Trong số 80 bệnh nhân có tới 77 trường hợp ở độ tuổi dưới 50, thấp nhất là 7 tuổi, đây là độ tuổi đi học và lao động, họ rất cần những phương tiện giúp họ nhìn rõ hơn, đọc dễ hơn để phục vụ cho việc học, công việc, nhu cầu
giải trí, quản lý tài chính gia đình….Chỉ có 3 trường hợp ở độ tuổi trên 50, trái ngược với mong muốn ban đầu của chúng tôi là tập trung vào nhóm bệnh nhân người cao tuổi để đánh giá hiệu quả của MVHD trên những bệnh nhân thoái hóa hoàng điểm tuổi già hoặc bệnh võng mạc đái tháo đường. Có lẽ đây cũng là điểm khác với nghiên cứu của rất nhiều tác giả trên thế giới, bởi người Việt nam, nhất là những người già lại hoàn cảnh khó khăn thì đối với họ, chất lượng cuộc sống không được quan tâm bởi gần như họ cam chịu với một tình trạng thị giác kém và hầu hết họ phải sống phụ thuộc vào con cái và những người bảo trợ.
Ở nước ngoài, những người già bị khiếm thị họ vẫn rất quan tâm đến chất lượng thị giác của mình, bởi vậy khi có bất kỳ sự thay đổi nào về thị giác họ đều có ý thức: cần đi khám bệnh ngay. Nhưng ở Việt nam, những người già khiếm thị thường chịu đựng cho đến lúc bệnh tiến triển quá nặng rồi mới đi khám và lúc đó họ phải chấp nhận tình trạng thị giác tồi tệ và không còn khả năng trợ thị.
Tuổi trung bình của bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi là 24,94 ± 13,5; bệnh nhân cao tuổi nhất là 71 tuổi và bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 7 tuổi. Trong khi các nghiên cứu của tác giả nước ngoài thì tuổi trung bình của bệnh nhân trong các nghiên cứu của họ cao hơn rất nhiều. Ví dụ nghiên cứu của Chia - Yun Li [27] thực hiện từ năm 1998 đến 2001 trên 203 người khiếm thị từ 5 đến 89 tuổi thì tuổi trung bình là 38,8 ± 25,2, hay tác giả Margrain [19] nghiên cứu trên 168 người khiếm thị từ 12 đến 103 tuổi trong 6 tháng thì tuổi trung bình là 76 hoặc một nghiên cứu khác của Stelmack [28] trên 215 người khiếm thị từ 18 đến 85 tuổi, tuổi trung bình là 69,2 ± 12,3; rõ ràng tỷ lệ người khiếm thị ở nước ngoài chủ yếu là người cao tuổi. Điều này có nghĩa là ở lứa tuổi trẻ em và độ tuổi lao động tỷ lệ người khiếm thị do các
bệnh mắt mắc phải là rất thấp và việc điều trị bệnh kịp thời sẽ làm giảm thiểu tỷ lệ di chứng của bệnh [26].
4.1.2. Nguyên nhân gây khiếm thị
Nguyên nhân gây khiếm thị nếu phân loại theo bệnh học chúng tôi thấy trong số 80 bệnh nhân, bệnh lý thể thủy tinh là nguyên nhân hàng đầu gây khiếm thị chiếm tỷ lệ 32,5% trong đó nhiều nhất là những trường hợp đã mổ lấy thể thủy tinh và không đặt thể thủy tinh nhân tạo, ngoài ra một số trường hợp đục thể thuỷ tinh chưa mổ do những lý do khác nhau như: đã mổ một mắt nhưng thị lực không cải thiện, hoặc kèm theo các tổn thương khác như nhãn cầu nhỏ, rung giật nhãn cầu…, nguyên nhân đứng thứ hai là các bệnh lý võng mạc hoàng điểm chiếm tỷ lệ 26,2% trong đó chủ yếu là bệnh võng mạc sắc tố (12,5%) và nguyên nhân đứng thứ 3 là những tổn hại của thị thần kinh chiếm 11,2% trong đó đa phần là các trường hợp teo gai thị. Kết quả về nguyên nhân khiếm thị theo bệnh học trong nghiên cứu này phù hợp với tác giả Nguyễn Thị Thu Hiền [26]. Tìm hiểu các nghiên cứu của một số tác giả nước ngoài chúng tôi thấy nguyên nhân gây khiếm thị phân loại theo bệnh học của chúng tôi rất khác so với các kết quả của họ. So sánh với nghiên cứu của Robert [29] ở Mỹ trên 407 bệnh nhân thấy rằng nguyên nhân gây khiếm thị đứng đầu là bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già (chiếm 43%) nguyên nhân đứng thứ hai là bệnh võng mạc đái tháo đường (chiếm 17%) và nguyên nhân đứng thứ ba là bệnh glôcôm (chiếm 13%). Cũng rất khác với kết quả nghiên cứu của Margrain [19] trên 168 người khiếm thị ở Anh thấy rằng nguyên nhân chính gây khiếm thị là thoái hóa hoàng điểm tuổi già (58,3%), nguyên nhân đứng thứ hai là bệnh glôcôm (6,5%) và nguyên nhân đứng thứ ba là bệnh võng mạc đái tháo đường (chiếm 6%). Rất khác với kết quả nghiên cứu của Suzukamo [30] trên 276 người khiếm thị trên 21 tuổi tại Nhật bản thấy rằng nguyên nhân gây khiếm thị chính là đục thể thủy tinh (34,8%) bệnh
thoái hóa hoàng điểm tuổi già (29%) và bệnh glôcôm (25%). Chia – Yun Li [27] nghiên cứu trên 203 người khiếm thị ở Đài loan thấy rằng bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già là nguyên nhân phổ biến nhất (chiếm 14,3%) gây ra khiếm thị. Còn ở khu vực Đông nam Á, Saw [31] nghiên cứu trên 989 người khiếm thị ở Indonesia thấy rằng nguyên nhân gây khiếm thị hàng đầu là đục thể thủy tinh (48,0%) và đứng thứ hai là tật khúc xạ không được chỉnh kính (12,0%). Ngoài ra hầu hết các nghiên cứu của các tác giả khác như: Scott [32], Wolffshon [33], Keeffe [34], Williams [35]… cho thấy bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già đang là nguyên nhân hàng đầu gây khiếm thị ở người lớn tuổi. Như vậy, nếu phân loại theo bệnh học thì ở Châu Á cũng như ở Việt Nam nguyên nhân hàng đầu gây khiếm thị là bệnh lý thể thủy tinh.
Tuy nhiên nếu phân loại theo tổn hại chức năng thị giác thì ta thấy trong số 80 bệnh nhân thì có 81,2% trường hợp là do các nguyên nhân gây tổn hại thị lực - thị trường trung tâm và chỉ có 18,8% trường hợp là do các nguyên nhân gây tổn hại thị lực - thị trường ngoại vi. Nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với kết quả của tác giả Nguyễn Thị Thu Hiền [26] và các tác giả nước ngoài như nghiên cứu của Owsley [36] trên 651 người khiếm thị ở Mỹ thấy rằng 74,1% trường hợp là do các nguyên nhân gây tổn hại thị lực - thị trường trung tâm tuy nhiên có điểm khác là bệnh lý chính gây khiếm thị là do bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già (67,1%), hay nghiên cứu của Goh [37] cho thấy nguyên nhân gây tổn hại thị lực - thị trường trung tâm ở người khiếm thị chiếm 76,4%.