3. Giả thuyết nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu 17 !
1.3.2. Rút gọn về thành phần thamgia giải quyết tranh chấp 48 !
Về thành phần tham gia giải quyết tranh chấp theo TTRG có sự thừa nhận chung theo hướng: việc giải quyết và xét xử chỉ do một Thẩm phán tiến hành từ khi thụ lý cho đến khi xét xử sơ thẩm. Cơ chế một Thẩm phán xét xử mà không có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn nhằm đẩy nhanh tiến trình giải quyết một số vụ việc dân sự, giảm bớt chi phí tố tụng, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước cũng như đương sự, đồng thời nâng cao trách nhiệm cá nhân của Thẩm phán và điều quan trọng hơn cả là vì TTRG chỉ áp dụng để giải quyết những tranh chấp đơn giản, chứng cứ rõ ràng... nên sự tham gia của những người tham gia tố tụng khác như Hội thẩm, Bồi thẩm đoàn là không cần thiết. Ví dụ,
ở Anh, việc xét xử các vụ án theo TTRG không cần có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn.
Về sự tham gia của Viện kiểm sát, dường như đại đa số các nước trên thế
giới đều quy định cơ quan công tố không có vai trò trong việc giải quyết các vụ án dân sự. Cơ quan công tố, theo họ, chỉ có quyền năng chính là truy tố và buộc tội trong các vụ án hình sự. Ở Việt Nam và một số ít nước còn lại mà pháp luật còn chịu sự ảnh hưởng nhất định của hệ thống pháp luật xã hội chủ
nghĩa trước đây, vai trò của Viện kiểm sát còn mở rộng trong việc giám sát hoạt động xét xử của Tòa án và do đó, Viện kiểm sát có vai trò, chức năng với các mức độ khác nhau và tùy vào từng thời điểm lịch sử cụ thể, trong quá trình giải quyết vụ án dân sự.
Về sự tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
(Luật sư) trong quá trình giải quyết tranh chấp theo TTRG, về cơ bản quan
điểm của phần lớn các nước cho rằng đây là quyền của đương sự nhờ người khác bảo vệ quyền lợi của mình nên pháp luật không can thiệp miễn là sự
tham gia của họ không làm trì hoãn hoặc cản trởđến việc áp dụng TTRG. Tuy nhiên, cũng có nước khi quy định cụ thể về việc hạn chế sự tham gia của Luật sư trong những vụ án áp dụng TTRG nhằm mục đích giảm chi phí cho đương sự và cũng để hạn chế việc xét xử vụ án bị kéo dài khi có sự tham gia của
Luật sư (như đối với Philippin, Luật sư không được chấp nhận tại phiên xét xử nhưng không cấm Luật sư giúp đỡ và hỗ trợ đương sự thực hiện các công việc chuẩn bị cho phiên xét xử hoặc cho các vấn đề khác ngoài phiên xét xử...).98 Ngay ở Hoa Kỳ, nơi có thể coi là có số lượng Luật sư nhiều nhất trên thế giới tính theo bình quân đầu người, pháp luật tố tụng cũng không quy định cần phải có Luật sư tham gia trong các vụ án được giải quyết theo TTRG.99
Như vậy, có sự thừa nhận chung rằng một trong những nội dung của TTRG là việc rút gọn thành phần tham gia giải quyết tranh chấp chỉ bởi một Thẩm phán, không có sự tham gia của công tố viên, không bắt buộc phải có Luật sư
nhưng không hạn chế Luật sư tham gia với điều kiện sự tham gia của họ
không làm ảnh hưởng đến tiến trình giải quyết vụ án theo TTRG.
1.3.3.!Rút gọn về trình tự và các bước tố tụng
(i)!Trình tự và các bước tố tụng theo TTRG của một số nước
Ở Pháp, trình tự giải quyết tranh chấp theo TTRG khá đơn giản. Đối với các vụ án có giá ngạch thấp, theo Điều 1407 Bộ luật tố tụng dân sự Pháp, các bên phải cung cấp đầy đủ thông tin về vụ tranh chấp để Thẩm phán xem xét. Sau đó, Thẩm phán sẽ triệu tập hai bên đến một phiên hòa giải. Nếu các bên không hòa giải được, Thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết trên cơ sở hồ sơ và chứng cứ các bên cung cấp và chỉ triệu tập các bên đến để nghe phán quyết.
Đối với các vụ án đòi thanh toán nợ, theo Điều 1419 Bộ luật tố tụng dân sự
Pháp, chủ nợ hoặc người được ủy quyền gửi đơn (điền đầy đủ thông tin theo quy định) và các tài liệu chứng minh yêu cầu đến Phòng thư ký lục sự. Sau
đó, Tòa án ra quyết định buộc thanh toán khoản nợ mà không cần phải mở
phiên tòa.
