Trong nghiên cứu của chúng tôi, về đặc điểm lâm sàng có 11 bệnh nhân giới hạn thể lực có ý nghĩa chiếm 35,5% với mức độ khó thở theo NYHA ở III, không có bệnh nhân khó thở mức độ NYHA IV (bảng 3.7). Kết quả này của chúng tôi tương tự với kết quả của mốt số tác giả như G.P.Diller (46%), Silversides (31%) và A.Kempny (37%) [6],[16],[58].
Các triệu chứng cơ năng gặp khác trong nghiên cứu gồm: mệt mỏi, hồi hộp trống ngực, đau ngực, ho máu, ngất, khàn tiếng. Trong đó triệu chứng mệt mỏi, hồi hộp trống ngực là triệu chứng cơ năng luôn có trong hội chứng Eisenmenger. Trong nghiên cứu chúng tôi, 100% bệnh nhân có cảm giác dễ mệt mỏi và 70,6% bệnh nhân hay gặp biểu hiện hồi hộp trống ngực nhất khi hoạt động thể lực vừa (bảng 3.6). Triệu chứng này là thể hiện cung lượng tim thấp.
Triệu chứng đau ngực gặp ở 20,6% bệnh nhân nghiên cứu của chúng tôi (bảng 3.8). Đau ngực ở bệnh nhân Eisenmenger có thể có tính chất đau giống như cơn đau ngực do thiếu máu cơ tim vì tăng áp lực thất phải, đè ép động mạch vành do giãn động mạch phổi hoặc xơ vữa mạch. Đau ngực thường xảy ra khi gắng sức và có thể cả khi nghỉ ngơi [4],[5].
Trong nghiên cứu của chúng tôi, có 8 bệnh nhân có triệu chứng ho ra máu xuất hiện và có tái phát, chiếm tỷ lệ 23,5% (bảng 3.8). Tỷ lệ này tương đối phù hợp với các nghiên cứu của các tác giả khác trên thế giới như G.P.Diller (20,5%), Silversides (35%), Paul Wood (33%) [5],[6],[58].
Các tác giả Paul Wood (1958) và Silversides (2003) đã chỉ ra ho máu là do huyết khối gây tắc ĐMP. Tần số ho máu tăng dần theo tuổi và khi BN trên 40 tuổi, 100% có biểu hiện ho máu, Các tác giả cũng chỉ ra rằng tình trạng đa hồng cầu ở các BN này là một yếu tố thúc đẩy hình thành huyết khối ĐMP. Còn tình trạng xơ vữa động mạch kèm theo có thể là yếu tố quyết định sự khởi phát muộn của ho máu trong quá trình tiến triển của bệnh [5],[58].
Ngoài ra chúng tôi chỉ gặp 2 bênh nhân có biểu hiện ngất, chiếm 5,9% (bảng 3.8). Kết quả của chúng tôi giống với một số kết quả của Paul Wood (10-15%), G.P.Diller (13%), A.Kempny (7%) [5],[6],[16]. Ngất là một triệu chứng không đặc hiệu tron ghội cứng Eisenmenger, cơ chế có thể do tình trạng đa hồng cầu, cô đặc máu thứ phát làm giảm tưới máu não, giảm Oxy máu cung cấp cho bộ não, thêm nữa cô đặc máu làm nhồi máu vi mạch nhỏ gây tình trạng thiếu máu não thoáng qua. Biểu hiện ngất thường xảy ra khi gắng sức hoặc trong tư thế đứng do tâm thất không duy trì đủ cung lượng tim cần thiết.
Trong nghiên cứu của chúng tôi có 2 bệnh nhân (chiếm 5,9%) biểu hiện nói khàn (bảng 3.8). Triệu chứng này là do ĐMP gốc và các nhánh chính giãn to chèn ép vào các dây thần kinh quặt ngược bên trái.
Có 88,2% bệnh nhân trong nghiên cứu đã có biểu hiện tím trên lâm sàng ở các mức độ khác nhau (bảng 3.8). Tím là biểu hiện hậu quả gặp ở tất cả các bệnh nhân TBS có luồng thông đã đảo chiều do có dòng máu từ tuần hoàn phổi đi vào tuần hoàn hệ thống. 11,8% bệnh nhân chúng tôi chưa nhận thấy tím rõ bằng khám lâm sàng nhưng đã có biểu hiện giảm SpO2, nhất khi gắng sức qua trắc nghiệm đi bộ 6 phút. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự như kết quả của tác giả Đỗ Thị Thu Trang khi đánh giá trên đối tượng bệnh nhân tăng áp lực ĐMP nặng [57].
Mức độ bão hòa oxy lúc nghỉ ngơi trong nghiên cứu của chúng tôi là: 87,35 ± 5,06%. Kết quả này tương tự với một số tác giả nước ngoài như A.Kempny [16] và G.P. Diller [53] khi đánh giá độ bão hòa oxy lúc nghỉ ngơi trên đối tượng Eisenmenger trước khi thực hiện 6MWT.
Ngón tay dùi trống gặp ở 70,6% (bảng 3.8). Kết quả này phản ánh đặc điểm đối tượng bệnh nhân ở các tuổi bệnh và giai đoạn khác nhau trong nghiên cứu. Biểu hiện ngón tay dùi trống trong nghiên cứu của chúng tôi là hậu quả của tiến triển lâu dài tình trạng thiếu oxy mạn tính trong hội chứng Eisenmenger làm tăng sinh các mao mạch ở ngoại biên, kèm theo là biểu hiện tăng sinh mao mạch niêm mạc ở các vị trí quan sát được như niêm mạc mắt, niêm mạc lưỡi và mặt trong môi. Vì thế bệnh nhân TAĐMP càng nặng, bệnh tiến triển càng lâu dài thì dấu hiệu ngón tay dùi trống càng rõ ràng, đầu xa của các ngón chân, tay phì đại rõ, móng cong vồng.
Tiếng T2 mạnh ở ổ van ĐMP gặp ở tất cả các bệnh nhân trong nghiên cứu phù hợp với tiêu chuẩn chọn bệnh nhân Eisenmenger của chúng tôi.