tưởng của gia chủ . Tuy nhiên đạo này cũng bộc lộ những hạn chế của nó trong quá trình tồn tại đó là tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, chỉ nam giới mới được vào các sinh hoạt tại đình , chỉ nam giới mới được vảo giáp, chỉ nam giới mới có quyền quyết định các việc lớn trong làng.

Dù có hạn chế song không thể phủ nhận đạo Nho đã để lại những luật tục và truyền thống quý báu . Con cháu trong làng Cựu được căn dặn học hành , đối xử cho đúng trung hiếu tín nghĩa, giữ gìn nề nếp gia phong, phong tục cổ truyền, kính trên nhường dưới , tôn trọng người già…vv.

Tín ngưỡng

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Dân tộc Việt Nam có tục thờ cúng ông bà vì họ tin rằng “ cây có cội, nước có nguồn”. Ai ai cũng tưởng nhớ tới nguồn gốc sinh thành ra mình, đây là bài học làm người đầu tiên của dân tộc ta:

“ Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn Nuớc có nguồn mới bể rộng sông sâu Người ta nguồn gốc từ đâu?

Có cha mẹ rồi sau đó có mình”

Ở làng Cựu tục thờ cúng tổ tiên là hình thức tín ngưỡng phổ biến, sâu sắc nhất và bền vững nhất. Việc thờ cúng ông bà tổ tiên luôn luôn thể hiện tình nghĩa và lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, các bậc sinh thành.

Người dân Cựu coi những bậc đã quá cố đều là những bậc tiên tổ. Nhưng các vị tổ tiên chỉ tính được năm đời : cha, ông, cố(cụ), can, kỵ. Để phụng thờ tổ tiên các gia đình thường lập một bàn thờ gọi là bàn thờ gia tiên. Bàn thờ gia tiên bao giờ cũng được sắp đặt cẩn thận.Thường thì bàn thờ gia tiên chiếm hẳn một gian nhà đa phần là là gian chính giữa.

Lớp ngoài cùng là chiếc phản hoặc sập để mọi người lên đó làm lễ. Không có phản, sập thì để trống nền nhà, để khi cần thiết có thể bày bàn ghế hoặc trải chiếu.

Lớp thứ hai là một cái hương án trên mặt có đồ tam sự hay ngũ sự, lư hương cọc sáp bằng đồng, (hoặc 5 cái hoặc 3 cái), lọ độc bình, đèn… Những nhà khá giả còn có đôi hạc bằng đồng.

Hương án này là nơi khi có cúng bái, người ta mời các vị thần trong gia đình về ngự. Thông thường gồm có các vị thần : Long quân chúa mạch, Nhị vị thần môn, Đông trù tư mệnh, Táo phủ quần thần…

Lớp trong cùng mới thực sự là bàn thờ tổ tiên. Thường là một cái bàn dài, trên đặt ba bộ đồ thờ : phía bên trái (đứng ngoài nhìn vào) là một cái khám sơn son, kín ba mặt (tả, hữu và mặt sau), mặt trước có làm cửa nhỏ, có thể khép mở. Ở giữa là một cái ngai (hoặc một cái ỷ). Chiếc ngai sơn son thiếp vàng, hai tay ngai mang hình đầu rồng, đầu ngai nhô lên như hình tròn giống như mặt nguyệt. Ngoài bàn thờ ba lớp này, người làng Cựu còn treo một chiếc màn gọi là ỷ môn. Khi cúng lễ xong, màn ấy phải bỏ xuống để che khuất cả bàn thờ, để một lúc sau mới hạ cỗ bàn. Ý nghĩa của hành động này là “sự tử cũng như sự sinh, sự vong cũng như sự tồn”. Mời được các vị tổ tiên về, cầu khẩn, báo cáo xong rồi thì để cho các vị ăn uống. Khi các ngài ăn uống phải che màn đề người ngoài không nhìn thấy được.

