Hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh quảng ninh lãnh đạo ngành kinh tế thủy sản tu nam 1996 den nam 2010 (Trang 92 - 95)

7. Bố cục của luận văn

3.1.2.Hạn chế và nguyên nhân

3.1.2.1. Về hạn chế

Trong 15 năm thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, ngành kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh tuy đã đạt được một số kết quả nêu trên nhưng vẫn còn một số hạn chế sau:

- Năng suất sản xuất và khai thác hải sản của tỉnh tuy tăng, nhưng chưa cao mà chủ yếu là cơ giới nhỏ, tàu thuyền còn thô sơ, lạc hậu nên việc phát triển khai thác tuyến khơi còn hạn chế. Nguồn vốn đầu tư mua sắm phương tiện cơ giới có công suất lớn và kỹ thuật còn hạn chế, nên không có khả năng ra khơi bám biển lâu ngày. Ngư trường tuyến bờ và tuyến lộng, thuyền nghề khai thác mật độ cao làm cho nguồn lợi thuỷ sản ven bờ có nguy cơ bị khai thác cạn kiệt dẫn đến năng suất và hiệu quả khai thác thấp. Môi trường sống của các loài thuỷ sinh vật ở một số khu vực bị xâm hại,

chất lượng có xu hướng ngày càng giảm. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa được thực hiện triệt để. Tình trạng ngư dân vi phạm Luật thủy sản ( giảm kích thước mắt lưới, khai thác bằng chất độc, chất nổ, xung điện, đăng đáy…) còn nhiều, làm huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản và môi trường sống của các loài thuỷ sản. Công nghệ bảo quản sản phẩm sau khi thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm còn yếu kém, nên hiệu quả khai thác chưa cao.

- Nguồn giống cung cấp cho nghề nuôi trồng thủy sản hiện nay của tỉnh chưa đáp ứng được về số lượng cũng như đáng cảnh báo về mặt chất lượng. Phần lớn giống đưa vào nuôi là giống trôi nổi trên thị trường, được người nuôi mua về từ Trung Quốc và các tỉnh miền Trung, miền Nam, khó kiểm soát về chất lượng và không được kiểm dịch nên rủi ro về dịch bệnh trong nghề nuôi trồng thủy sản là rất lớn. Cùng với khó khăn về nguồn giống thì việc quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản còn hạn chế, chủ yếu mang tính tự phát, mạnh ai người ấy làm đã ảnh hưởng xấu tới môi trường thủy sản. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc kiểm soát về tình hình dịch bệnh trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh còn gặp khó khăn.

- Cơ sở dịch vụ, hậu cần nghề thủy sản của tỉnh Quảng Ninh, nhất là các cảng, bến, cung ứng dịch vụ xăng dầu, nước đá, nước ngọt quy mô còn quá nhỏ, manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của ngành. Các dự án đầu tư xây dựng trung tâm dịch vụ, hậu cần ngành nghề thủy sản, các khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền tiến độ còn chậm, chưa phát huy được hiệu quả cho sản xuất. Việc đầu tư cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực khai thác còn hạn chế.

- Về công nghệ, các cơ sở chế biến thủy sản của tỉnh nhìn chung còn lạc hậu, tỷ lệ sản xuất thô còn lớn. Quy mô công suất các cơ ở chế biến thủy sản nội địa nhỏ bé. Thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp; các nhà máy chế

biến thuỷ sản xuất khẩu hầu hết chưa có vùng nguyên liệu tập trung ảnh hưởng lớn việc nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm thủy sản.

- Việc đầu tư nghiên cứu và áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật công nghệ trong ngành thủy sản tuy đã có những tiến bộ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và đổi mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất, cung ứng giống thủy sản theo các hình thức thâm canh và bán thâm canh. Hình thức nuôi trồng vẫn chủ yếu ở dạng quảng canh cải tiến và một phần bán thâm canh.

3.1.2.2. Về nguyên nhân

Có thể nói, những hạn chế trên đây trong quá trình Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lãnh đạo phát triển ngành kinh tế thủy sản trong thời gian từ năm 1996 đến năm 2010 là do tác động tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó có cả những nhân tố khách quan lẫn chủ quan.

Về khách quan: Đó là diễn biến của tình hình thế giới có nhiều chuyển biến, giá cả một số mặt hàng xuất khẩu trên thị trường thế giới có nhiều biến động; các rào cản về kỹ thuật đối với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào thị trường EU, Mỹ rất gắt gao; cơ chế chính sách thanh toán qua biên giới chưa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Mặt khác, do nguồn lợi thủy sản vùng gần bờ có xu hướng giảm; cơ sở hậu cần ngành nghề thủy sản chưa được đầu tư tương xứng, nguồn nhân lực ít được quan tâm đào tạo, trình độ chuyên môn, văn hóa của ngư dân trong ngành mặt bằng còn thấp so với các ngành khác.

Về chủ quan: Ngoài những nhân tố khách quan tác động, không thể không nói tới các nhân tố chủ quan. Việc phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo giữa Đảng bộ tỉnh với chính quyền tỉnh, giữa Sở Thủy sản của tỉnh với các bộ, ngành và một số địa phương trong việc xây dựng quy hoạch và triển khai phát triển kinh tế thủy sản ở các địa phương còn chậm, thiếu thường xuyên;

thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong khai thác và mùa vụ nuôi trồng thủy sản còn nhiều khó khăn; nhiều dự án sử dụng diện tích nuôi trồng thủy sản chưa hợp lý, do vậy hiệu quả đầu tư chưa cao. Các dự án đầu tư phát triển thủy sản thiếu vốn sản xuất, vay vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Việc cụ thể hóa cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế thủy sản còn chậm; quản lý nhà nước về thủy sản trên địa bàn tỉnh còn một số bất cập. Việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cho chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học phục vụ ngành thủy sản còn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển.

Vì vậy, để thủy sản thực sự là một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh phát triển nhanh và bền vững trong tương lai, có khả năng cạnh tranh và vượt lên trên các tỉnh bạn, Đảng bộ tỉnh cần lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền tỉnh, đặc biệt Sở Thủy sản nhanh chóng đưa ra các biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, thẳng thắn trong việc phê bình, nhận và sửa chữa khuyết điểm để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ và chính quyền cơ sở trong việc xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh quảng ninh lãnh đạo ngành kinh tế thủy sản tu nam 1996 den nam 2010 (Trang 92 - 95)