Các nhân tố từ phía cầu

Một phần của tài liệu Đánh giá tăng trưởng kinh tế việt nam giai đoạn 2001 đến nay (Trang 27 - 33)

II. Thực trạng tăng trưởng kinh tế theo các nhân tố tác động

2. Các nhân tố từ phía cầu

Nền kinh tế nước ta trong giai đoạn 2005 – 2010 tăng trưởng chủ yếu dựa vào tiêu dùng tư nhân, mức đóng góp của chi tiêu chính phủ vào GDP nhìn chung tương đối nhỏ, và xuất khẩu ròng ở mức thấp, điều này có thể thấy rõ qua biểu đồ sau:

Biểu đồ 4: Mức độ đóng góp của các nhân tố tác động tới tổng cầu nền kinh tế

Từ biểu đồ trên ta có thể thấy, trong 4 yếu tố đầu ra thì yếu tố xuất khẩu ròng là có đóng góp nhỏ nhất đối với tăng trưởng còn yếu tố tiêu dùng tư nhân có đóng góp lớn nhất và đóng góp của yếu tố đầu tư vào tăng trưởng cũng tương đối lớn. Cụ thể là như trong giai đoạn từ năm 2005 – 2010 thì đóng góp của tiêu dùng tư nhân đối với tăng trưởng kinh tế là 66,4%, của đầu tư là 42,18%, của tiêu dùng chính phủ là 6,72% và của xuất khẩu ròng là -15,3%.

Việc đóng góp của thành phần xuất khẩu ròng mang dấu âm có thể giải thích bởi trong giai đoạn từ 2005 – 2010, Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu. Từ năm 2006 đến năm 2010 thì đóng góp của xuất khẩu ròng vào tăng trưởng luôn ở mức âm, và có xu hướng giảm qua từng năm cụ thể là năm 2006 là -7,32% thì tới năm 2010 giảm xuống -16,92%. Như ta đã biết, từ năm 2006 Việt Nam bắt đầu tiến trình gia nhập WTO và tới năm 2007 thì Việt Nam chính thức gia nhập WTO, từ đó phải nới lỏng các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, từ đó mà kim ngạch nhập khẩu tăng lên, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu cũng có những sự thay đổi lớn nhưng không đủ bù đắp lại kim ngạch nhập khẩu khiến thâm hụt cán cân thương mại tăng lên. Tăng trưởng xuất khẩu ròng hiện đang mang dấu âm do nhập siêu gia tăng mạnh cả về quy mô, cả về tỷ lệ so với xuất khẩu. Nhập siêu cả về hàng hóa, cả về dịch vụ. Riêng về hàng hóa, năm 2007 lớn gấp 2,5 lần năm 2006.

Tiêu dùng tư nhân cho tới nay vẫn luôn là thành phần quan trọng nhất trong tổng cầu, đến nay vẫn luôn chiếm khoảng 2/3 GDP.

Ta có thể thấy quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tăng tiêu dùng có những biến động khá lớn trong giai đoạn từ năm 2001 cho tới nay. Có những giai đoạn tăng trưởng kinh tế tăng nhanh hơn tăng tiêu dùng dẫn tới cung vượt cầu (2000 - 2001), từ đó đã gây ra tỷ lệ lạm phát cao vào năm 2004 (9,5%, tính theo CPI), buộc chính phủ phải áp dụng các chính sách hạn chế cầu nhằm ổn định lại nền kinh tế vĩ mô. Từ năm 2006 đến nay, các chính sách kích cầu và hạn chế cầu được áp dụng luân phiên với quy mô ngày càng lớn, làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát đều có những biến động mạnh mẽ, gây ra sự bất ổn định trong nền kinh tế vĩ mô.

Tuy vậy, tới năm 2013 nay, thì một chính sách hài hòa tăng trưởng cung – cầu đã được nhất quán áp dụng đã mang lại những hiệu quả nhất định cho nền kinh tế. Kết quả là trong năm 2013 thì tiêu dùng cuối cùng tăng 5,36% (theo giá 2010) , tốc độ tăng trưởng tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khoảng 5,6% (trừ yếu tố tăng của giá) so với năm 2012, tích lũy tài sản tăng 5,45% . Cả 2 mức tăng này đều tương tự với tốc độ tăng trưởng kinh tế (5,42% ) phản ánh một quá trình tăng trưởng cân đối cung – cầu và trong năm này cũng đã ghi nhận mức lạm phát thấp nhất trong 10 năm trở lại đây là 6,04% - đây là 1 tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế.

