Mẫu nghiên cứu được lựa chọn có chẩn đoán bệnh tập trung vào 3 nhóm bệnh hô hấp (31%), bệnh tiêu hóa (19,4%) và bệnh dị tật, dị dạng bẩm sinh và bất thường về nhiễm sắc thể (10,6%). Điều này hoàn toàn phù hợp với đặc thù của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam CuBa. Bệnh viện hữu nghị Việt Nam CuBa có 2 chuyên ngành lớn là Tai mũi họng và răng hàm mặt. Bệnh viện thường xuyên phối hợp với tổ chức Operation Smile phẫu thuật cho trẻ bị dị tật bẩm sinh khe hở môi vòm. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, các chẩn đoán bệnh là răng ngầm, hở môi vòm, viêm amidan mạn tính. 56,5% bệnh án đưa vào nghiên cứu có phẫu thuật, và 43,5% bệnh án điều trị nội khoa. Do đó cần phải chú trọng vào cả hai đối tượng bệnh nhân phẫu thuật dùng kháng sinh và bệnh nhân không phẫu thuật sử dụng kháng sinh.
Cơ cấu thuốc được sử dụng trong bệnh án tập trung phần lớn vào nhóm thuốc kháng sinh. Kháng sinh chiếm 48,1% về số khoản mục và 61,5% về giá trị. Nhóm thuốc thứ 2 được sử dụng là thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm NSAIDs chiếm 25,8% về giá trị. Các nhóm thuốc khác chiếm tỷ lệ không nhiều. Điều này do mẫu lựa chọn các bệnh án sử dụng kháng sinh, phần lớn các bệnh án có chẩn đoán chính là nhiễm khuẩn, các bệnh án khác có phẫu thuật sử dụng kháng sinh theo kiểu "điều trị" chiếm tỷ lệ lớn.
Thời gian điều trị kháng sinh trung bình toàn bệnh viện là 7,0 ngày chiếm khoảng 83,4% thời gian bệnh nhân điều trị. Điều này có nghĩa là 83,4% thời gian nằm viện, bệnh nhân có sử dụng kháng sinh. Kết quả này tương đồng với thời gian sử dụng kháng sinh tại một số bệnh viện trong nước như: Bệnh viện C tỉnh Thái Nguyên (7,05 ngày) [7], Bệnh viện Đà Nẵng (7,8 ngày) [8], Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí (6,98 ngày)[19], đồng thời tương tự với một
69
nghiên cứu tại Anh (7 ngày) [47]. Thời gian điều trị kháng sinh tại các khoa không phẫu thuật (từ 90,0-94,4% thời gian nằm viện) dài hơn các khoa có phẫu thuật (69,2-88,8% thời gian nằm viện). Điều này có thể do, bệnh nhân nhập viện tại khối nội (Nội, Nhi) có chẩn đoán nhiễm khuẩn ban đầu. Tại các khoa ngoại, phẫu thuật thường gặp là phẫu thuật sạch và sạch nhiễm, thời gian sử dụng kháng sinh không dài. Theo Hướng dẫn sử dụng kháng sinh, thời gian điều trị kháng sinh thông thường từ 1 đến 2 tuần. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận một trường hợp bệnh nhân được điều trị kháng sinh 43 ngày tại khoa THHM với chẩn đoán ban đầu là áp xe cơ cắn. Bệnh nhân trải qua 4 phác đồ điều trị, dùng tới 5 loại kháng sinh khác nhau. Theo Hướng dẫn điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm, các sai lầm khi điều trị kháng sinh có thể do can thiệp ngoại khoa không thỏa đáng, kháng sinh khó thấm vào tổ chức viêm, các ổ đọng dịch (ổ áp xe).
Chi phí thuốc kháng sinh một đợt điều trị trung bình toàn bệnh viện là 519.324 (đồng), chiếm khoảng 61,5% chi phí sử dụng thuốc của đợt điều trị. Chi phí kháng sinh chiếm tỷ lệ thấp nhất tại Khoa Nội 44,5%. Điều này có thể do bệnh nhân điều trị tại Khoa Nội thường là những bệnh nhân cao tuổi, mắc nhiều bệnh mắc kèm, chi phí thuốc bao gồm nhiều chi phí của các thuốc khác. Chi phí thuốc tại bệnh viện thấp hơn so với chi phí kháng sinh tại Bệnh viện C Thái Nguyên [7], thấp hơn so với chi phí một bệnh viện tại Lesotho (69,1%) [45].