Bão lũ là một hiện tượng thời tiết cực đoan đe dọa rất lớn đến con người cũng như trong sản xuất nông nghiệp của toàn huyện. Nhận thức của người dân được thể hiện trong bảng 4.4. Theo bảng 4.4 người dân cho rằng bão xuất hiện sớm hơn (xã Hải Nam chiếm 48,9% số phiếu điều tra, thể hiện rõ nét hơn tại xã Hải Lý chiếm 71,1% số phiếu điều tra tại xã) và bão kết thúc muộn hơn (xã Hải Lý chiếm 88,9% số phiếu, xã Hải Nam số phiếu nhận định tuy ít hơn nhưng
cũng chiếm 60% số phiếu điều tra). Đa phần người dân của 2 xã đều cho rằng số lượng cơn bão giảm (64,4% số phiếu của xã Hải Nam có nhận định trên và xã Hải Lý chiếm 86,7% số phiếu điều tra) nhưng cường độ của bão mạnh lên rất nhiều. Nhận định này thể hiện rất rõ trong kết quả phỏng vấn người dân 2 xã: 82,2% tại xã Hải Nam và 95,6% tại xã Hải Lý.
Người dân còn cho biết thêm thường bão sẽ xuất hiện vào tháng 7 và kết thúc vào tháng 9 nhưng gần đây có những cơn bão xuất hiện vào cuối tháng 6 và kết thúc vào tháng 10. Và các cơn bão thường tập trung vào tháng 9 và gây mưa lớn có khi dẫn tới lũ lụt. Các cơn bão xảy ra thất thường giữa các năm, những cơn bão lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và quá trình SXNN.
Bảng 4.4 : Nhận thức của người dân về thời gian xuất hiện bão, tần số xuất hiện bão và cường độ bão trên địa bàn 2 xã (% số hộ phỏng vấn trên từng xã)
Hải Nam Hải Lý
Thời gian xuất hiện bão Sớm hơn 48,9 71,1
Muộn hơn 31,1 20
Không đổi 20 8,9
Thời gian kết thúc bão Sớm hơn 22,2 11,1
Muộn hơn 60 88,9
Không đổi 17,8 0
Số lượng cơn bão Tăng 8,9 8,9
Giảm 64,4 86,7
Không đổi 26,7 4,4
Cường độ bão Tăng 82,2 95,6
Giảm 15,6 2,2
Không đổi 2,2 2,2
(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra, 2015)
Theo thống kê của Trạm KT – TV Nam Định mỗi năm huyện Hải Hậu phải gánh chịu 4 - 6 cơn bão, cường độ bão mạnh hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Điển hình các cơn bão to vào năm (1996, 1998, 2006, 2012) gió mạnh trên cấp 11 gió giật trên cấp 13. Theo nhận định của trạm trưởng Trạm khí tượng Văn Lý vào năm 2005 bão lớn cùng với triều cường gây thiệt hại lớn cho
huyện Hải Hậu về đời sống tinh thần, vật chất đặc biệt gây thiệt hại lớn đến ngành trồng trọt. Bão mạnh nước lũ tràn qua đê làm vỡ 1 con đê của xã Hải Lý.
Theo báo cáo của tỉnh Nam Định (2005), cơn bão số 7 năm 2005 đã làm hư hại 28 đoạn đê, trong đó nặng nhất là các tuyến đê biển của 3 huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng với tổng chiều dài là 20.236 m; làm 48.000 ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó mất trắng 13.000 ha, 35.000 ha có khả năng giảm năng suất từ 20% - 50%; 6.000 ha NTTS bị vỡ bờ, ngập tràn, mất trắng.