Mô hình cây trồng thích ứng chịu hạn Cây đậu xanh

Một phần của tài liệu Báo cáo tốt nghiệp ngành khoa học môi trường nghiên cứu một số mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu (Trang 45 - 48)

4.5.2.1. Tiêu chí lựa chọn mô hình thích ứng cây đậu xanh chịu hạn

Giống đậu xanh sử dụng là giống đỗ mốc, hạt nhỏ (một loại giống địa phương). Đậu xanh được trồng vào cuối tháng 3, là cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 60-70 ngày đã cho thu hoạch nên giải phóng đất kịp thời cho cây trồng vụ sau. Trồng đậu xanh còn có ưu điểm tiết kiệm được nguồn nước tưới nên phù hợp với những vùng có nguy cơ bị hạn. Sản phẩm phụ của cây đậu xanh (rễ, thân lá) là nguồn phân bón tại chỗ khá giàu đạm, sẽ giảm lượng phân bón hóa học cho cây lúa vụ mùa, từ đó đất đai sẽ được bảo vệ và tăng độ phì.

Bảng 4.9. Tiêu chí lựa chọn mô hình thích ứng cây đậu xanh chịu hạn

Tiêu chí Đặc điểm

Giống đậu xanh Giống đỗ xanh mốc, giống địa phương

Tính phù hợp

- Mức độ đầu tư rất thấp từ 200-220 nghìn/sào, phù hợp với hộ nghèo, hộ trung bình.

- Thích hợp với nhiều loại đất và có khả năng cải tạo đất. - Sản phẩm sử dụng cho các dịp lễ Tết truyền thống, hoặc bán - Phù hợp với chính sách hiện nay

- Kỹ thuật canh tác và để giống dựa vào kiến thức bản địa và kinh nghiệm của người dân

- Cải thiện thu nhập trên đất bỏ hoang vụ xuân

Tính thích ứng biến đổi khí hậu

-Có khả năng chống chịu hạn tốt

- Là loại cây ngắn ngày, sản phẩm thân lá có thể làm phân bón giàu đạm cho cây trồng vụ mùa, để giảm lượng sử dụng phân bón hóa học

Tính bền vững và khả năng nhân

rộng

- Người dân địa phương nhận thức rõ về tác động của BĐKH, cần thiết phải đa dạng hóa hoạt động sản xuất để giảm tác động của BĐKH.

- Người dân có nhu cầu phát triển cây đậu xanh, có thể tự để giống

- Quỹ đất có thể trồng lớn (25 ha) nên mô hình có khả năng nhân rộng

- Thời gian sinh trưởng ngắn, kịp giải phóng đất cho cây lúa vụ mùa

- Mức độ đầu tư ban đầu thấp, phù hợp với hộ nghèo, hộ trung bình và cả hộ giàu

Giống đậu xanh địa phương(đỗ mốc) là một cây trồng bản địa ngắn ngày (thời gian sinh trưởng 60-70 ngày), giai đoạn gieo hạt (khi hoa xoan nở) chỉ cần một lượng nước nhỏ, đủ ẩm cây có thể mọc. Trong thời kỳ sinh trưởng cây cũng không cần nhiều nước như lúa, ngô nên được coi là cây trồng chịu hạn tốt. Cây cho thu hoạch sớm nên không bị ảnh hưởng bởi mưa cuối vụ như đậu tương và giải phóng đất sớm chuẩn bị cho cấy lúa vụ mùa. Ngoài chức năng cải tạo đất nhờ vào khả năng cố định đạm, thân lá của đậu xanh để tại chỗ làm phân bón cho lúa mùa rất tốt.

Cây đậu xanh cũng như tất cả các cây họ đậu có khả năng thích nghi rộng trên rất nhiều loại đất cạn khác nhau. Đậu xanh được đánh giá là cây

chịu hạn, chịu kiềm, chịu độ muối khá cao trong đất. Tại Thanh Vận tất cả các loại đất cạn 1 vụ lúa mùa bỏ hoang trong vụ xuân đều có thể trồng đậu xanh. Diện tích tiềm năng cho sản xuất cây đậu xanh ở xã khoảng 25 ha.

4.5.2.2. Kiến thức bản địa sử dụng trong mô hình cây đậu xanh thích ứng với chịu hạn

Nhìn chung người dân áp dụng theo quy trình kỹ thuật phổ biến hiện nay, tuy nhiên có một số đặc điểm kiến thức bản địa riêng của vùng:

- Sử dụng giống đỗ mốc hạt nhỏ địa phương, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh tương đối tốt.

- Người dân đã lùi thời vụ trồng đậu xanh trong vụ xuân vào cuối tháng 3, khi đất đã đủ ẩm và thời tiết bắt đầu ấm lên để tránh phải gieo đi gieo lại nhiều lần giúp cây sinh trưởng và phát triển nhanh.

- Trong giai đoạn cây sinh trưởng, nếu có rệp muội người dân sử dụng tro bếp để trừ nên hạn chế được chi phí cho phòng trừ sâu bệnh và đảm bảo sản phẩm an toàn.

- Người dân thường dùng tro bếp hoặc lá xoan phơi khô để bảo quản hạt đậu xanh, đặc biệt là hạt đậu xanh làm giống, sử dụng tro bếp trộn với hạt đậu xanh rồi cho vào chum vại, rắc phía trên 1 ít tro có thể đảm bảo tỉ lệ nảy mầm cao trong năm sau.

4.5.2.3. Thuận lợi khó khăn khi thực hiện mô hình

Thuận lợi:

- Diện tích đất 1 vụ lúa mùa và bỏ hoang trong vụ xuân ở hai xã địa bàn nghiên cứu khoảng 25 ha, tất cả các loại đất này đều có thể trồng đậu xanh.

- Hạt đậu xanh thương phẩm do có chất lượng tốt (thơm, ngon, bùi) được thị trường rất ưa chuộng. Hơn nữa tất cả các hộ dân tại địa bàn nghiên cứu đều sử dụng hạt đậu xanh để chế biến các món ăn và các dịp tết lễ cổ truyền dân tộc

- Đại đa số người dân có kinh nghiệm trong việc sản xuất cây đậu xanh (trồng với quy mô nhỏ) cũng như kinh nghiệm trong bảo quản hạt giống.

- Chính sách của tỉnh, huyện, xã luôn khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả sử dụng đất, hạn chế đất bỏ hoang hóa trong vụ xuân. Với những lợi thế trên, việc xây dựng mô hình điểm trồng đậu xanh và nhân rộng là cần thiết.

Khó khăn:

Một khó khăn lớn nhất gặp phải khi xây dựng mô hình là vấn đề quản lý tình trạng trâu bò thả rông hiện nay. Sau khi thu hoạch lúa mùa tại những chân ruộng bỏ hoang, trâu bò tự do chăn thả. Nếu phát triển mô hình cây đậu xanh trong vụ xuân, thôn bản cần phải có quy ước trong vấn đề bảo vệ và quản lý trâu bò, chính quyền xã cũng phải có sự can thiệp để vấn đề quản lý được tốt hơn.

Một phần của tài liệu Báo cáo tốt nghiệp ngành khoa học môi trường nghiên cứu một số mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu (Trang 45 - 48)

w