Trường hợp các gia đình khá giả ở làng Cựu, gian thờ được trang hoàng bằng hoành phi câu đối. Hoành phi là một tấm biển gỗ nằm ngang trên xà nhà chiếu xuống bàn thờ. Biển được sơn son khắc chữ. Hai bên gian thờ còn treo câu đối. Câu đối là những biển gỗ dài được sơn son thiếp vàng treo dọc hai bên bàn thờ. Người làng Cựu cũng rất chú trọng bàn thờ họ luôn mong muốn được giữ gìn những nét cổ xưa vì vậy mà nhiều ngôi nhà trong làng vẫn giữ được bức đại

tự, tủ chè, sập đặc biệt là nhà bác Trần Ngọc Thụ vẫn gữ nguyên những giá trị truyền thống hơn thế nữa bác còn dành tiền mua những đồ cổ xưa có giá trị như: Sập được làm bằng gỗ Ngọc Am – một loại gỗ rất quý hiếm hay như cây hình rồng,cây đèn dầu rất cổ kính có niên đại hàng trăm năm tuổi. Hoặc như gia đình bà Nguyễn Thị Thanh vẫn luôn giữ gìn ngôi nhà cổ, nơi có bàn thờ gia tiên, nơi cất giữ bao kỉ niệm của bốn thế hệ đi qua.

Ngày giỗ được người dân Làng Cựu gọi là ngày kỵ, là ngày kỷ niệm người mất trong gia đình. Có giỗ lớn và giỗ mọn. Nếu là cha hay mẹ thì có những ngày kỷ niệm sau (làm sau khi mất) :

- Cúng ba ngày.

- Cúng thất tuần, sau khi người chết được 49 ngày. Hai ngày trên không gọi là giỗ mà gọi là ngày lễ.

- Ngày tiểu tường: tức ngày giỗ đầu, một năm sau khi mất. - Ngày đại tường: giỗ năm thứ hai sau khi người mất qua đời - Ngày trừ phục: giỗ hết khó.

- Giỗ cát kỵ: là giỗ lành, ngày giỗ chính hàng năm.

Trước ngày giỗ thường có lễ cúng tiên thường, làm vào lúc chiều tối. Ngày giỗ cha mẹ, người con trưởng phải chủ trì, các em đều phải làm mâm mang đến hoặc góp giỗ từ hôm trước. Những nhà có vai vế trong làng, nhà thầy học khi có giỗ, người quen cũng mang cau, rượu, vàng, hương đến lễ.

Có thể nói rằng người dân làng Cựu rất coi trọng tín ngưỡng thờ tổ tiên và nó thành nét đẹp văn hóa của làng.

Những dòng họ lớn ở làng Cựu, con cháu chung nhau làm một ngôi nhà để thờ vị thủy tổ của họ mình. Nhà thờ ấy gọi là nhà thờ họ hay nhà thờ tổ, tên chữ gọi là Từ đường.

Việc trang trí Từ đường cũng giống như trang trí bàn thờ gia tiên. Trước kia việc thờ tự ở đây là do ông trưởng họ trông nom. Mỗi năm vào ngày húy nhật ông Thủy tổ sau buổi lễ thường kéo nhau đi thăm mộ, đắp thêm cỏ hoặc tô lại mộ. Ngày nay, một số dòng họ trong làng điển hình là dòng họ Trần đã coi ngày tết thanh minh là ngày lễ chính. Ngày này mọi người trong dòng họ sẽ họp đông đủ dâng hương tưởng nhớ công ơn người đã khai sinh ra dòng họ cũng như ngôi làng này. Sau đó báo cáo những công việc mà dòng họ đã làm được và chưa làm được trong năm qua đồng thời cũng cầu xin sự phù hộ độ trì để dòng họ ngày càng phát triển, con cháu thông minh đỗ đạt, gia đình hạnh phúc, dòng họ thuận hòa. Hiện nay ông trưởng họ ở trên thành phố chỉ có ngày lễ mới về vì vậy việc phụng thờ thường nhật sẽ giao cho ban khánh tiết. Những ngày rằm, mồng một hay những ngày lễ thì người trông nhà thờ họ sẽ mở cửa, quét dọn, mua hoa quả dâng lên các vị tổ của mình.

Ngày giỗ họ mọi người dù ở đâu cũng dành thời gian về thắp nén hương tưởng nhớ. Trước ngày hôm đó, ông trưởng họ cùng một số người chức sắc trong dòng họ sẽ thắp hương báo với tổ đường để các tổ tiên về chứng giám lòng thành của con cháu trong dòng họ đồng thời bàn bạc kinh phí cũng như các khâu tổ chức giỗ họ của dòng họ. Việc này hầu như ông trưởng họ cùng ban khánh tiết đã dự trù từ trước cho tới trước ngày giỗ họ một hôm thì thông báo cho tất cả những người trong làng của dòng họ để góp ý kiến và bàn bạc các mục.

