PHỤC HẠN CHẾ CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TRÀ ÔN 3.2.1 Những hạn chế và nguyên nhân gây ra hạn chế
Trong quá trình hoạt động Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn đã đạt được một số thành tựu nhất định. Với các kết quả đã đạt được thì cuối năm 2009 Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn có văn bản báo cáo thành tích và yêu cầu được công nhận là “tập thể
lao động xuất sắc”cho cơ quan có thẩm quyền và hiện tại Tòa án đã được công nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn vẫn gặp không ít khó khăn trong quá trình hoạt động. Như vậy trong quá trình hoạt động Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn gặp phải những hạn chế như sau:
3.2.1.1 Trong công tác giải quyết án
Trong công tác giải quyết án Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn đã đạt được những kết quả như giải quyết được 627 vụ, việc trên tổng số 635 vụ, việc đã thụ lý chiếm tỷ lệ 98,47%, đây là kết quả phấn đấu của toàn thể tập thể cán bộ trong đơn vị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả này thì Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn vẫn gặp không ít khó khăn trong công tác giải quyết án, trong năm 2009 số án tồn đọng vẫn còn và các bản án, quyết định còn thiếu tính khả thi nên bị cấp trên hủy án, sửa án; chất lượng xét xử vẫn còn hạn chế; việc cấp và tống đạt các loại giấy triệu tập, quyết định, bản án cho đương sự còn chậm thực hiện; công tác thi hành án còn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân: Trình độ của nhiều cán bộ trong đơn vị còn hạn chế, công việc ngày càng tăng nên tạo áp lực công việc cho đội ngũ Thẩm phán, bên cạnh việc tranh tụng tại phiên tòa chưa được thực hiện tốt và khách quan. Đặc biệt là vẫn còn trường hợp Thẩm phán thiếu kinh nghiệm trong việc xem xét đánh giá chứng cứ, bỏ sót người tham gia tố tụng. Bên cạnh đó, công tác phối hợp với các ngành chức năng để giải quyết án còn nhiều hạn chế và tiến hành chưa đồng bộ nên công tác giải quyết án chưa đạt hiệu quả cao.
3.2.1.2 Trong công tác hòa giải
Theo khoản 4 Điều 41 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 quy định về nhiệm vụ, thẩm quyền của Thẩm phán như sau: “Tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận
với nhau về việc giải quyết vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004;
ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự”. Với quy định này, thì trong quá trình hoạt động của Tòa án nhiệm vụ hòa giải thuộc về Thẩm phán. Tuy nhiên, trên thực tế tại Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn nhiệm vụ hòa giải một số vụ, việc đã được Thẩm phán thụ lý nhưng nhiệm vụ hòa giải thì được giao cho Thư ký Tòa án giải quyết. Vì vậy, trong năm 2009 tỷ lệ hòa giải thành các loại án của Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn trong các vụ án dân sự thấp (khoảng 39%); án hôn nhân và gia đình (khoảng 41%).
Nguyên nhân:Như trên đã trình bài do số lượng Thẩm phán tại Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn ít mà số lượng án ngày càng tăng, vì vậy mà các công việc thuộc nhiệm vụ và thẩm quyền của Thẩm phán rất nhiều không thể nào giải quyết hết nên nhiệm vụ hòa giải các vụ, việc dân sự được Thẩm phán giao cho Thư ký tiến hành hòa giải. Mặt khác do trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Thư ký còn nhiều hạn chế và chưa có kinh nghiệm trong công việc nên việc hòa giải thành chiếm tỷ lệ thấp.
3.2.1.3 Trong công tác phối hợp với các ngành chức năng để giải quyết án
Công tác phối hợp với các ngành chức năng để cùng Tòa án giải quyết án chưa được tiến hành đồng bộ, đặc biệt là đối với cơ quan thẩm định trong việc thẩm định giá đất về các vụ tranh chấp đất đai. Trong những năm gần đây trên địa bàn huyện Trà Ôn tình hình tranh chấp đất đai luôn xảy ra ở nhiều nơi với số lượng lớn, vì vậy mà Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn phải tăng cường công tác phối hợp với cơ quan thẩm định, nhưng trên thực tế công việc này vẫn chưa được thực hiện tốt, trong khi đó các vụ tranh chấp đất đai và liên quan đến quyền sử dụng đất chiếm khoảng 70 – 75% tổng số án mà Tòa án đã thụ lý, do đó Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn cần phải quan tâm đến hoạt động phối hợp với cơ quan thẩm định nhiều hơn.