Đối với các yêu cầu thực hiện một công việc nhỏ, theo Điều 1425-5 Bộ
luật tố tụng dân sự Pháp, Thẩm phán sau khi xem xét các tài liệu, nếu thấy
98 Tòa án nhân dân tối cao, (44), tr.12.
đơn yêu cầu có căn cứ, ra quyết định (lệnh) ấn định đối tượng của trái vụ, thời hạn và các điều kiện để thực hiện trái vụ. Lục sự tống đạt quyết định (lệnh) đó cho các đương sự bằng thư bảo đảm có yêu cầu xác nhận. Nếu bị đơn thực hiện quyết định (lệnh) đúng trong thời hạn, nguyên đơn thông báo cho Lục sự để xóa sổ thụ lý. Nếu một phần hoặc toàn bộ quyết định (lệnh) thi hành nghĩa vụ không được thực hiện, Tòa án sẽ mở phiên tòa xét xử, sau khi hòa giải không thành, như quy định tại Điều 1425-8 Bộ luật tố tụng dân sự Pháp.
Tương tự như Pháp, pháp luật TTDS Đức cũng quy định trình tự giải quyết theo TTRG được giản lược một cách tối đa. Bộ luật tố tụng dân sự Đức quy
định rằng:100 thủ tục ra lệnh thanh toán nợ (hay lệnh thanh toán tiền - Mahnverfahren) là một thủ tục ít tốn kém, nhanh và hiệu quả cho chủ nợ, đặc biệt là không cần mở phiên tòa nếu con nợ đã thừa nhận nghĩa vụ của mình nhưng không muốn hoặc không thể trả nợ. Tòa án có thẩm quyền ra lệnh thanh toán nợ theo thủ tục xét xử nhanh đối với yêu cầu thanh toán các khoản nợ đã rõ ràng.101 Theo đó, thủ tục này hoàn toàn tự động hóa và đương sự được quyền nộp đơn yêu cầu qua mạng.102 Bất kỳ hành vi nào được khởi kiện theo thủ tục này đều được Tòa án ưu tiên giải quyết.
Thủ tục ra lệnh thanh toán rút gọn bao gồm hai giai đoạn, tạo điều kiện cho bị đơn hai cơ hội để ngăn cản Tòa án ban hành lệnh cưỡng chế thi hành án và có thể chuyển khiếu kiện sang thủ tục thông thường. Cụ thể:
- Giai đoạn 1: Nguyên đơn điền vào một đơn yêu cầu các thông tin liên quan các bên đương sự, Tòa án có thẩm quyền và chi tiết các yêu cầu khởi kiện. Đơn khởi kiện sẽ được kiểm tra một cách tự động bởi một chương trình phần mềm máy tính mà không cần sự giám sát của con người. Chính vì vậy, ở
giai đoạn này tính chân thực và hợp lý của khiếu kiện chưa được kiểm tra
100 Tài liệu mà tác giả nghiên cứu không đề cập đến trình tự giải quyết theo TTRG khi áp dụng cho các vụ
khiếu kiện nhỏ mà chỉ giới thiệu trình tự giải quyết theo TTRG khi áp dụng cho thủ tục ra lệnh thanh toán.
101 Michael Bogdan (1994), (9), tr.149.
(mới đơn thuần kiểm tra về thủ tục pháp lý mà chưa xét đến nội dung khiếu kiện). Đối với các vụ án được giải quyết theo quy trình tự động hóa, các đơn khởi kiện được giải quyết không chậm hơn sau ngày làm việc đầu tiên sau ngày nộp đơn khởi kiện. Cụ thể, ngay sau đó, Tòa án ban hành một lệnh yêu cầu thanh toán và gửi cho bị đơn (người có thể phản đối lại lệnh đó). Nếu trong vòng hai tuần sau khi nhận được lệnh yêu cầu thanh toán (Widerspruch) mà bị đơn phản đối thì yêu cầu khởi kiện sẽ được chuyển sang thủ tục tố tụng thông thường để giải quyết (theo Điều 269-I Bộ luật tố tụng dân sự Đức). Nếu bị đơn không phản đối và không thi hành lệnh yêu cầu thanh toán thì giai
đoạn 2 được bắt đầu.
- Giai đoạn 2: Điều 701 Bộ luật tố tụng dân sự Đức quy định: nguyên đơn
được phép tiếp tục yêu cầu áp dụng một lệnh cưỡng chế thi hành trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày tống đạt lệnh yêu cầu thanh toán. Trong trường hợp bị đơn không phản đối lệnh cưỡng chế thi hành, Tòa án không phải mở phiên tòa xét xử. Nếu trong vòng hai tuần sau khi nhận được lệnh cưỡng chế thi hành (Einspruch) mà bị đơn phản đối thì Tòa án chuyển yêu cầu khởi kiện sang thủ tục thông thường để giải quyết.