Vào ngày lễ, đứng đầu là ông trưởng họ cùng các trưởng chi chuẩn bị mâm hoa quả, rượu, hương cúng ở mộ và xin mời các vị tổ về nhà thờ họ. Ở nhà thì mọi người lo làm cơm, các người ở xa về thì việc đầu tiên là vào thắp nén

hương trước bàn thờ họ. Thường giờ lễ chính sẽ được chọn vào khoảng 9h sáng khi đó người trong dòng họ khắp nơi dường như đã đông đủ. Khi làm lễ ông trưởng họ đọc văn tế, con cháu ăn mặc trang trọng, hai tay cũng bái cầu xin cho quốc thái dân an, gia đình thịnh vượng, con cháu dòng họ thành đạt.

Sau bữa cơm dòng họ thì con cháu dòng họ họp bàn chuyện dòng họ. Ví dụ như chuyện mộ tổ hay việc đóng tiền đinh, cúng tiến tiền của để giữ gìn phát triển dòng họ….

Tín ngưỡng thờ cúng tổ họ thấm đượm đạo lý uống nước nhớ nguồn, và vì “cây có gốc mới nở cành xanh ngọn”, “nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”, đó là một lối ứng xử cộng đồng gia đình, dòng họ ở làng Cựu và mở rộng cực đại tới cộng đồng dân tộc quốc gia.

Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng

Ngạn ngữ có câu:

“Trống làng nào làng ấy đánh Thánh làng nào làng ấy thờ”.

Tục thờ cúng thành Hoàng làng ở là sự nối tiếp truyền thống

Hàng năm trong làng nếu có tổ chức các ngày lễ như: Lễ Kỳ Yên, lễ Khai Hạ, lễ Hạ Điền…, thì Thành Hoàng là vị thần trước nhất được mời về chứng kiến cho dân làng. Lễ thờ cúng thành hoàng được tổ chức trang nghiêm ở đình làng. Các vị Hương chức đều phải mặc áo gấm thụng, đội mũ ra làm lễ, có phân công nhiệm vụ Tiến tửu (dâng rượu), độc chúc (đọc văn khấn). Các phường Bát Âm phục vụ nghi lễ bài bản. Làng tổ chức vui chơi giữa ngay sau khi cuộc tế lễ. Vui chơi có các trò đập om, kéo co, đua thuyền.

Ngoài các tín ngưỡng nói trên, ở làng Cựu còn có tín ngưỡng thờ thần bà, theo điều tra của tác giả thì 100% người làng không rõ vị thần bà là ai? Nhưng

theo phán đoán của tác giả thì vị thần bà có thể là đệ nhị Tiên Dung Châu(?) vì theo truyền thuyết thì nàng chính là người có liên quan và phù hộ cho làng.

Trước kia đình Cựu thờ thành hoàng làng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong tín ngưỡng của bà con thôn Cựu nhưng hiện nay yếu tố thành hoàng làng ở đình ngày càng mờ nhạt. Lý giải lý do này cho thấy việc thành hoàng làng nhiều năm bị ngắt quãng do chiến tranh từ năm 1954 cho tới năm 1986 mới được phục dựng lại đình. Rõ ràng rằng miền Bắc sau những năm biến động, loạn lạc của thế kỷ XX đã đứt quãng văn hóa rất kinh khủng vì vậy chuyện người dân làng Cựu không nhớ nổi thần phả cũng như tên vị thần là một minh chứng rõ nét nhất. Nói đến đình làng Cựu, tác giả khóa luận lại liên tưởng tới biết bao ngôi đình chỉ vì sự đứt quãng văn hóa mà thành cơ sự chỉ biết một lòng thành hương nhang, thờ phụng nhưng không rõ tên cũng như thần phả của thành hoàng làng.

Qua những khảo sát cũng như đọc tài liệu thì có thể thấy rằng tín ngưỡng thờ thành hoàng làng và thần bà chính là những vị tướng và nàng Tiên Dung Châu được thờ tại đình và chùa làng, trước kia hàng năm có lễ hội. Có thể dễ dàng nhận thấy sự dung hòa giữa yếu tố tín ngưỡng của làng Cựu đó là việc các vị thần được thờ cả ở đình và chùa.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Văn hóa làng Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội (Trang 50 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(84 trang)
w