6. Bố cục của đề tài
3.2.3. Nội dung cơ bản của Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh,
Hiệp định Giơnevơ gồm các văn bản với những nội dung chủ yếu sau đây: a. Văn bản được coi là quan trọng nhất thể hiện sự nhất trí của các Đoàn tham gia Hội nghị là "Tuyên bố cuối cùng của Hiệp định Giơnevơ". Tuyên bố gồm 13 điều, lược trích như sau:
1. Hội nghị được chứng nhận các bản Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Cao Miên, Lào và Việt Nam.
2. Hội nghị tin tưởng việc thi hành bản tuyên bố và các Hiệp định đình chỉ chiến sự sẽ làm cho Cao Miên, Lào, Việt Nam từ nay có thể đảm nhận độc lập, chủ quyền hoàn toàn của mình.
3. Hội nghị chứng nhận tuyên bố của hai Chính phủ Cao Miên và Lào về việc để tất cả mọi công dân tham gia tổng tuyển cử tự do tiến hành trong năm 1955.
4. Hội nghị chứng nhận những điều khoản cấm đưa vào Việt Nam quân đội, nhân viên quân sự ngoại quốc, cũng như vũ khí đạn dược; chứng nhận những tuyên bố của Chính phủ Cao Miên và Lào chỉ yêu cầu viện trợ quân sự, nhân viên, huấn luyện viên trong phạm vi cần thiết để bảo vệ lãnh thổ hiệu quả.
5. Hội nghị chứng nhận về Hiệp định về Việt Nam khẳng định rằng không được thành lập căn cứ quân sự nước ngoài ở hai miền, không tham gia liên minh quân sự; chứng nhận những tuyên bố của hai Chính phủ Cao Miên và Lào nói rằng sẽ không ký kết bất cứ hiệp định nào với nước khác buộc họ phải tham gia một khối liên minh quân sự không phù hợp với nguyên tắc của
Hiến chương Liên hợp quốc, hoặc nếu hiệp định đó buộc họ phải lập những căn cứ quân sự nước ngoài khi mà an ninh hai nước đó không bị đe doạ.
6. Hội nghị chứng nhận rằng mục đích căn bản của Hiệp định về Việt Nam là cách giải quyết các vấn đề quân sự để đình chỉ chiến sự và giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, hoàn toàn không thể coi là một ranh giới về chính trị hay về lãnh thổ.
7. Hội nghị tuyên bố đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị, thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; cuộc tổng tuyển cử tự do sẽ tổ chức tháng 7 năm 1956; kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1955, hai bên sẽ gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó.
8. Phải để cho tất cả mọi người Việt Nam tự do lựa chọn vùng họ muốn sinh sống.
9. Ở Bắc và Nam Việt Nam, Lào và Cao Miên không được báo thù những người đã hợp tác với một trong hai bên trong chiến tranh.
10. Hội nghị chứng nhận tuyên bố của Chính phủ Pháp khẳng định việc sẵn sàng rút quân đội Pháp khỏi Cao Miên, Lào và Việt Nam, trừ trường hợp do thoả thuận hai bên, một số có thể ở lại những điểm nhất định trong thời gian nhất định.
11. Hội nghị chứng nhận tuyên bố của Chính phủ Pháp sẽ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Cao Miên, Lào và Việt Nam.
12. Trong quan hệ với Cao Miên, Lào, Việt Nam mỗi nước tham gia hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau và không can thiệp vào nội trị của các nước đó.
13. Các nước tham gia hội nghị sẽ tham khảo ý kiến nhau về mọi vấn đề mà Ban giám sát và kiểm soát quốc tế chuyển tới, nhằm nghiên cứu những biện pháp cần thiết bảo đảm tôn trọng các hiệp định đình chỉ chiến sự.
b. Qua cuộc đấu tranh gay gắt trong các cuộc thương lượng chính thức và tại hành lang của Hội nghị, các bên đã đi đến ký được bản Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Cao Miên.
Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam có 6 chương với 47 điều khoản, các chương gồm các vấn đề lớn:
- Giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi quân sự gồm 9 điều khoản, trong đó quy định việc Quân đội nhân dân Việt Nam tập kết ở phía Bắc, quân đội Liên hiệp Pháp ở phía Nam giới tuyến, với một khu phi quân sự; thời hạn di chuyển hoàn toàn lực lượng hai bên không vượt quá 300 ngày.
- Nguyên tắc và cách thức thi hành hiệp định, gồm 6 điều khoản, trong đó theo nguyên tắc ngừng bắn trên toàn cõi Đông Dương, sự đình chỉ chiến sự phải đồng thời trên toàn cõi Việt Nam.
- Cấm đưa thêm quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí đạn dược mới, căn cứ quân sự, gồm 5 điều khoản, trong đó cấm không được đưa thêm vào Việt Nam quân đội đội và nhân viên quân sự, vũ khí, dụng cụ chiến tranh, tuy nhiên cho phép thay thế ngang cấp, một thay một; cấm không được lập căn cứ quân sự ngoại quốc, không gia nhập liên minh quân sự, không bị sử dụng để gây lại chiến tranh hoặc phục vụ cho một chính sách xâm lược.
- Tù binh và thường dân bị giam giữ, gồm một điều khoản, quy định tất cả tù binh và thường dân Việt, Pháp hoặc quốc tịch khác bị giam giữ từ đầu chiến tranh sẽ được tha trong vòng 30 ngày.
- Mục linh tinh, gồm 6 điều khoản, trong đó quy định Tư lệnh hai bên trừng phạt những người thuộc quyền mình làm trái điều khoản hiệp định; cho phép các chuyên viên liên quan vào trong vùng của phía bên kia lấy thi hài của quân nhân hoặc tù binh chết...
- Ban Liên hợp và Ban Quốc tế ở Việt Nam, gồm 17 điều khoản, trong đó quy định thành lập một Ban Liên hợp, với một số đại biểu bằng nhau của
Bộ Tổng tư lệnh hai bên; thành lập một Ban Quốc tế giám sát và kiểm soát thực hiện hiệp định gồm các nước Ấn Độ, Ba Lan, Canađa, với số đại biểu bằng nhau, do Ấn Độ làm Chủ tịch.
c. Ngoài ra, còn có các tuyên bố đơn phương của Pháp về việc sẵn sàng rút quân khỏi ba nước Đông Dương và tôn trọng độc lập, chủ quyền của ba nước Việt - Miên - Lào; của Vương quốc Lào về việc không tham gia chính sách xâm lược; của Vương quốc Campuchia về việc bảo đảm quyền tự do của công dân Miến Điện trong phiên họp bế mạc, chiều ngày 21/7, các Trưởng đoàn của Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam đã đưa ra tuyên bố riêng.
Đại diện của Chính phủ Hoa Kỳ cũng ra tuyên bố cam kết Mĩ sẽ không dùng vũ lực phá hoại các Hiệp định và 12 điều đầu tiên của Tuyên bố chung, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và sẽ xem mọi hành động xâm lược mới là vi phạm các Hiệp định và đe doạ hoà bình và an ninh quốc tế. Tại Washington, ngày 21/7, Tổng thống Mĩ Aixenhao tuyên bố: "Tôi không có gì phê phán cái đã làm được ở Giơnevơ bởi vì tôi không có
một giải pháp thay thế".
Như vậy là Hiệp định đình chỉ chiến sự - những văn bản duy nhất được ký kết và tuyên bố cuối cùng do các bên tham gia hội nghị thoả thuận trong hai ngày 20 và 21/7 cùng với các tuyên bố đơn phương tôn trọng Hiệp định của Chính phủ Mĩ, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc đã tạo thành khung pháp lý của Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương.
Nhân dịp kết thúc Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Pháp M.France đã trao đổi các công hàm về các quan hệ giữa hai nước Việt - Pháp trong thời gian tới.