Nguyên nhân: Do Trà Ôn là một huyện nông nghiệp và có địa bàn khá rộng, phần đông trình độ dân trí của huyện còn thấp nên xem đất đai là sở hữu tư nhân, vì vậy mà vấn đề tranh chấp đất đai luôn xảy ra ở nhiều nơi. Khi có tranh chấp về đất đai xảy ra thì các cơ quan thẩm định chưa thật sự tiến hành nhanh các thủ tục về đo đạt, khảo xác, thẩm định giá đất khi các đương sự có yêu cầu. Với những lý do trên mà Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn không thể giải quyết nhanh các loại án có liên quan đến tranh chấp về đất đai.
3.2.1.4 Trong công tác cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng
Công tác cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho đương sự, những người tham gia tố tụng và cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan của Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn thực hiện chưa có hiệu quả. Bên cạnh đó, những người có nghĩa vụ thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo chưa làm đúng trách nhiệm được giao hoặc những người được cấp, tống đạt đã nhận được văn bản nhưng không chấp hành hoặc chậm chấp hành, dẫn đến tình trạng Tòa án không giải quyết được sớm làm cho việc giải quyết án kéo dài và tốn nhiều thời gian.
Nguyên nhân: Trong khi tiếp nhận hồ sơ khởi kiện, cán bộ Tòa án thụ lý không ghi rõ địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Mặt khác Trà Ôn là một huyện có hệ thống sông ngòi chằng chịt, hệ thống giao thông chưa được hoàn thiện nên việc đi lại để phục vụ cho việc giải quyết án gặp nhiều khó khăn. Ngoài những nguyên nhân trên thì Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn chưa được sự quan tâm giúp đỡ của Ủy ban nhân dân và các cấp chính quyền trên địa bàn về việc hỗ trợ cho Tòa án cấp, tống đạt giấy triệu tập và việc hoàn lại biên bản tống đạt cho Tòa án chưa thật sự hiệu quả.
3.2.1.5 Trong hoạt động xét xử tại phiên tòa
Trong quá trình đi thực tế, tác giả có tham dự một vài phiên tòa, qua những phiên tòa tham dự tác giả nhận thấy có những hạn chế như sau:
- Thứ nhất; số lượng người dân tham dự các phiên tòa xét xử về dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại và lao động là rất ít, trong một vài trường hợp có những phiên tòa không có người tham dự (phiên tòa ngày 8/12/2009 xét xử vụ chị Nguyễn Thị Huyền xin ly hôn với anh Trần Hoài Nam, trong phiên tòa này ngoài Hội đồng xét xử thì chỉ có một mình chị Huyền có mặt tại phiên tòa hoặc phiên tòa ngày 14/12/2009 xét xử vụ bà Nguyễn Thị Tư yêu cầu bồi thường thiệt hại về danh dự và nhân phẩm do anh Lê Văn Hùng gây ra thì cũng chỉ có một mình bà Tư có mặt). Vì vậy mà việc phổ biến pháp luật cho người dân thông qua các phiên tòa xét xử chưa được thực hiện tốt.
- Thứ hai, hoạt động tranh luận tại phiên tòa chưa được tiến hành tốt và khách quan, vì qua hoạt động tranh luận các nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nêu lên các ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ít hợp pháp cho mình. Tuy nhiên trong trường hợp những người này không có luật sư bảo vệ quyền và lợi ít pháp cho họ thì hoạt động tranh luận hầu như không có diễn ra tại phiên tòa (phiên tòa ngày 11/12/2009 Chủ tọa phiên tòa đã bỏ qua phần tranh luận về tranh chấp đất đai của ông Lâm Văn Hai đối với bà Nguyễn Thị Thu Hương), vì vậy mà các bản án,
quyết định của Tòa án sau khi tuyên thì bị các đương sự kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long rất nhiều (42 vụ).
