4.2.1.1. Nhận thức của người dân về sự thay đổi của nhiệt độ
Trong tổng hợp kết quả phiếu điều tra 100% số hộ được phỏng vấn (90 phiếu) đều cho rằng khí hậu có ấm dần lên.
Đa số người dân trong hai xã đều cho rằng có sự gia tăng số ngày (đợt) nóng bất thường trong mùa hè (tại xã Hải Nam chiếm 86,7% số phiếu được hỏi tại xã, tại xã Hải Lý chiếm 93,3% số phiếu được hỏi tại xã). Trong khi đó tại xã Hải Nam chỉ có 8,9% số phiếu cho rằng số số ngày (đợt) nóng bất thường trong mùa hè là giảm và 4,4% nói không đổi. Tại xã Hải Lý có 2,2% số phiếu cho rằng số số ngày (đợt) nóng bất thường trong mùa hè là giảm và 4,4% nói không đổi.
Đồng thời người dân cũng cho rằng có sự gia tăng số ngày (đợt) rét đậm rét hại trong mùa đông (xã Hải Nam chiếm 51,1% số phiếu phỏng vấn tại xã, xã Hải Lý chiếm 53,3% số phiếu được phỏng vấn tại xã), còn lại 33,4% số phiếu điều tra của 2 xã đều cho rằng số ngày (đợt) rét đậm rét hại trong mùa đông giảm, 15,6% nói không đổi tại Hải Nam và tại Hải Lý là 13,3% (Hình 4.3).
Hình 4.3 : Nhận thức của người dân về xu hướng thay đổi tần suất xuất hiện nhiệt độ bất thường trong năm (n=45)
(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra, 2015)
Bên cạnh đó, những người được phỏng vấn cũng cho rằng thời gian xuất hiện nắng nóng đến sớm hơn (xã Hải Nam chiếm 82,2% tổng số phiếu phỏng vấn tại xã, tại Hải Lý chiếm 91,1% số phiếu phỏng vấn tại xã) và thời gian xuất hiện rét đậm, rét hại đến muộn hơn (chiếm 51,1% số phiếu phỏng vấn tại xã Hải Nam, 55,6% số phiếu phỏng vấn tại xã Hải Lý) (Hình 4.4).
Hình 4.4: Nhận thức của người dân về xu hướng thay đổi thời gian xuất hiện nhiệt độ bất thường trong năm (n=45)
(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra, 2015)
Như vậy, có thể kết luận rằng dù kết quả phỏng vấn của 2 xã có sự chênh lệch nhau (nhận thức của người dân xã Hải Lý rõ nét hơn người dân của xã Hải Nam) nhưng phần đa người dân của hai xã vẫn cảm nhận thấy nhiệt độ trong khu vực có xu hướng tăng dần, mùa hè đến sớm hơn và số ngày (đợt) nắng nóng tăng dần so với trước đây và kéo dài hơn. Mùa đông đến muộn hơn tuy nhiên số ngày rét đậm rét hại vẫn tăng, xuất hiện những ngày nhiệt độ xuống thấp nhiều hơn.
4.2.1.2. Xu thế diễn biến của nhiệt độ theo số liệu quan trắc
Diễn biến sự thay đổi của nhiệt độ tại huyện Hải Hậu được thể hiện trong biểu đồ dưới đây
Hình 4.5: Diễn biến nhiệt độ của huyện Hải Hậu giai đoạn 1980-2014 (oC)
(Nguồn: Dữ liệu khí tượng trạm Văn Lý, 2014) Qua biểu đồ hình 4.5 cho thấy xu thế diễn biến của nhiệt độ của huyện Hải Hậu trong vòng 30 năm qua có xu hướng tăng. Nhiệt độ trung bình tăng 0,06oC/thập kỷ, nhiệt độ trung bình 30 năm qua là 24oC và có những biến động tăng dần qua năm dao động từ 23,1oC đến 26,7oC. Theo Nguyễn Ngọc Đệ (2008), nhiệt độ có tác dụng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của cây trồng đặc biệt là lúa nhanh hay chậm, tốt hay xấu. Trong phạm vi giới hạn 20 - 30oC nhiệt độ càng tăng cây lúa phát triển càng nhanh. Nhiệt độ trên 40oC hoặc dưới 17oC, cây lúa tăng trưởng chậm lại. Dưới 13oC cây lúa ngừng sinh trưởng, nếu kéo dài 1 tuần lúa sẽ chết. Đặc biệt ở giai đoạn mạ, nhiệt độ làm thấp làm giảm hoặc ngừng sự nảy mầm của hạt, làm mạ ốm yếu, bị lùn, lá mất màu…
Qua biểu đồ thấy được nhiệt độ tối cao hàng năm tại huyện Hải Hậu dao động trong khoảng 34 - 38oC và có xu hướng tăng dần. Theo WMO (2010) ngưỡng nhiệt độ gây khó chịu đối với con người và cây trồng khi nhiệt độ không khí lớn hơn hoặc bằng 33oC. Khi nhiệt độ tối cao trong ngày lớn hơn hoặc bằng 35oC ngày đó được coi là nắng nóng, nhiệt độ tối cao trong ngày lớn hơn hoặc bằng 38oC thì ngày đó được coi là ngày nóng gay gắt (năm 1998, năm 2012, năm 2013).
Nhiệt độ tối thấp hàng năm của huyện dao động khoảng từ 6 - 11oC, nhiệt độ ngày càng có xu hướng xuống thấp hơn. Theo WMO (2010) nhiệt độ xuống thấp đều gây thiệt hại cho cây trồng và gia súc. Các đợt rét đậm, rét hại liên quan đến các đợt không khí lạnh đặc trưng bởi nhiệt độ tối thấp trong ngày.
Tóm lại, nhiệt độ không khí trung bình của huyện Hải Hậu có xu hướng tăng lên, nhiệt độ tối cao cũng tăng mạnh tức là những ngày nắng nóng và nắng gắt tăng lên, nhiệt độ tối thấp có xu hướng tăng lên (các đợt rét có nhiệt độ xuống rất thấp).