Trình tự giải quyết tranh chấp theo TTRG ở Anh cũng khá đơn giản. Các vụ kiện thuộc đối tượng áp dụng TTRG do một Thẩm phán thay vì bồi thẩm
đoàn giải quyết. Sau khi thụ lý vụ án, nếu tranh chấp thuộc vụ kiện nhỏ, trong thông báo thụ lý Tòa án sẽ nêu rõ vụ kiện thuộc loại hình nào và các
đương sự cần phải chuẩn bị những công việc gì cho phiên tòa và thời gian dự kiến mở phiên tòa. Việc thu thập chứng cứ không buộc phải tuân thủ
nghiêm ngặt các quy định về chứng cứ. Tòa án sẽ ấn định ngày mở phiên tòa và thông báo cho hai bên ít nhất hai mươi mốt ngày trước ngày mở phiên tòa.103 Đương sự phải xuất trình các tài liệu ít nhất mười bốn ngày trước ngày mở phiên tòa. Phiên tòa được xét xử công khai hoặc xử kín theo thỏa thuận của các bên. Tòa án có thể áp dụng bất kỳ trình tự tố tụng, phương
thức điều hành nào tại phiên tòa mà Tòa án cho là công bằng, và không yêu cầu nhất thiết người khai tuyên thệ và đối chất.104 Trong trường hợp xét thấy không cần mở phiên tòa mà chỉ cần căn cứ vào các chứng cứ bằng văn bản đã
được xuất trình có thể giải quyết được tranh chấp, Tòa án đề xuất với các bên không cần mở phiên tòa. Nếu có đương sự phản đối, Tòa án phải mở phiên tòa
để giải quyết vụ kiện. Việc không phản hồi của đương sự có thể được coi là
đồng ý với đề xuất của Tòa án và vụ án được giải quyết dựa trên hồ sơ vụ kiện. Thẩm phán sẽ ra phán quyết và gửi bản sao phán quyết cho các đương sự.105
Ở Hoa Kỳ, nói chung trình tự giải quyết vụ kiện theo thủ tục giản lược khá đơn giản. Ví dụ, tại tiểu bang New York, đối với các vụ án có giá ngạch thấp, nguyên đơn đến văn phòng của Tòa tiểu tụng và điền thông tin vào mẫu
đơn kiện. Đơn kiện phải nêu rõ tổng số tiền của vụ kiện, chi tiết của vụ kiện, thông tin của bị đơn và kèm theo chứng cứ chứng minh.106 Sau khi hoàn thiện
đơn khởi kiện và nộp án phí, Lục sự sẽ thông báo cho nguyên đơn về ngày mở
phiên tòa. Vào ngày mở phiên tòa, nguyên đơn sẽ lựa chọn đưa vụ kiện ra xét xử bởi Thẩm phán hoặc một Trọng tài viên. Việc lựa chọn Trọng tài viên sẽ
làm cho quá trình giải quyết vụ kiện không mang tính chính thức nhưng đảm bảo giải quyết vụ kiện nhanh chóng. Trường hợp nguyên đơn không có mặt tại phiên tòa, vụ kiện bị đình chỉ. Nếu bị đơn không có mặt tại phiên tòa thì nguyên đơn phải đưa ra đủ bằng chứng để Tòa án đưa ra phán quyết có lợi đối với bị đơn.107 Trong suốt phiên tòa, hai bên có cơ hội để đưa ra các tài liệu và bằng chứng chứng minh cho lập luận của mình và tất cả các nhân chứng sẽ được xem xét và thẩm vấn. Nguyên đơn có thể yêu cầu Thẩm phán hoặc Trọng tài viên thẩm vấn bịđơn về tài sản của bịđơn.108
Trong trường hợp căn cứ vào hồ sơ vụ án thấy tranh chấp đơn giản, chứng
104 Carsten Mahnke (2014), (81), tr.10.
105 Carsten Mahnke (2014), (81), tr.8&9.
106 http://www.nycourts.gov/COURTS/nyc/smallclaims/startingcase.shtml (truy cập ngày 29-4-2015).
