- Nhóm Cúc tia:
1.7.2. Tình hình nghiên cứu hoa cúc tại Việt Nam
Ở Việt Nam cây hoa cúc được trồng từ lâu đời, nên cũng có nhiều công trình nghiên cứu về cây hoa cúc. Nhưng những nghiên cứu chỉ tập trung vào kĩ thuật chọn tạo, nhân giống, kĩ thuật trồng, thâm canh, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh...
a. Nghiên cứu ảnh hưởng của nồng độ GA3 đến sinh trưởng phát triển và chất lượng hoa của cây hoa cúc
Hoàng Minh Tấn và Nguyễn Quang Thạch (1993) [12], đã nghiên cứu để cây cúc hè có thể ra hoa vào mùa đông bằng xử lý GA3 nồng độ 20 – 25 ppm phun vào đỉnh sinh trưởng và GA3 ở nồng độ 10 – 50 ppm có thể làm tăng chiều cao cây hoa cúc. Ngoài ra để loại bỏ tác động xấu của Etylen - tác nhân gây già hoá ở hoa có thể dùng AgNO3, muối Clo của các kim loại nặng như Titan, Niken và một số chất có tác dụng đối kháng với Etylen như Auxin, GA3 và Xytokinin có thể ngăn cản quá trình này.
Theo Nguyễn Mạnh Khải, Nguyễn Quang Thạch (1999) [7] và thông tin KHKT rau hoa quả (1997), việc sử dụng các chế phẩm và chất kích thích sinh trưởng như Spray N – grow (SNG) 1%, Antonik 0,5%, GA3 (Gibberellin) 50ppm đều có tác dụng rõ rệt đến sự sinh trưởng, phát triển của cúc Vàng Đài Loan. Trong đó, GA3 tác động mạnh ở giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng, làm tăng chiều cao cây và rút ngắn thời gian nở hoa, còn SNG và Antonik tác động mạnh ở giai đoạn sinh trưởng sinh thực nâng cao tỷ lệ nở hoa và kéo dài độ bền hoa cắt. Hai loại thuốc SNG 1% và GA3 100 ppm cũng có ảnh hưởng tốt đến sinh
trưởng phát triển của cúc CN93 trong vụ Đông, làm tăng tỷ lệ nở hoa, đặc biệt là chiều cao cây, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nguyễn Xuân Linh và cộng sự, 2006 [11] đã tiến hành thí nghiệm về xử lý một số chế phẩm cho hoa cúc CN97. Kết quả cho thấy nếu chỉ xử lý GA3 (nồng độ 10 g/l) thì cây cao, thẳng nhưng yếu, cuống hoa dài, cánh hoa thưa, nhỏ, không cân đối với thân cành. Nếu kết hợp xử lý GA3 và phân bón lá thì cây cao, thẳng, cứng, mập, hoa to, cánh đều, cân đối với thân cành.
b. Nghiên cứu về chế phẩm dinh dưỡng cho cây hoa cúc
Trung tâm Hoa cây cảnh - Viện Di truyền Nông nghiệp đã sử dụng kích phát tố của Công ty Thiên Nông với liều lượng 1g thuốc pha trong 1 lít dung dịch sạch rồi nhúng phần gốc của cành vào khoảng 30 phút, sau đó đem phần dung dịch thuốc còn lại pha thêm 5g phân bón lá và phun lại trên cành giâm, cứ 3 – 5 ngày phun dung dịch này 1 lần, có thể đảm bảo từ 80 – 90% số cây ra rễ với thời gian rút ngắn hơn so với đối chứng từ 2 – 4 ngày, phương pháp này được áp dụng cho việc nhân giống cúc vào mùa hè để đạt hiệu quả cao.
Phạm Thị Thu Trang (2003) [1] đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của chế độ phun phân bón lá phức hữu cơ Pomior đến sinh trưởng phát triển của giống cúc vàng Đà Lạt và đưa ra kết luận: phân Pomior có thể sử dụng để bón thúc cho cây hoa cúc mà không cần phải bón thêm phân khoáng, với nồng độ dung dịch đã pha là 0,4% và phun 10 ngày/lần sẽ cho năng suất và chất lượng hoa cao hơn khi sử dụng phân khoáng để bón thúc.
Hoàng Ngọc Thuận (2005) [15] cho rằng lượng phân bón cho 1 sào Bắc Bộ là: 500 – 1.000 kg phân chuồng + 10 kg urê + 17 kg super lân + 20 kg kali sunlfat + phân bón lá phức hữu cơ Pomior khoảng 500 ml (dùng phun 3 lần, tưới 1 lần). Trong đó, lượng phân dùng bón lót: toàn bộ lượng phân chuồng và phân lân + 4 kg urê + 4 kg kali sunlfat. Lượng phân bón còn lại dùng để bón thúc. Có thể dùng phân chuồng pha loãng tưới thúc thêm cho cây sau trồng 15 – 20 ngày và 30 – 45 ngày. Ông cho rằng cũng có thể thay thế bón thúc hoặc bón thúc bổ sung thời kỳ khủng hoảng dinh dưỡng (chuẩn bị phân hoá mầm hoa) bằng phân bón lá, phân phức hữu cơ sẽ làm tăng năng suất, chất lượng hoa. Hoàng Ngọc
Thuận (2005) [15] Trong một thí nghiệm khác năm tác giả này đã so sánh việc bón thúc 2 loại phân bón NPK Sông Gianh và phân bón qua lá Pomior ở 4 nồng độ khác nhau (từ 0,2 – 0,5%) cho hoa cúc đồng tiền và kết luận rằng tất cả các công thức có bón phân Pomior, phun định kỳ 5 ngày/lần đều cho khả năng sinh trưởng và năng suất cao hơn công thức đối chứng (bón thúc bằng phân NPK Sông Gianh), trong đó, phun Pomior nồng độ 0,4% đã làm tăng năng suất và chất lượng hoa cúc đồng tiền rất rõ rệt, thể hiện tỷ lệ hoa loại 1 đạt cao hơn so với các công thức khác [15].
Nguyễn Xuân Linh và cộng sự, 2006 [11] cũng kết luận rằng bổ sung phân bón lá cho cúc CN97 không chỉ khiến cây sinh trưởng phát triển tốt mà còn cho năng suất và chất lượng hoa cao hơn, từ đó tăng thu nhập cho người trồng hoa.
Như vậy có thể thấy rằng đã có không ít kết quả nghiên cứu về cây hoa cúc trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên những nghiên cứu này chưa thể toàn diện và đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn sản xuất. Ngày nay khi mà bộ giống cũng như yêu cầu của thị trường ngày càng đa dạng thì càng cần những nghiên cứu cơ bản và chuyên sâu để đáp ứng với đặc tính của từng giống cúc cũng như các yêu cầu phong phú của thị trường. Điều này sẽ giúp các nhà khoa học mở rộng kiến thức và giúp người trồng hoa có thể xây dựng được những quy trình sản xuất phù hợp trong từng điều kiện cụ thể.