Giáo dục đại học cần phải tiếp tục đổi mới về nội dung, phương pháp và chương trình để đạt được chất lượng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đang đặt ra.
Đổi mới nội dung giáo dục đại học phải có tính hiện đại và phát triển, kế thừa và phát huy tuyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hoá dân tộc, tương ứng
với trình độ chung của khu vực và thế giới. Phải đảm bảo cho sinh viên có những kiến thức khoa học cơ bản và chuyên ngành tương đối hoàn chính, có phương pháp làm việc khoa học, có năng lực vận dụng lý thuyết vào công tác chuyên môn. Nội dung giáo dục sau đại học phải giúp cho người học phát triển và hoàn thiện kiến thức khoa học cơ bản, kiến thức chuyên nghành, các bộ môn khoa học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy năng lực sáng tạo, phát hiện và giải quyết các vấn đề thuộc chuyên ngành đào tạo, có khả năng đóng góp vào sự phát triển của khoa học, công nghệ, kinh tế - xã hội của đất nước.
Đổi mới nội dung đại học theo hướng gắn kết chặt chẽ với thực tiễn nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nghề nghiệp trong xã hội, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng lĩnh vực, tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới. Phát triển tiềm năng nghiên cứu sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực hoạt động trong cộng đồng và khả năng lập nghiệp của sinh viên. Nội dung giáo dục đại học phải thường xuyên cập nhật những tri thức mới, đặc biệt là đào tạo sau đại học. Bởi lẽ, đào tạo sau đại học là đào tạo các chuyên gia cho các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Do đó, nội dung đào tạo sau đại học có thể không cần thiết phải mở rộng mà nên đi sâu.
Đổi mới phương pháp giáo dục là nhu cầu bức thiết và là vấn đề then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp đổi mới của giáo dục đại học. Đổi mới phương pháp giáo dục đại học cần thiết phải được tiến hành đối với cả người dạy và người học. Đối với người học theo các hướng: trang bị cách học, tiếp nhận và xử lý thông tin một cách khoa học và hiệu quả; phát huy tính tích cực chủ động; sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động học; khai thác nguồn tư liệu giáo dục mở và nguồn tư liệu trên mạng internet. Đổi mới phương pháp đối với người học nhằm trang bị cho những người trí thức tương lai năng lực làm việc khoa học độc lập, chủ động sáng tạo. Như vậy, cũng cho thấy rằng không phải nhất thiết cứ lên lớp nhiều, mà vấn đề là cần tạo nhiều điều kiện cho người học tự học, tự nghiên cứu thông qua những định hướng, gợi ý của giảng viên.
Đối với người dạy, đổi mới phương pháp giáo dục phải thích ứng với nền kinh tế thị trường trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH. Phương pháp
giáo dục phải kích thích được tính độc lập suy nghĩ, tìm tòi nhằm nâng cao năng lực tư duy, sáng tạo của người học. Vai trò của giáo dục đại học trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường là phải tạo cho con người tính năng động, linh hoạt, dám nghĩ dám làm, không ngại khó ngại khổ, quyết tâm chiến thắng đói nghèo, sống cho mình và vì mọi người, vì sự phồn vinh của đất nước. Giáo dục đại học nước ta hiện nay, ở trình độ đại học, thậm chí là sau đại học vẫn còn tình trạng độc thoại, thầy giảng trò chép. Người học rất bị động trong việc tiếp thu tri thức mới. Phương pháp giáo dục hiện đại phải gắn đến việc hình thành năng lực tự học cho con người, người học phải đạt mục tiêu là biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, có thể vừa học vừa làm, để nâng cao trình độ bằng con đường tự học. Tuy nhiên khi nhấn mạnh đổi mới phương pháp giáo dục theo phương châm lấy việc tự học, tự nghiên cứu của người học là trọng tâm không có nghĩa là xem nhẹ vai trò của giảng viên. Vai trò của người thầy trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào dù là phương pháp giáo dục hiện đại hay theo lối giáo dục truyền thống thì cũng không thể xem nhẹ. Không một cuộc cải cách giáo dục nào có thể thành công, nếu môi trường giáo dục và điều kiện để tự học, tự nghiên cứu không có (phương pháp giảng dạy và trình độ người giảng viên, tư liệu thông tin, tài liệu tham khảo, phương pháp đánh giá…). Trách nhiệm của người giảng viên, của nhà trường đại học là tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, kích thích sự ham muốn của sinh viên trong học tập và nghiên cứu. Giảng viên phải là người hướng dẫn người thiết kế, người cổ vũ, khuyến khích sinh viên phát huy được ý thức độc lập trong tư duy, làm phát triển năng khiếu của sinh viên trong quá trình tiếp cận và tiếp nhận tri thức khoa học, xây dựng nhân cách cho họ. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với chất lượng của đội ngũ giáo chức đại học cũng là vấn đề rất đáng coi trọng. Đặc biệt là đối với người giảng viên, trước hết phải là những người nắm vững và sâu sắc về những vấn đề chuyên môn giảng dạy. Tiếp đó, giảng viên phải có kiến thức về khoa học giáo dục, nhất là nghiệp vụ sư phạm, phương pháp nghiên cứu khoa học. Nhất là nghiệp vụ sư phạm, hiện nay cần thiết phải bồi dưỡng về lĩnh vực này cho phần lớn đội ngũ giảng viên đang trực tiếp tham gia giảng dạy ở các trường đại học và cao đẳng (nhiều giảng viên không được đào tạo ở các trường sư phạm. Thực
tế cho thấy, đổi mơi phương pháp giảng dạy không thể thực hiện được nếu người giảng viên chưa có đủ trình độ khái quát, thâu tóm nội dung môn học; hạn chế trong việc đặt ra các tình huống khoa học nhằm kích thích khả năng suy nghĩ độc lập, sáng tạo của người học, cũng như việc dẫn dắt họ tự chiếm lĩnh tri thức mới.