Nguyên nhân: Việc dẫn đến những hạn chế trên là do:
- Lịch xét xử của Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn không được niêm yết mà được ghi vào sổ theo dõi để tại phòng tiếp dân, trong khi đó Trà Ôn là một huyện vùng sâu của tỉnh Vĩnh Long nên người dân chưa hiểu được họ có quyền tham dự phiên tòa. Mặt khác, do tâm lý của người dân rất ngại đến Tòa án vì vậy mà các phiên tòa xét xử của Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn hầu như vắng bóng người tham dự.
- Hoạt động tranh luận tại phiên tòa đã được quy định tại mục 4 từ Điều 232 đến Điều 235 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, hoạt động này thể hiện quyền của công dân tại phiên tòa nhưng phần lớn là do trình độ hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế nên việc tranh luận này chỉ diễn ra khi có luật sư bảo vệ quyền và lợi ít họp pháp cho họ. Mặt khác trong nhiều trường hợp hoạt động tranh luận được Thẩm phán (Chủ tọa phiên tòa) cho lướt qua và bắt đầu tiến hành phần nghị án và tuyên án.
3.2.1.6 Trong hoạt động của những người tiến hành tố tụng
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 tại khoản 2 Điều 39 thì Kiển sát viên và Hội thẩm nhân dân là những người tiến hành tố tụng. Trên thực tế thì những người này tham dự 100% các phiên tòa xét xử của Tòa án. Tuy nhiên hoạt động của những người này tại phiên tòa xét xử là còn rất hạn chế:
- Đối với Kiểm sát viên: Chưa nắm bắt được tình hình cũng như diễn biến của vụ án nên trong phiên tòa xét xử Kiểm sát viên tham gia đóng gớp ý kiến rất ít. Có những trường hợp Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn đã nhận đơn khởi kiện nhưng không vào sổ thụ lý, có những vụ án Tòa án chậm gửi hoặc không gửi thông báo thụ lý cho Viện kiểm sát nên Viện kiểm sát chưa nắm bắt được tình hình của vụ án. Bên cạnh đó lãnh đạo của Viện kiển sát chưa thật sự quan tâm đến hoạt động xét xử của Tòa án nên công tác phối hợp giải quyết án kéo dài.
- Hội thẩm nhân dân: Đây là những người làm cho phiên tòa được dân chủ và khách quan, nhưng trên thực tế Hội thẩm nhân dân tham gia phiên tòa giống như “khách mời” tham dự phiên tòa xét xử của Tòa án. Trong quá trình diễn ra phiên tòa Hội thẩm nhân dân hầu như không nêu lên ý kiến, quan điểm của mình để gớp phần làm cho phiên tòa được khách quan. Bởi vì theo quy định của pháp luật trong phiên tòa xét xử thì Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Vì vậy mà những ý kiến của Hội thẩm nhân dân có thể làm thay đổi nội dung hoặc tính chất của vụ án đang diễn ra tại phiên tòa.
Nguyên nhân: Những hạn chế trên là do:
- Thiếu sự quan tâm của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân huyện Trà Ôn đối với công tác kiểm sát xét xử các vụ, việc về dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động chưa đầy đủ và chưa sâu sát mà chỉ tập trung vào công tác kiểm sát, điều tra, xét xử các vụ án hình sự. Ngoài ra, sự phối hợp của hai ngành chưa được tiến hành tốt để giải quyết án đạt hiệu quả cao.
- Theo quy định của pháp luật thì Hội thẩm nhân dân là những người phải có kiến thức pháp lý, có tinh thần trách nhiệm trong công việc. Tuy nhiên trên thực tế phần lớn đoàn Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn về kiến thức pháp lý còn rất hạn chế, trong khi đó nhiều văn bản pháp luật mới được ban hành thì Hội thẩm nhân dân chưa nắm bắt và tiếp thu kịp thời. Mặt khác do thiếu sự quan tâm của Hội thẩm nhân dân trong từng vụ án nên chất lượng tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân còn nhiều hạn chế và chưa tận tâm trong công việc.