107 http://www.nycourts.gov/COURTS/nyc/smallclaims/appearing.shtml (truy cập ngày 29-4-2015).
cứ rõ ràng, theo yêu cầu của một bên đương sự, Thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết rút gọn đối với toàn bộ hoặc một phần của tranh chấp mà không cần mở
phiên tòa. Bên đưa ra yêu cầu cần phải chứng minh rằng đối với sự kiện hoặc vấn đề mà bên yêu cầu đang đề nghị Tòa án đưa ra phán quyết rút gọn trên thực tế rõ ràng không tồn tại tranh chấp và vì vậy, bên yêu cầu xứng đáng
được nhận một phán quyết nhanh gọn trên cơ sở của pháp luật. Thời gian để
một bên yêu cầu Tòa đưa ra phán quyết rút gọn là ba mươi ngày sau khi hoàn tất thu thập thông tin.109
Ở Nhật Bản, tranh chấp có giá ngạch từ 300.000 JPY trở xuống được giải quyết theo thủ tục còn đơn giản hơn nữa. Điều 370 Bộ luật tố tụng dân sự Nhật Bản quy định, việc tranh luận sẽ kết thúc vào ngày đầu tiên của phiên tòa, trừ
những trường hợp đặc biệt. Do vậy, các bên phải đưa ra những chứng cứ trước hoặc trong ngày tranh luận đó. Ngay sau khi kết thúc tranh luận, Thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết. Kèm theo phán quyết, Thẩm phán sẽ tuyên bố một lệnh thi hành tạm thời có hoặc không có bảo đảm. Trong những vụ án này, Tòa án không cho phép đưa ra yêu cầu phản tố.110
Riêng đối với yêu cầu thanh toán, Thư ký Tòa giản lược gửi văn bản nhắc nhở cho con nợ khi nhận được yêu cầu có cơ sở của chủ nợ về thanh toán tiền. Trong vòng hai tuần sau khi nhận được văn bản nhắc nhở, nếu con nợ không khiếu nại thì trong vòng ba mươi ngày sau đó chủ nợ có quyền yêu cầu Tòa án ra tuyên bố tạm thi hành văn bản nhắc nợ. Khi có yêu cầu này, Tòa án phải ra tuyên bố tạm thi hành đó. Trong vòng hai tuần nếu con nợ không khiếu nại
đối với tuyên bố tạm thi hành thì văn bản nhắc nhở thanh toán sẽ được coi là giấy xác nhận nợ và chủ nợ có thể căn cứ vào đó để yêu cầu cưỡng chế thi hành. Nếu con nợ khiếu nại thì tuyên bố tạm thi hành sẽ không còn hiệu lực và tranh chấp được chuyển sang thủ tục thông thường để giải quyết. Thủ tục này không hạn chế số tiền yêu cầu.111
109 Nguyên tắc 56, Bộ luật tố tụng dân sự Liên bang Hoa Kỳ.
110 Hiroshi Oda, (18), p.412.
Trình tự giải quyết tranh chấp theo TTRG ở Trung Quốc đã được cải cách theo hướng đơn giản hơn nhiều so với thủ tục tố tụng thông thường, được thiết kế một cách gọn nhẹ ngay từ khâu yêu cầu khởi kiện (đương sự có thể
khởi kiện bằng miệng đối với loại vụ án đơn giản) để yêu cầu Tòa án giải quyết,112 các bước tiến hành giải quyết vụ kiện cũng được quy định đơn giản hóa tối đa. Chẳng hạn, đối với vụ kiện đơn giản, theo Điều 146 Bộ luật tố tụng dân sự Trung Quốc, Tòa án có thể giải quyết ngay hoặc quyết định vào một ngày khác nhưng thời hạn giải quyết các loại việc theo TTRG không quá ba tháng. Bên cạnh đó, Tòa án có thể áp dụng các phương pháp đơn giản để triệu tập các bên và nhân chứng. Vụ án được giải quyết theo thủ tục này do một Thẩm phán thực hiện và không buộc phải tuân theo các quy định thông báo,
điều tra, thẩm vấn, xét hỏi, tranh luận như giải quyết vụ việc theo thủ tục thông thường, theo quy định tại Điều 145 Bộ luật tố tụng dân sự Trung Quốc.
Riêng đối với thủ tục ra lệnh thanh toán nợ, theo quy định tại Điều 189 Bộ
luật tố tụng dân sự Trung Quốc, người khởi kiện phải làm đơn yêu cầu ra lệnh thanh toán nợ, trong đơn phải ghi rõ số tiền hoặc số lượng chứng khoán có thể
chuyển nhượng được yêu cầu và phải dựa trên bằng chứng, tài liệu thực tế. Tòa án sẽ thông báo thụ lý đơn cho chủ nợ trong thời hạn năm ngày kể từ
ngày nộp đơn, như được quy định tại Điều 90 Bộ luật tố tụng dân sự Trung Quốc. Sau khi thụ lý đơn, theo quy định tại Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự
Trung Quốc, Tòa án sẽ kiểm tra những tài liệu, bằng chứng do chủ nợ cung cấp và nếu quan hệ giữa quyền của chủ nợ và nghĩa vụ của con nợ là rõ ràng,