Cùng với đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá kết quả học tập trong giáo dục đại học cũng cần phải đổi mới về phương pháp. Hiện nay, khâu kiểm tra đánh giá đa phần cũng mới chỉ dừng lại ở việc xem xét mức độ tái hiện lại những tri thức đã được học chứ chưa đo lường khả năng sáng tạo, vận dụng vào thực tiễn. Điều đó, cũng là một nguyên nhân làm cho chất lượng nguồn tri thức bị hạn chế. Do đó, đối với công tác này trong thời gian tới cần phải được cải tiến theo hướng áp dụng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại. Thực hiện phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo hướng chuẩn hoá và chú trọng đánh giá trong suốt quá trình học tập. Thành lập các đơn vị khảo thí và kiểm định độc lập trong các trường để tách rời khâu dạy với khâu thi và kiểm tra, đánh giá. Giải pháp này sẽ góp phần quan trọng để khắc phục một số hiện tượng tiêu cực trong quá trình dạy và học. Xây dựng các trung tâm đảm bảo chất lượng để thực hiện nhiệm vụ kiểm định, công nhận, đảm bảo chất lượng trong toàn bộ hệ thống giáo dục đại học; nâng cao trách nhiệm xã hội, năng lực cạnh tranh của mỗi cơ sở đào tạo.
Công tác tuyển sinh sau đại học, đại học và cao đẳng hiện nay cũng có nhiều vấn đề bất cập, rất căng thẳng, nặng nề, tốn kém mà hiệu quả lại chưa cao, cần có sự đổi mới về phương pháp. Đối với đào tạo sau đại học, đổi mới việc tuyển chọn nghiên cứu sinh, học viên cao học dựa trên các tiêu chí về công trình khoa học, trình độ ngoại ngữ và tin học nhằm nâng cao trình độ đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Còn với đào tạo đại học và cao đẳng nên mở rộng nguồn tuyển sinh, tạo thêm cơ hội học tập cho các đối tượng khó khăn, đảm bảo công bằng xã hội trong tuyển sinh, khắc phục tình trạng hàng ngàn thí sinh dự thi đại học có điểm cao song vẫn trượt như hiện nay. Ở các nước trên thế giới, cánh cửa đại học mở rộng cho học sinh nhưng sẽ kiểm soát chặt đầu ra buộc sinh viên phải cật lực
mới hy vọng tốt nghiệp đại học. Trong khi đó, giáo dục đại học nước ta lại siết chặt đầu vào và có phần thả lỏng đầu ra.
Tiếp tục đổi mới về chương trình đào tạo đối với giáo dục đại học. Chương trình đào tạo hiện nay phải được cơ cấu lại để đảm bảo sự liên thông giữa các cấp học. Giải quyết tốt mối quan hệ về khối lượng kiến thức và thời lượng học tập giữa các môn giáo dục đại cương và giáo dục chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả đào tạo của từng môn học. Cần thiết có thể lựa chọn, sử dụng các chương trình, giáo trình tiên tiến của các nước.
Bộ GD - ĐT cần khẩn trương xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển từ đào tạo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ đối với giáo dục đại học, tạo điều kiện thuận lợi để người học tích luỹ kiến thức, chuyển đổi ngành nghề, liên thông, chuyển tiếp tới các cấp học tiếp theo ở trong nước và nước ngoài. Khuyến khích một số cơ sở đào tạo lớn có uy tín như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và một số trường đại học liên kết với một số trường đại học có uy tín của nước ngoài, thiết lập cơ chế quản lý theo kiểu mới, huy động lực lượng của giáo chức và các nhà nghiên cứu trình độ cao trong và ngoài nước để xây dựng thành những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Đổi mới cơ chế giao chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng gắn với điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, yêu cầu sử dụng nhân lực, nhu cầu học tập của nhân dân và tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Trong thời gian tới, cần tính đến việc xoá bỏ sự khác biệt giữa hai loại bằng chính quy và không chính quy. Đối với các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập thực hiện việc đào tạo gắn với nhu cầu xã hội.