Tiêu dùng đã và đang trở thành nhân tố cơ bản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2013 này, tiêu dùng cuối cùng đóng góp 68,63% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, tích lũy đóng góp 29,9% vào tốc độ tăng trưởng, trong khi đó vai trò của nhân tố đầu tư lại giảm xuống.

Tăng trưởng kinh tế chủ yếu do tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng. Điều đó được lý giải là do quy mô GDP của Việt Nam còn thấp, nên tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong GDP (trên dưới 70%); mức tiêu dùng bình quân đầu người trong nhiều năm còn thấp nên nhu cầu và tốc độ tăng thường khá cao (mấy năm liên tục tăng trên 7%, gần bằng với tốc độ tăng của GDP). Một nét quan trọng là tiêu dùng cuối cùng thông qua mua bán trên thị trường ngày một chiếm tỷ trọng lớn, do tốc độ tăng qua các năm (đã loại trừ yếu tố giá) gần đây liên tục tăng hai chữ số (năm 2002 tăng 11,2%, năm 2003 tăng 15,2%, năm 2004 tăng 10,8%, năm 2005 tăng 11,3%, năm 2006 tăng 12,5%, năm 2007 tăng 11,4%). Khi tiêu dùng cuối cùng thông qua mua bán trên thị trường tăng nhanh và trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế thì một mặt nó hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, mặt khác tạo áp lực tăng cung tiền tệ, tạo áp lực

lạm phát. Cùng với tăng trưởng tiêu dùng chung thì tiêu dùng của một bộ phận dân cư đã tăng rất cao về quy mô, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, chất lượng.

- Chi tiêu chính phủ:

Nhìn vào các cấu thành của GDP là tiêu dùng hộ gia đình, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chi tiêu Chính phủ và xuất nhập khẩu ròng sự đóng góp của chi tiêu chính phủ vào tăng trưởng GDP nhìn chung là ổn định nhất và sự đóng góp của nó vào GDP nhìn chung cũng tương đối nhỏ thường chỉ đạt tầm 7 – 8%.

Hầu hết chi tiêu của chính phủ đều giành cho đầu tư phát triển và chi trả nợ, vì vậy sự đóng góp của chi tiêu chính phủ với vai trò là tiêu dùng hàng hóa dịch vụ và tăng trưởng kinh tế luôn ở mức thấp. Trong thời gian 2005 - 2012, tỷ lệ giữa vốn đầu tư từ NSNN/tổng vốn đầu tư của Nhà nước luôn chiếm tỷ trọng cao nhất tuy tăng giảm không đều (năm 2005 - 2010 chiếm bình quân tới 55,6%, thậm chí năm 2008, 2009 là trên 60%, năm 2010 là 44,8%, năm 2011 là 52,1 và năm 2012 là 54,8%)

- Đầu tư:

Biểu đồ 5: Tăng trưởng GDP và tỷ lệ đầu tư trên GDP từ năm 2000 – 2013

Nguồn: Tổng cục thống kê

Nhìn từ biểu đồ, tỷ lệ đầu tư trên GDP luôn ở mức cao, trung bình đạt trên 36%.

Đầu tư vừa là nhân tố đầu vào, vừa là nhân tố đầu ra và nó cũng là nhân tố chính tạo ra tốc độ tăng trưởng khá cao cho nền kinh tế nước ta trong nhiều năm. Sự phát triển kinh tế thị trường đang tạo ra nhiều cơ hội đầu tư, khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước, nhưng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ở nước ta thấp với việc hệ số ICOR luôn ở mức cao trong giai đoạn từ 2001 – 2013 (> 5) đang gây ra sự lãng phí, thất thoát nguồn lực.

Xét trong cả giai đoạn từ năm 2001 – 2013 thì tỷ trọng vốn đầu trên GDP giảm từ 35,4% năm 2001 còn 30,4% năm 2013. Trong đó, giai đoạn từ 2001 – 2008 thì tỷ trọng này có xu hướng tăng lên từ 35,4% năm 2001 lên 43,1% năm 2008. Tỷ trọng vốn đầu tư trên GDP bắt đầu giảm liên tục từ 43,1% năm 2008 chỉ còn 30,4% năm 2013. Tuy vậy, tỷ lệ năm 2013 được xem là phù hợp với nền kinh tế đang phát triển như ở nước ta.

Tăng trưởng kinh tế do tăng trưởng tích lũy tài sản chiếm tỷ trọng khá cao. Đây cũng là một tín hiệu tốt thể hiện tâm lý tiết kiệm để dành cho tích lũy của khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh việc trực tiếp đầu tư tăng trưởng, có một phần không nhỏ đã được để dành dưới dạng cất trữ hoặc chạy lòng vòng qua các kênh gây ra những cơn sốt nóng hoặc lạnh ở các kênh này mà không được đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh.

- Xuất khẩu ròng:

Nhìn vào biểu đồ ta thấy năm 2008 và 2009, xuất khẩu ròng ở mức thấp nhất trong giai đoạn 2005 – 2010, và trong hai năm này tăng trưởng của Việt Nam cũng ở mức thấp.

Điều này chứng tỏ tăng trưởng của Việt Nam dễ chịu ảnh hưởng tiêu cực của giảm sút xuất khẩu do khủng hoảng kinh tế thế giới, đồng thời cũng cho thấy vai trò xuất khẩu trong một số thời điểm không chịu tác động của cuộc khủng hoảng chưa mạnh. Điều này có lẽ xuất phát từ thực tế rằng giá trị gia tăng của xuất khẩu chỉ chưa bằng một nửa giá trị xuất khẩu do các doanh nghiệp xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều các yếu tố đầu vào nhập khẩu mà chủ yếu xuất khẩu vẫn mang tính chất gia công. Hơn nữa xuất khẩu Việt Nam thời gian qua chủ yếu dựa vào khai thác lợi thế so sánh sẵn có như các mặt hàng khoáng sản, nông, lâm, thủy, hải sản mà chưa xây dựng được các ngành công nghiệp xuất khẩu có mối liên kết chặt chẽ với nhau để hình thành chuỗi giá trị gia tăng xuất khẩu.

Trong giai đoạn hiện nay, cùng với quá trình quốc tế hóa đời sống kinh tế thì xuất khẩu ròng đã trở thành một trong nhưng nhân tố quan trọng tạo ra bước phát triển kinh tế nhanh trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt là sau khi ký Hiệp định thương mại Việt Mỹ 2001 và năm 2007 trở thành thành viên chính thức của WTO

đã tạo ra những điều kiện thuận lợi trao đổi thương mại, thu hút đầu tư, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu tăng mạnh (25%/năm). Đến nay, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều đã gần tương đương với GDP toàn nền kinh tế, chiếm vị thế quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế nói chung. Điều đáng mừng là kim ngạch xuất khẩu thường tăng nhanh hơn nhập khẩu, và tới năm 2012, 2013 đã dẫn tới tình trạng xuất siêu sau 1 thời gian liên tục nhập siêu từ năm 1993 tới nay. Nhập siêu tuy tăng cao trong các năm 2006 – 2008, nhưng sau đó đã được kiềm chế, tỷ lệ giá trị nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu đã giảm từ 29,1% trong năm 2008 xuống còn 22,5% trong năm 2009 và 15% trong năm 2010. Phần chủ yếu trong cơ cấu nhập siêu mang tính tích cực, tạo nền tảng cho phát triển sản xuất, tăng nguồn hàng xuất khẩu giúp giảm bớt giá trị nhập siêu trong thời gian tới.

Ngoài ra, xu hướng mở rộng các thị trường có sức mua cao tiếp tục phát triển, cho thấy nền kinh tế nội địa gặp nhiều khó khăn nhưng sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và hàng hóa xuất khẩu đã có sự cải thiện.

Xuất khẩu hàng hoá đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh hơn 2,4 lần tốc độ tăng trưởng GDP, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của hàng triệu lao động. Thời kỳ chiến lược 2001 – 2010, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá bình quân 17,3% /năm, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP trên 2,4 lần (GDP tăng bình quân 7,21 % / năm) vượt mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 – 2010 (tăng trưởng xuất khẩu nhanh gấp 2 lần nhịp độ tăng trưởng GDP) và vượt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá đã đề ra trong chiến lược phát triển xuất nhập khẩu thời kỳ 2001 – 2010 (tăng trưởng bình quân 15% / năm).Việt Nam có vị thế ngày càng lớn trong xuất khẩu hàng hoá toàn cầu. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá thế giới đã tăng từ 0,24% trong năm 2001 lên 0,46% trong năm 2010. Trong điều kiện mô hình tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tăng trưởng đầu tư, xuất khẩu hàng hoá trở thành kênh dẫn quan trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Khoảng 55% tổng số dự án và trên 50% tổng số vốn FDI đã được thu hút vào các ngành công nghiệp chế biến chế tạo xuất khẩu. Số doanh nghiệp FDI trực tiếp tham gia xuất khẩu tăng nhanh tới 1.854 doanh nghiệp trong năm 2010, chiếm gần 20% tổng số doanh nghiệp cả nước.

Một phần của tài liệu Đánh giá tăng trưởng kinh tế việt nam giai đoạn 2001 đến nay (Trang 27 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(67 trang)
w